Quy hoạch tỉnh Bình Dương cần hướng đến sự bền vững
Theo quy hoạch, đến năm 2030, tầm nhìn năm 2050, Bình Dương trở thành trung tâm công nghiệp hiện đại, đô thị thông minh, trở thành động lực phát triển của Vùng và cả nước. Để thực hiện được mục tiêu này, các chuyên gia, nhà nghiên cứu cho rằng, Bình Dương cần phải nhìn nhận các "điểm nghẽn" và có giải pháp tháo gỡ.
- 05-11-2023Tập trung nguồn lực để Dự án nâng cấp sân bay Điện Biên về đích đúng hẹn
- 05-11-2023Xuất khẩu tháng 10 ước thu về trên 32 tỷ USD
- 04-11-2023Khởi tố, bắt giam 5 cán bộ Tập đoàn EVN và Bộ Công Thương
- 04-11-2023Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 26 nối Khánh Hòa - Đắk Lắk đảm bảo tiến độ
- 04-11-2023Thừa Thiên Huế gỡ vướng mắc trong giải ngân vốn đầu tư công
Chuyển đổi mô hình tăng trưởng, đầu tư hạ tầng kết nối
Hơn 25 năm qua, Bình Dương đã chuyển mình từ một tỉnh nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp sang công nghiệp. Việc mạnh dạn đổi mới mô hình phát triển kinh tế đã đưa Bình Dương trở thành một tỉnh công nghiệp thuộc hàng đầu trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước.
Đô thị hóa của Bình Dương cũng thuộc top đầu cả nước, đạt 85% và cũng là 1 trong 2 địa phương dẫn đầu thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam. Thu nhập bình quân đầu người cao nhất nước với 170 triệu đồng/người/năm.
Theo các chuyên gia, nhà nghiên cứu, mặc dù đã có những “quả ngọt” nhưng trong giai đoạn tới, Bình Dương sẽ đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như "bẫy thu nhập trung bình", cơ cấu kinh tế dịch vụ chiếm tỷ trọng thấp, sản xuất còn thâm dụng lao động. Cùng với đó Bình Dương chưa hút được các nhà đầu tư chiến lược, các "sếu đầu đàn". Tỉnh cũng chưa có chuỗi sản xuất của vùng, của khu vực.
GS.TS Trần Thọ Đạt, Chủ tịch Hội đồng khoa học và Đào tạo trường Đại học Kinh tế quốc dân cho rằng, để duy trì đà tăng trưởng, Bình Dương cần chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế, phải bứt phá khỏi quỹ đạo phát triển trong quá khứ để vươn lên tầm cao mới.
“Trong thời gian tới, việc chuyển đổi từ mô hình phát triển theo chiều rộng mà dư địa đã gần như cạn kiệt phải chuyển sang mô hình tăng trưởng vừa kết hợp theo chiều rộng, vừa kết hợp chiều sâu. Điều đó đòi hỏi Bình Dương phải có phương thức huy động nguồn lực, nguồn vốn đầu tư nước ngoài chất lượng cao hơn, phải có cơ chế thu hút nguồn lực khoa học công nghệ. Như vậy, chúng ta mới có xung lực mới để Bình Dương viết tiếp câu chuyện thành công trong 25 năm qua” - GS.TS Trần Thọ Đạt nêu ý kiến.
Đánh giá về tình hình phát triển của Bình Dương, các nhà nghiên cứu cho rằng, điểm nghẽn lớn nhất của tỉnh này là không có cảng biển, sân bay nên khó thu hút đầu tư. Do đó, quy hoạch của tỉnh cần bám vào quy hoạch của cả vùng Đông Nam bộ và cả nước để tăng kết nối hạ tầng giao thông, từ đó “lấy điểm” với nhà đầu tư.
PGS.TS Nguyễn Quốc Dũng, Giám đốc Học viện Hành chính khu vực II gợi ý, quy hoạch giao thông của Bình Dương nên lấy 2 điểm làm mục tiêu phát tuyến là sân bay Long Thành (Đồng Nai) và cảng Cái Mép-Thị Vải (Bà Rịa-Vũng Tàu). Đây là 2 điểm nhấn rất mạnh, động lực rất lớn của Vùng Đông Nam bộ và cả nước.
