MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

[Quy tắc đầu tư vàng] Tỷ phú gây dựng khối tài sản 5 tỷ USD từ triết lý bảo toàn vốn và không vay nợ

Andreas Halvorsen là một trong những hậu bối rất thành công và trưởng thành từ đế chế quỹ đầu tư Tiger Management của người thầy sáng lập Robertson

Ole Andreas Halvorsen (sinh năm 1961) là một tỷ phú, nhà quản lý quỹ đầu cơ và nhà từ thiện nổi tiếng người Na Uy. Ông là Giám đốc điều hành và là người đồng sáng lập quỹ đầu cơ Viking Global Investors có trụ sở tại Connecticut. 

Theo Forbes, tạp chí này công bố giá trị tài sản thực tế của ông ước tính là 4,8 tỷ USD - tăng 3,5 tỷ USD so với thời điểm tháng 3/2013. Số tài sản do Halvorsen quản lý tại quỹ đầu tư Viking Global của ông xấp xỉ 30 tỷ USD. Halvorsen cho biết vào năm 2008 rằng ông đã bán khống chứng khoán dưới chuẩn và kiếm được rất nhiều tiền để sau đó mua vào các cổ phiếu tốt từ đáy giai đoạn khủng hoảng kinh tế thế giới.

Nhắc về tuổi thơ, ông vốn sinh ra trong một gia đình trung lưu khá giả tại miền Nam Na Uy. Ba ông là thợ cơ khí còn mẹ là giáo viên tiểu học. Hồi còn trẻ, ông thường xuyên dành thời gian rảnh rỗi của mình cho việc nghiên cứu các hoạt động đầu tư, ông thường một mình ngồi cả ngày trước một dãy các con số giá cả chứng khoán.

Trùng với giai đoạn thị trường chứng khoán châu Âu cũng đang có những bước phát triển mạnh mẽ, ông sớm bị cuốn hút bởi lợi nhuận và những công thức tính toán phức tạp trên thị trường chứng khoán.

Sau khi tốt nghiệp phổ thông, ông đăng kí học viên Hải Quân Na Uy và sau đó trở thành đội trưởng của đội SEAL Na Uy. Sau khi ra khỏi quân ngũ, ông đăng kí theo học tại trường đại học Williams và tốt nghiệp với tấm bằng kinh tế. Ông tiếp tục đăng kí học cao học tại đại học Stanford vào năm 1990. Trong thời gian học tại Stanford, ông nhận được nhiều giải thưởng và thành tựu về nghiên cứu khoa học ứng dụng vào ngành tài chính.

[Quy tắc đầu tư vàng] Tỷ phú gây dựng khối tài sản 5 tỷ USD từ triết lý bảo toàn vốn và không vay nợ - Ảnh 1.

Sau khi học xong, Halvorsen làm việc trong bộ phận ngân hàng đầu tư của Morgan Stanley . Sau đó, ông chuyển đến Tiger Management Corp và đảm nhiệm vai trò giám đốc điều hành cấp cao, đồng thời là nhà phân tích chứng khoán của quỹ. Sau 5 năm đồng hành, ông ngồi trong ban cố vấn của Tiger và trong ban giám sát của quỹ lớn nhất của công ty - Jaguar Fund NV.

Năm 1999, sau khi quỹ Tiger của Julian Robertson có dấu hiệu đi xuống, Halvorsen rời Tiger để đồng sáng lập Viking Global Investors, một công ty đầu tư quản lý hơn 30 tỷ USD vốn mà ông hiện là Giám đốc điều hành, cùng với David Ott và Brian Olson. Halvorsen, Ott và Olson là một phần của nhóm được gọi là "Tiger Cubs" (cựu nhân viên của Công ty quản lý Tiger của Julian Robertson).

Quỹ đầu tư Viking của ông có 24 tỷ đô la được quản lý tính đến tháng 10 năm 2017. Halvorsen liên tục được xếp thứ hạng cao trong số các nhà quản lý quỹ đầu cơ kiếm tiền hàng đầu, đứng thứ 11 trong bảng xếp hạng năm 2012 của Forbes và thứ 9 trong năm 2015, theo Institutional Investor's Alpha

Quỹ Viking cũng là một quỹ phòng hộ thuộc nhóm "Những đứa con của hổ". Theo báo cáo trong nhiều năm liên túc, quỹ đã có một năm những thành công khi tăng 9,3% giá trị vào mỗi năm liên tiếp.

Trong thời gian điều hành, quỹ phòng hộ này mua vào nhiều cổ phiếu của Valeant Pharmaceuticals và quyết định này đã kéo thành tích của quỹ đi xuống và là khoản đầu tư "kém cỏi nhất" của Halvorsen.

