Quỹ nội thắng lợi không kém quỹ ngoại
Không chỉ riêng quỹ ngoại ‘kiếm lời’ lớn trên thị trường Việt Nam, nhiều quỹ nội cũng ghi nhận kết quả ấn tượng, thậm chí vượt qua thành tích của tổ chức nước ngoài.
Sau 2 tháng đầu 2018, VN-Index đã tăng 13,9% so với thời điểm kết năm 2017. Nhiều cổ phiếu tăng giá nhờ những kỳ vọng về nền kinh tế và các đợt thoái vốn, IPO doanh nghiệp Nhà nước của Chính phủ, đã thúc đẩy thị trường từng bước chinh phục lại đỉnh cao của năm 2017.
Trong thị trường giá lên, những nhà đầu tư tham gia đều được hưởng lợi, thống kê các quỹ ngoại có tiếng hoạt động tại Việt Nam trong 2 tháng đầu đều ghi nhận mức tăng trưởng tài sản ròng trên 10% và khi nhìn sang danh sách các quỹ nội, kết quả cũng khởi sắc không kém.
Tăng trưởng NAV của quỹ nội
Nguồn: SSI Research
2 quỹ do Công ty TNHH Quản Lý Quỹ SSI (SSIAM) quản lý là quỹ mở SSI – SCA và ETF SSIAM VNX50 đều ghi nhận mức tăng trưởng cao trong thời gian qua.
Với SSI – SCA, tính đến 28/02, tài sản ròng (NAV) của quỹ tăng 12% so với thời điểm đầu năm, NAV/CCQ ở mức 22.198 đồng/CCQ, ước tính tài sản ròng gần 500 tỷ đồng.
5 cổ phiếu chiếm tỷ trọng cao nhất trong danh mục của SSI – SCA là HPG chiếm 14,6% NAV, MBB chiếm 5,7% NAV, VCB chiếm 4,9% NAV, CTD chiếm 4,7% NAV và ACB chiếm 4,5% NAV. Trong đó, HPG, VCB, MBB đều tăng mạnh trong 2 tháng qua, lần lượt 38%, 34% và 32%, là động lực chính cho đà tăng NAV của quỹ.
Năm 2017, NAV/CCQ của SSI-SCA đạt 19.551 đồng/ccq, tăng 36% so với đầu năm, giữ vị trí thứ 2 trong danh sách các quỹ mở, vượt qua nhiều cái tên khác như VCBF-BCF, VCBF-TBF, VEOF, MAFEQ…
Theo cập nhật đến cuối tháng 1, tài sản của SSI – SCA có 87% là cổ phiếu và tiền mặt chiếm gần 13%.
Nguồn: SSI Research
Trong khi đó, ETF SSIAM VNX50 - quỹ mô phỏng chỉ số VNX50, ghi nhận mức tăng trưởng 11,7% trong 2 tháng, NAV/CCQ ở mức 14.366 đồng/CCQ, tài sản ròng ước đạt gần 152 tỷ đồng. Theo số liệu đến hết tháng 1, gần 99,5% tài sản của ETF SSIAM VNX50 là cổ phiếu và chỉ có 0,51% là tiền mặt. Trong đó, 3 cổ phiếu chiếm tỷ trọng cao nhất là VIC, VNM và HPG, với tỷ trọng lần lượt là 9,81% 9,37% và 7,28%.
Tính từ khi thành lập, tài sản ròng của ETF SSIAM VNX50 đã tăng 60,38% cao hơn nhiều so với mức tăng trưởng của VN-Index.
Nguồn: SSI Research
Trong đầu năm nay, quỹ VEOF tạo bất ngờ lớn khi ghi nhận mức tăng trưởng cao nhất trong số quỹ mở nội địa. Đây là quỹ đầu tư cổ phiếu được quản lý chủ động chuyên đầu tư cổ phiếu của Việt Nam. Một điểm đặc biệt là VEOF hướng đến những nhà đầu tư có khẩu vị rủi ro cao, mong muốn tối đa hóa lợi nhuận trong trung và dài hạn.
Sau 2 tháng, NAV của VEOF tăng tới hơn 13,2%, xấp xỉ mức tăng của VN-Index và cao hơn phần lớn các quỹ ngoại 'có tiếng' như VEIL, VOF... NAV/CCQ của VEOF ở mức 17.282 đồng/CCQ, ước tính tài sản ròng khoảng 473 tỷ đồng. Hiện nay, quỹ có 97% tài sản là cổ phiếu và gần 3% tiền, tương đương tiền.
Khác với nhiều quỹ chỉ tập trung vào các cổ phiếu blue-chip, VEOF còn lựa chọn một số cổ phiếu nhỏ khác và các cổ phiếu chưa được đăng ký giao dịch hoặc niêm yết.
Nguồn: SSI Research
Theo số liệu cuối tháng 1, chiếm tỷ trọng cao nhất trong tài sản của VEOF là khoản đầu tư vào cổ phiếu HUT của CTCP Tasco (HNX: HUT) chiếm 9,8% NAV. Tuy nhiên, từ đầu năm cổ phiếu này đã giảm 20% so với đầu năm (có giá 8.800 đồng/cp phiên 09/03). Bên cạnh đó, khoản đầu tư lớn thứ 2 vào cổ phiếu VNM của Vinamilk cũng nhận được kết quả kém tích cực khi giảm hơn 7% từ đầu năm, điều này ảnh hưởng đáng kể tới NAV của VEOF.
Bằng chứng là kết thúc tháng 1, NAV của VEOF đã tăng trên 13,21%% so với đầu năm, tuy nhiên đến cuối tháng 2 con số này vẫn không có nhiều thay đổi chỉ nhích nhẹ lên mức 13,24%.
Ngược lại 2 khoản đầu tư khác vào cổ phiếu GAS và VCB lần lượt chiếm tỷ trọng 7,3% và 6,9% đã giữ đà tăng trưởng cho VEOF ghi nhận mức tăng 19,5% và 34% trong 2 tháng qua. Trong top 5 khoản đầu tư chiếm lớn của VEOF có sự góp mặt của cổ phiếu FRT – CTCP FPT Retail, hiện vẫn đang được giao dịch trên thị trường OTC, với tỷ trọng 5,1% NAV.
ENF do Eastspring quản lý, quỹ mở từng dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng trong năm 2017, có kết quả khiêm tốn trong 2 tháng đầu năm khi NAV ghi nhận mức tăng 11,91%, NAV/CCQ ở mức 21.888 đồng/cp, ước tình NAV ở mức 163 tỷ đồng. Những khoản đầu tư của ENF vẫn phần lớn tập trung ở các bluechips bao gồm FPT, MBB, HPG, REE…
Các quỹ khác như VFMVF1, VFMVF4 thuộc CTCP Quản lý quỹ Đầu tư Việt Nam cũng đạt mức tăng tốt lần lượt 12,16% và 11,74%. Trong khi đó, 2 quỹ VCBF-TBF và VCBF-BCFgây thất vọng khi chỉ tăng trưởng 3,82% và 3,33%.
Phân bổ tài sản của các quỹ
Nguồn: SSI Research
Về tình hình phân bổ tài sản, nhìn chung phần lớn các quỹ nội vẫn lựa chọn các cổ phiếu cơ bản của các doanh nghiệp lớn, đầu ngành làm đích đến, trong đó các cổ phiếu ưa thích của quỹ có thể điểm tới như: HPG, MBB, VNM, ACB, ACB, VPB, PNJ.
NDH