“Kinh nghiệm cho thấy, xung quanh những cảng hàng không, cảng biển lớn khoảng 100km là vùng hưởng lợi rất lớn, cho nên phải hướng mạnh phát tuyến hạ tầng quy hoạch theo hướng đó. Bình Dương cần chú ý phát triển đường sắt. Trong sự phát triển của các quốc gia không một quốc gia nào phát triển nếu thiếu đường sắt. Bình Dương có lợi thế là hệ thống đường sắt đi ngang tỉnh, hệ thống đường sắt phát triển mới giải quyết được trọng tải lớn ở các khu công nghiệp, giải quyết lưu lượng hành khách" - PGS.TS Nguyễn Quốc Dũng nói.
Đào tạo nhân lực, cải thiện môi trường
Các chuyên gia lo ngại nếu Bình Dương không làm tốt công tác “giữ chân” và thu hút lao động sẽ không đáp ứng đủ nhu cầu nhân lực cho doanh nghiệp. Bởi gần 60% dân số của Bình Dương là người từ các tỉnh, thành về sinh sống, làm việc.
Trong khi đó, hiện nay, các tỉnh đều có khu công nghiệp thì khả năng cao người lao động sẽ chọn phương án ở lại quê nhà. Do đó, Bình Dương cần ưu tiên thêm quỹ đất gần các khu, cụm công nghiệp để xây nhà ở xã hội, quan tâm việc học tập của con em để công nhân yên tâm gắn bó lâu dài. Đồng thời, tỉnh cần có chính sách hỗ trợ đào tạo nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu cho thời buổi chuyển đổi số.
GS.TS. Tạ Ngọc Tấn, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương nhận định: “Nói chuyển đổi số đừng bắt đầu nghĩ chuyển đổi số bằng kỹ thuật mà phải chuyển đổi số bằng con người, do đó phải đào tạo con người. Đào tạo từ nguồn nhân lực chất lượng cao dẫn đầu để giải quyết vấn đề then chốt của chuyển đổi số; đồng thời đào tạo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ để bản thân họ hiểu, tham gia vào chuyển đổi số, rồi sau đó đến đào tạo người dân để họ hiểu, sử dụng các dịch vụ chuyển đổi số".
Theo một số chuyên gia, Bình Dương muốn phát triển bền vững thì trong quy hoạch của tỉnh phải quan tâm đến việc nâng cấp cơ sở hạ tầng ở thành thị và cả nông thôn; phát triển giáo dục, y tế, văn hóa chất lượng cao; có cơ chế bảo vệ môi trường bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu…
GS.TS Nguyễn Thị Cành, công tác tại trường Đại học Kinh tế- Luật, Đại học Quốc gia TP.HCM nhận định, đô thị mà vẫn còn ngập, còn tắc nghẽn giao thông liên tục thì không phát triển bền vững được. Để phát triển bền vững cần phải cân nhắc vấn đề môi trường. Không thể vì mục tiêu phát triển kinh tế mà xem nhẹ môi trường sống trong tương lai của hàng triệu người dân.
“Khi đầu tư phải chú ý các hạ tầng thoát nước; xây dựng thành phố mới phải tính đến về lưu chuyển nước, thoát nước, vấn đề đảm bảo môi trường. Các khu công nghiệp chú ý vấn đề xử lí rác thải công nghiệp. Khu dân cư phải giáo dục cho cư dân về đảm bảo vệ sinh môi trường. Từ những vấn đề nhỏ không chỉ đánh giá về mặt kinh tế mà còn tác động môi trường" - GS.TS Nguyễn Thị Cành nói.
Với những góp ý của các chuyên gia, lãnh đạo tỉnh Bình Dương đã yêu cầu các ngành, đơn vị nghiên cứu bổ sung để quy hoạch tỉnh hoàn thiện theo hướng bền vững.
Theo đó, giai đoạn I, đến năm 2030, Bình Dương hình thành mô hình công nghiệp - đô thị - dịch vụ - thông minh - bền vững. Trong đó xây dựng, nâng cấp các khu công nghiệp hiện hữu trở thành các khu công nghiệp thông minh, với khả năng cung cấp nền tảng công nghệ 4.0 như IoT, BigData... Từ đó, thu hút các ngành công nghiệp xanh, thân thiện với môi trường.
Giai đoạn II, đến năm 2050, Bình Dương cơ bản hình thành được mô hình công nghiệp - đô thị - dịch vụ quốc tế - đổi mới sáng tạo - khoa học công nghệ, trong đó xây dựng các khu công nghiệp gắn liền với khoa học và công nghệ thu hút các viện, trường, các hoạt động nghiên cứu phát triển và đổi mới sáng tạo, các ngành dịch vụ, dịch vụ số nhằm thu hút các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao.
vov.vn