MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

[Quy tắc đầu tư vàng] Cách huyền thoại đầu tư người Do Thái đạt tỷ suất 25%/năm không thua gì Warren Buffett trong suốt 28 năm

[Quy tắc đầu tư vàng] Cách huyền thoại đầu tư người Do Thái đạt tỷ suất 25%/năm không thua gì Warren Buffett trong suốt 28 năm

Cả thị trường chứng khoán lẫn bản thân các công ty đều không thể quyết định số phận của một nhà đầu tư. Người duy nhất có thể làm việc đó chính là bản thân nhà đầu tư…

Michael Steinhardt sinh ngày 7 tháng 12 năm 1940 tại Mount Kisco, New York. Ông là một nhà đầu tư nổi tiếng người Mỹ, người quản lý quỹ phòng hộ xuất chúng, nhà sáng lập tổ chức bảo vệ động vật thiên nhiên và cũng là nhà từ thiện nổi tiếng trên phố Wall.

Ông được coi là một trong những huyền thoại tỷ phú Do Thái của Phố Wall. Kể từ năm 1967 cho tới năm 1995, quỹ đầu tư Steinhardt Partners của ông luôn đạt được tỉ suất tăng trưởng lợi nhuận gần 25% mỗi năm.

Có một câu hỏi không thể giải đáp, nếu Michael Steinhardt tiếp tục đầu tư thay vì nghỉ hưu sớm từ 1995, thì ông có lập lại thành tích của Huyền thoại Warren Buffett hay không?

Từ thời niên thiếu, ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, Michael Steinhardt đã thể hiện có tố chất đầu tư khi ông thường xuyên đến thư viện trường và mượn đọc các thể loại sách về kinh tế tài chính. Ngay sau khi lên đại học, ông đã dành phần lớn thời gian tìm hiểu về phân tích chứng khoán và thường xuyên lui tới các phòng môi giới chứng khoán ngồi hàng giờ để nghe các nhà đầu tư kì cựu chuyện trò chia sẻ kinh nghiệm.

Năm 1960, ông tốt nghiệp Trường tài chính Wharton. Sau đó, ông bắt đầu sự nghiệp của mình ở phố Wall với vị trí nghiên cứu và phân tích tại Công ty Quản lý quỹ tương hỗ Calvin Bullock và Công ty Môi giới Loab Rhoades & Co.

Năm 1967, Steinhardt cùng hai đồng sự khác cũng rất nổi tiếng trong lĩnh vực đầu tư là Howard Berkowitz và Jerrold Fine, lập nên Công ty Quản lý quỹ phòng hộ Steinhardt, Fine, Berkowitz & Co. ( hiện đặt trụ sở tại New York).

Dưới sự lãnh đạo của Steinhart, công ty luôn thành công trong việc xác định các biến động kinh tế vĩ mô và biết đặt các chiến lược đầu tư chứng khoán vào những hoàn cảnh ấy. Năm 1979, công ty đã đổi tên thành công với tên gọi mới công ty Quản lý quỹ Steinhardt Partners.

Bên cạnh việc phát triển những nguyên tắc kỉ luật trong đầu tư cơ bản, ông còn thành công nhờ việc chăm chỉ nghiên cứu những dữ liệu quá khứ mang tính lịch sử từ thị trường tài chính, toán học áp dụng vào cả thị trường cơ sở và thị trường phái sinh quốc tế, ông đã bước đầu đạt được những thành tựu xuất sắc trong lĩnh vực dự báo xu hướng thị trường.

Steinhardt có một tầm nhìn đầu tư dài hạn, song hầu hết quá trình đầu tư ông lại sử dụng các chiến lược ngắn hạn. Ông đầu tư dựa trên những biến động có định hướng của thị trường, sử dụng một tập hợp rất rộng các loại chứng khoán và đằng sau ông còn là đội ngũ các chuyên gia phân tích và nhà đầu tư. Ông tập trung vào các biến động về phân bố tài sản trên tầm vĩ mô và thu lợi chủ yếu từ đó.

