MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Quy tắc ngầm nơi công sở: Nói một tức là hai, nói hai tức là sáu, bạn đã nắm được chưa?

15-03-2019 - 14:59 PM | Sống

Ở nơi công sở, có một thứ ngôn ngữ kỳ lạ. Mọi người đều hiểu, mọi người đều làm theo, nhưng không bao giờ nói ra. Không ai nói, không ai giải thích, cũng không ai lan truyền.

"Bao giờ rảnh thì gặp nhé!"

Khi nghe ai đó nói vậy, tốt nhất là bạn đừng hỏi tiếp xem cụ thể là bao giờ rảnh, gặp ở đâu. Vì thường thì thế có nghĩa là thôi tạm biệt nhé, chưa hẹn gặp lại. Người ta chỉ khách sáo với bạn thôi, đừng tưởng là thật.

Rồi dần dần bạn sẽ nhận ra, những "hôm nào", "hôm khác" đó thường sẽ không bao giờ xuất hiện cả. Không phải các bạn không bao giờ rảnh, mà là sẽ chẳng đủ rảnh, hoặc chẳng đủ muốn, để hẹn gặp nhau. Nếu bạn cứ ngây thơ hỏi tiếp một lịch hẹn cụ thể, nhiều khi sẽ đẩy đối phương vào tình thế khó xử.

Nếu thực sự muốn hẹn gặp, thường người ta sẽ cho bạn một mốc thời gian cụ thể hơn. Ví dụ như tối mai tôi rảnh đó, hoặc cuối tuần này có thời gian...

Hãy nhớ, càng chi tiết càng thật lòng, càng mơ hồ càng khách sáo.

Quy tắc ngầm nơi công sở: Nói một tức là hai, nói hai tức là sáu, bạn đã nắm được chưa? - Ảnh 1.

Sếp nói: "Về nguyên tắc thì được"

Thực ra đây chỉ là một nửa câu nói, vẫn còn một vế nữa đã bị ẩn đi. Về nguyên tắc thì được, nhưng trên thực tế, vì nguyên nhân xyz, nên không thể làm thế.

Cho nên bạn phải hiểu ý nghĩa thực sự của câu nói đó là: đừng có mà làm vậy, không được tích sự gì đâu, và nếu làm rồi thì mọi trách nhiệm là của bạn đấy nhé.

Bạn cũng đừng cố hỏi tiếp tại sao không nói nốt nửa câu sau. Đừng ngốc thế.

Cứ tự hiểu là được rồi.

Sếp nói: "Về nguyên tắc thì không được"

Câu này cũng giống như câu trên, chưa nói hết. Vế trước là "về nguyên tắc thì không được", vế sau sẽ là "nhưng thực ra bởi vì nguyên nhân xyz, cho nên nếu có làm cũng không sao."

Vậy tại sao sếp lại không nói nốt vế sau? Bởi vì không tiện nói.

Nguyên tắc đặt ra là để mọi người tuân theo, giờ lãnh đạo lại đi nói với bạn là cứ kệ nó đi hay sao? Cho dù nguyên nhân là gì đi nữa, nửa vế sau, không thể nói.

Tóm lại, bạn chỉ cần biết là việc đó có thể làm, đừng hỏi tại sao.

Khi nhờ vả, đối phương nói: "Tôi sẽ cố gắng."

Thật ra ý người ta là: "Đừng trông chờ gì vào tôi." Việc bạn nhờ quá khó, gần như chẳng có hy vọng gì, nhưng nể mặt bạn nên người ta không nỡ từ chối. Có điều vẫn phải nói để bạn chuẩn bị tinh thần, tôi sẽ cố gắng, còn kết quả ra sao lại là chuyện khác.

Còn sau đó người ta có cố gắng thật hay không thì chỉ trời mới biết.

Cho nên khi đối phương trả lời "Tôi sẽ cố gắng", bạn cũng không nên hỏi cố làm gì. Có thể người ta lực bất tòng tâm, hoặc không muốn giúp. Nguyên do không quan trọng, quan trọng là bạn phải tìm hướng giải quyết khác đi thôi.

Đừng miễn cưỡng quá, sẽ tổn thương hòa khí một cách vô ích.

Quy tắc ngầm nơi công sở: Nói một tức là hai, nói hai tức là sáu, bạn đã nắm được chưa? - Ảnh 2.

"Để tôi xem xét đã"

"Để tôi xem xét đã",  "Để tôi cân nhắc xem sao", "Để tôi về nghĩ lại"... đều có nghĩa là bạn nên quên chuyện này đi thôi.

Lớn rồi, người ta sẽ không trực tiếp bảo "Không" đâu.

Nói tránh đi tức là từ chối rồi.

Người ta mời khách đi ăn, quay ra nhìn thấy bạn: "Bạn cũng đi cùng đi"

Những lúc như thế đừng dại dột mà đi cùng, người ta chỉ khách sáo vậy thôi. Bạn đi cùng nhiều khi sẽ gây bất tiện, thậm chí là hỏng kế hoạch của người ta.

Tưởng lời khách sáo là thật, người ta sẽ nói bạn ngờ nghệch, vô duyên, không hiểu ý.

Bạn đã nhớ kỹ sáu câu nói này chưa? Nhất định phải cẩn thận, cái gì cũng ngây thơ tưởng thật, sẽ chỉ mang lại rắc rối cho bạn thôi.

Theo Sandy

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên