Quy hoạch tài nguyên nước sông Hồng- Sông Thái Bình có liên quan siêu dự án sông Hồng?
Liên quan tới Quy hoạch tài nguyên nước lưu vực sông Hồng- sông Thái Bình, một số nhà khoa học có ý kiến phản ánh dư luận Quy hoạch này có liên quan tới dự án giao thông đường thủy xuyên Á dọc sông Hồng (hay còn gọi là siêu dự án sông Hồng).
- 01-06-2016Dự án nhà ở xã hội Rice City Sông Hồng “chết dí” sau 2 năm khởi công
- 13-05-2016Quy hoạch hai bờ sông Hồng để đầu tư hạ tầng đồng bộ, hiện đại
- 09-05-2016Thủ tướng chưa xem xét phê duyệt siêu dự án tỷ đô sông Hồng
- 09-05-2016Siêu dự án sông Hồng: Bộ ngành, địa phương 'gật đầu' những gì?
Ý kiến một số nhà khoa học phản ánh dư luận cho rằng Quy hoạch tài nguyên nước lưu vực sông Hồng - sông Thái Bình đang được Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng nhằm “hợp thức hóa”, “rộng đường” cho dự án giao thông đường thủy xuyên Á dọc sông Hồng không có trong Quy hoạch sông Hồng từng bị người dân phản đối. Trả lời báo giới, chiều ngày 2/8, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ – Người phát ngôn của Chính phủ Mai Tiến Dũng đã nêu rõ quan điểm của Thủ tướng Chính phủ về vấn đề này.
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo chưa xem xét việc phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án nói trên vì chưa đủ căn cứ theo quy định của pháp luật và giao Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành tổ chức xây dựng Quy hoạch tổng thể khai thác sông Hồng để đảm bảo phát triển bền vững (văn bản số 766/TTg-KTN ngày 09/5/2016).
"Thủ tướng Chính phủ yêu cầu việc xây dựng Quy hoạch nêu trên phải được thực hiện một cách kỹ lưỡng, khoa học và phải có sự tham gia của các địa phương liên quan, các nhà khoa học, các cơ quan nghiên cứu, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị, xã hội khác là đại diện cho lợi ích của người dân. Căn cứ đề nghị của Bộ Tài nguyên và Môi trường, ý kiến của các Bộ, ngành và cơ quan liên quan, Thủ tướng Chính phủ sẽ xem xét, quyết định đề cương của Quy hoạch tổng thể khai thác sông Hồng trong đó quy hoạch tài nguyên nước chỉ là một nội dung của Quy hoạch tổng thể khai thác sông Hồng", Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nêu rõ.
Trở lại với dự án giao thông đường thủy xuyên Á trên sông Hồng đang được dư luận quan tâm. Hồi tháng 5/2016, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét thông qua đề xuất đầu tư dự án giao thông thủy xuyên Á trên sông Hồng kết hợp với Thủy điện theo hình thức BOO (xây dựng - sở hữu - vận hành) của công ty thuộc Tập đoàn kinh tế Xuân Thành (Ninh Bình).
Siêu dự án có vốn đầu tư dự kiến là 24.510 tỷ đồng (trong đó, 30% tổng mức đầu tư do nhà đầu tư góp; phần còn lại huy động vốn vay thương mại) do Công ty TNHH Xuân Thiện thuộc Tập đoàn kinh tế Xuân Thành đề xuất.
Dự án có mục tiêu kép là nâng cấp tuyến vận tải đường thủy dọc sông Hồng trên cơ sở kết nối 2 tuyến vận tải thủy lớn là Hải Phòng - Việt Trì và Hà Nội - Lạch Giang; đồng thời cung cấp lượng điện năng lên tới 0,91 tỷ kWh/năm.
Chủ đầu tư dự kiến sẽ xây dựng 6 đập dâng nước và âu tàu, nạo vét hơn 288 km luồng sông Hồng đoạn từ Việt Trì lên Lào Cai đạt tiêu chuẩn sông cấp 3; kết hợp xây dựng 6 nhà máy thủy điện nhỏ (cấp 2), kiểu tuabin trục ngang cột nước thấp với tổng công suất thiết kế khoảng 228 MW; xây dựng 7 cảng dọc tuyến từ Hà Nội lên tới Lào Cai.
Tuy nhiên, ngay sau khi đề xuất siêu dự án trên được công bố, đã có nhiều luồng ý kiến trái chiều liên quan tới siêu dự án này. Ngày 9/5/2016, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã ký văn bản thông báo ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng tuyến giao thông thủy xuyên Á trên sông Hồng kết hợp thủy điện theo hình thức BOO.
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ chưa xem xét việc phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án này vì chưa đủ căn cứ, cơ sở theo quy định của pháp luật.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành tổ chức xây dựng Quy hoạch tổng thể khai thác sông Hồng để đảm bảo phát triển bền vững. Việc xây dựng Quy hoạch nêu trên phải được thực hiện một cách kỹ lưỡng, khoa học và phải có sự tham gia của các địa phương liên quan, các nhà khoa học, các cơ quan nghiên cứu, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị, xã hội khác là đại diện cho lợi ích của người dân trong lưu vực đồng bằng sông Hồng.
Trên cơ sở Quy hoạch được phê duyệt, Bộ KH-ĐT đề xuất cách thức triển khai thực hiện Dự án, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Tiếp đó, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc giao Bộ TN&MT chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành tổ chức xây dựng Quy hoạch tổng thể khai thác sông Hồng, ngày 17/5/2016 Bộ TN&MT đã có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng Quy hoạch tổng thể khai thác sông Hồng.
Ngày 14/7, để triển khai thực hiện nhiệm vụ lập Quy hoạch tài nguyên nước lưu vực sông Hồng – Thái Bình, Bộ TN&MT tổ chức Hội thảo tham vấn, lấy ý kiến góp ý về một số nội dung chủ yếu cần thực hiện trong quy hoạch tài nguyên nước lưu vực sông Hồng – Thái Bình.
Tổng diện tích toàn lưu vực sông Hồng - Thái Bình là 169.000km2, trong đó diện tích thuộc Việt Nam là 86.700 km2, chiếm hơn 51%. Tuy nhiên, hệ thống lưu vực sông này đang bị tác động về lượng nước, chế độ dòng chảy và chất lượng nước.
Để phát triển bền vững an ninh nguồn nước, hài hòa lợi ích giữa các đối tượng sử dụng nước, việc quy hoạch tài nguyên nước là rất cần thiết và cần được thực hiện ngay cho lưu vực sông Hồng – Thái Bình, một trong những lưu vực sông lớn và có tầm quan trọng đặc biệt đối với phát triển kinh tế, xã hội và an ninh quốc phòng của nước ta.
Tại Hội thảo ngày 14/7, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà nhấn mạnh, đây là vấn đề nóng và cấp bách, được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, được dư luận và nhân dân hết sức quan tâm, vì vậy các cơ quan chuyên môn của Bộ TN&MT nhanh chóng mời các nhà khoa học hàng đầu, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương thuộc lưu vực, tập trung lập Quy hoạch tài nguyên nước lưu vực sông Hồng - Thái Bình, đồng thời Bộ đã thành lập 04 nhóm chuyên gia để tập trung nghiên cứu, phân tích, đánh giá các nội dung chuyên sâu để đề xuất các phương án, giải pháp quy hoạch.
VnMedia