Steinhardt Partners do ông sáng lập và đứng đầu, nhờ cách thức nghiên cứu cẩn thận trong đầu tư này mà các khách hàng chịu khó nghe những lời tư vấn từ Steinhardt đã từng đạt tỷ lệ sinh lới gấp hai lần chỉ số S&P 500, bất chấp cả những giai đoạn của khó khăn nhất của thị trường chứng khoán Mỹ. Và tất nhiên, nguyên tắc đầu tư của ông chỉ gói gọn trong những điều cơ bản dưới đây:

Chọn lựa kĩ lưỡng cổ phiếu

Ông luôn nghĩ rằng điều quan trọng nhất khi tham gia thị trường chứng khoán là nhà đầu tư phải tìm được cổ phiếu của các công ty kinh doanh thành công, hay chính xác hơn là những cổ phiếu cơ bản có nền tảng đủ tốt. Khi đã chọn được những cổ phiếu này thì việc lên xuống của thị trường sẽ không còn là vấn đề đáng lo ngại.

Thu thập và đánh giá thông tin

Ông đưa ra những chỉ dẫn dễ dàng áp dụng để có thể lựa chọn được những danh mục từ việc đánh giá các báo cáo tài chính của công ty và nhận ra những con số thực sự có giá trị. Ông giải thích và đưa ra những chỉ dẫn để đầu tư theo chu kỳ, hay thay đổi hoàn toàn danh mục đầu tư để theo đuổi những công ty đang phát triển nhanh.

Đồng thời ông cũng cho rằng việc tìm hiểu đề ra một quyết định đúng đắn thật không dễ dàng đối với các nhà đầu tư còn non trẻ, do vậy chúng ta hãy nghiên cứu các loại báo cáo của công ty như báo cáo thường niên, báo cáo quý, thêm vào đó hãy đọc cả các bản báo cáo tài chính và thu nhập của công ty mà mình đang định mua và các báo cáo của các đối thủ cạnh tranh của công ty trong cùng ngành đó, bởi nó sẽ giúp cho chúng ta trong việc so sánh kết quả kinh doanh, tình hình lợi nhuận của các công ty đó với nhau.

Nếu có thể, biết qua về phân tích kĩ thuật và xu hướng dòng tiền cũng là một trong những kiến thức bổ ích nên tham khảo để có thêm góc nhìn ngắn hạn về thị trường chứng khoán.

Nhà đầu tư trước mỗi quyết định nên xác định các mục tiêu và làm rõ những quan điểm của mình

Steinhardt Partners khẳng định rằng, nếu giữ cho bản thân không bị chi phối bởi sự thất thường của thị trường sự ham muốn tức thời về lợi nhuận, thì nhà đầu tư sẽ được đền đáp bởi danh mục đầu tư của mình (cụ thể chỉ sau khoảng từ 1 đến 5 năm là rõ kết quả).

Ông đồng thời cũng muốn nhắn gửi các nhà đầu tư trước khi ra quyết định mua cổ phiếu, hãy nên đưa ra một số quyết định cơ bản về thị trường, về việc ta có cần thiết đầu tư vào cổ phiếu này hay không, đang kì vọng điều gì sau khi bán những cổ phiếu này, và về cách phản ứng của chính chúng ta trước những cú rớt giá nghiêm trọng bất ngờ, ngoài dự kiến.

Lời khuyên ông đưa ra là nhà đầu tư trước mỗi quyết định nên xác định các mục tiêu và làm rõ những quan điểm của mình. Trước khi ra quyết định, chúng ta hãy đánh giá cả rủi ro lẫn lợi nhuận tiềm năng của cổ phiếu đó, hãy so sánh việc đầu tư vào cổ phiếu có lợi hay không và các chứng khoán khác có lợi hơn loại chứng khoán mình đã chọn?

Bởi nếu trong thị trường khắc nghiệt, nếu không quyết đoán và thiếu sự chắc chắn thì chính chúng ta sẽ là nạn nhân tiềm năng của thị trường, người sẽ từ bỏ mọi hy vọng và lý lẽ vào thời khắc cam go nhất để chấp nhận bán lỗ cổ phiếu vào thời điểm giá của chúng thậm chí chạm đáy.

Ông cũng cho hay chính sự chuẩn bị kĩ càng trong mỗi phi vụ đầu tư, cũng như những kiến thức đúc kết và sự nghiên cứu một cách nghiêm túc sẽ giúp phân biệt những nhà đầu tư mua cổ phiếu thành công với những người luôn thất bại. Cuối cùng, cả thị trường chứng khoán lẫn bản thân các công ty đều không thể quyết định số phận của một nhà đầu tư. Người duy nhất có thể làm việc đó chính là bản thân nhà đầu tư.

Lê Hằng

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên