Quỹ ngoại lớn nhất do Dragon Capital quản lý gần chạm ngưỡng “full” cổ phiếu
Theo thống kê từ khi Covid-19 xuất hiện, rất hiếm khi VEIL để tỷ trọng tiền mặt dưới mức 0,5%. Với con số 0,53% tại thời điểm 30/6, quỹ ngoại này đã gần chạm đến ngưỡng “full” cổ phiếu và không còn nhiều dư địa giải ngân.
Vietnam Enterprise Investment Limited (VEIL), quỹ ngoại lớn nhất thuộc Dragon Capital quản lý, đã cập nhật hoạt động đến hết ngày 30/6 với tỷ trọng tiền mặt trong danh mục tiếp tục giảm xuống chỉ còn 0,53%. Với quy mô tài sản 2,036 tỷ USD, giá trị tiền mặt trong danh mục chỉ còn khoảng 10,8 triệu USD, thấp nhất trong hơn 1 năm trở lại đây. Ước tính tuần giao dịch 23 - 30/6, VEIL đã giải ngân hơn 8 triệu USD (187 tỷ đồng) mua cổ phiếu.
Theo thống kê từ khi Covid-19 xuất hiện, rất hiếm khi quỹ tỷ USD này để tỷ trọng tiền mặt dưới mức 0,5%. Lần gần nhất là vào tuần 17 - 24/9/2020 khi đó VEIL chỉ giữ lượng tiền mặt khoảng 7,1 triệu USD, chiếm 0,49% NAV. Với tỷ trọng tiền mặt chỉ 0,53% tại thời điểm 30/6, quỹ ngoại này gần như đã chạm đến ngưỡng "full" cổ phiếu và không còn nhiều dư địa giải ngân.
Tỷ trọng tiền mặt trong danh mục của VEIL gần chạm ngưỡng thấp nhất nhiều năm
Thời điểm cuối tháng 6, cổ phiếu MWG của Thế giới Di động là khoản đầu tư lớn nhất trong danh mục của VEIL với tỷ trọng 11,92%. Theo sau lần lượt là 2 cổ phiếu ngân hàng VPB và ACB với tỷ trọng tương ứng 11,34% và 10,68%. Top 10 khoản đầu tư lớn nhất danh mục đã xuất hiện thêm GAS của PV Gas với tỷ trọng 3,32%.
Trước đó vài tuần, TCB của Techcombank và DGC của Tập đoàn Hóa chất Đức Giang cũng đã được VEIL giải ngân mạnh và lần lượt lọt top các khoản đầu tư lớn nhất. Tính đến cuối tháng 6, tỷ trọng của DGC và TCB tương ứng ở mức 3,68% và 3,42%. Ngược lại, VIC của Vingroup, MBB của MBBank và DXG của Đất Xanh Group đã phải nhường chỗ cho những cái tên mới.
Top 10 khoản đầu tư lớn nhất của VEIL đã có nhiều thay đổi gần đây
Động thái cơ cấu danh mục mạnh tay thời gian gần đây phần nào cho thấy sự thay đổi khẩu vị của quỹ lớn nhất thuộc Dragon Capital. Tỷ trọng của các cổ phiếu có liên quan đến bất động sản có xu hướng bị thu hẹp thay vào đó quỹ tập trung giải ngân vào nhóm hóa chất, dầu khí và ngân hàng.
Hoạt động "đại phẫu" danh mục diễn ra sau khi thị thị trường có nhiều biến động mạnh theo chiều hướng không thuận lợi từ đầu năm. Hiệu suất đầu tư sau 6 tháng của VEIL âm hơn 20% tương đương với mức giảm của VN-Index cùng thời kỳ. Con số này thực tế không phải quá tệ nhưng chắc chắn khó làm hài lòng các nhà quản lý quỹ. Có lẽ, đã đến lúc VEIL thay thế những "chiến mã" cho cuộc đua trong giai đoạn sắp tới.
Hiệu suất của VEIL tương đương mức giảm của VN-Index từ đầu năm
Nhịp sống kinh tế