Trong suốt sự nghiệp của mình, Halvorsen đã chứng minh được bản thân là một nhà đầu tư khôn ngoan bậc nhất, tạo ra nguồn lợi nhuận vững chắc và đồ sộ. Và tất nhiên, nguyên tắc đầu tư mà ông chia sẻ chỉ gói gọn trong 3 điều dưới đây:

Đầu tư là phải bảo toàn vốn

Halvorsen chia sẻ nhà đầu tư hãy tránh xa những cổ phiếu có nguy cơ rủi ro cao. Nhà đầu tư nên rót vốn vào những trường hợp rủi ro được đánh giá thấp hơn mức trung bình trên thị trường.

Giữ cho các khoản phí giao dịch và thuế ở mức thấp cũng là một nguyên tắc. Qua thời gian, đồng vốn ở những cổ phiếu tốt sẽ sinh lời, và lượng vốn càng được duy trì ổn định, lợi nhuận càng có thể tăng cao.

Trong một thời điểm nhất định, ông không thích liên tục đa dạng hóa danh mục đầu tư và rải tiền từ hết doanh nghiệp này đến công ty kia để phân tán rủi ro, mà chỉ tập trung vào những doanh nghiệp thực sự có tiềm năng. Cùng một thời điểm, theo ông chỉ đầu tư vào những vị thế giao dịch mà mình thực sự hiểu biết và liên tục tìm kiếm các lựa chọn mới.

Một khi đã tìm được các lựa chọn như vậy, thông thường là tài sản bị đánh giá thấp hơn giá trị thực, họ sẽ mua đến hết khả năng nhằm tối đa hóa lợi nhuận về sau. Họ cũng giữ kín thông tin về việc đang làm và rút kinh nghiệm từ những sai lầm trong quá khứ, thay vì lặp lại các sai lầm đó.

Nói "không" với các khoản nợ

Những nhà đầu tư thành công thường là những người có ý định đầu tư lâu dài và chuyên tâm vào những cổ phiếu đã chọn. Khi chuyên tâm, sẽ dần có thói quen bỏ ra lượng tiền ít hơn vốn đang có để đầu tư và tránh xa việc vay nợ. Đầu tư một cách căn cơ sẽ tạo ra lợi nhuận trong dài hạn, trong khi vay nợ để đầu tư mang lại kết quả ngược lại.

Nói như vậy không có nghĩa những nhà đầu tư huyền thoại không bao giờ dùng chiến thuật đòn bảy (leverage) nhằm tối đa hóa lợi nhuận. Nhưng đây chỉ là một phần nhỏ trong toàn bộ quá trình đầu tư của họ. Mặt khác, theo ông các nhà đầu tư này luôn tuân thủ các quy định tự đề ra rất nghiêm ngặt, như việc thoát khỏi thị trường ở một mức giá được đặt ra ngay từ khi mua cổ phiếu.

Lựa chọn các cổ phiếu tốt để đầu tư dài hạn hoặc lướt sóng kĩ thuật trên chính những cổ phiếu đó

Trong chiến lược mua và nắm giữ, việc phân tích ,sàng lọc, lựa chọn cổ phiếu là điều kiện tiên quyết để có thể thu được lợi nhuận tối ưu. Như vậy, nhà đầu tư cần thật sự am hiểu về những công ty mà mình nắm giữ và lựa chọn rất cẩn thận. Nếu tình hình không có gì thay đổi, nhà đầu tư không nên bán cổ phiếu của mình.

Còn đối với lướt sóng, nhà đầu tư có thể sử dụng phân tích kĩ thuật và tìm ra những điểm phù hợp để mua/bán lướt sóng dựa trên những cổ phiếu có nền tảng cơ bản.

Trên thị trường hiện nay có rất nhiều mã chứng khoán khác nhau, việc tìm kiếm những cổ phiếu tốt thực sự mất nhiều thời gian.

Tuy nhiên, qua sự trợ giúp của máy tính, công nghệ, nhà đầu tư có thể sàng lọc cổ phiếu qua các yếu tố cơ bản như : Tỷ lệ tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận, khả năng thanh khoản, cơ cấu vốn, các chỉ số về khả năng sinh lời như ROA, ROE, EBITDA,..v.v định giá theo các phương pháp tương đối như P/E, P/B, PEG.

Mặc dù kết quả quá khứ không bảo đảm kết quả của tương lai, nhưng chiến lược đầu tư dù dài hạn hay lướt sóng phụ thuộc vào những cổ phiếu tốt đã giúp nhiều nhà đầu tư chứng khoán đạt được thành công và ít nhiều hạn chế được rủi ro.

Lê Hằng

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên