MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Quy trách nhiệm hình sự cho kinh doanh vàng và ngoại hối trái phép là phù hợp

28-05-2017 - 15:11 PM | Tài chính - ngân hàng

Trong những năm vừa qua, thực tế có rất nhiều cá nhân, tổ chức đã lợi dụng kẽ hở về việc quản lý của Nhà nước trong lĩnh vực kinh doanh vàng, kinh doanh ngoại hối.

Phạm vi sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật Hình sự (BLHS) năm 2015 lần này liên quan đến 141 điều của Bộ luật và dự kiến sẽ thông qua tại Kỳ họp thứ 3 - Khóa XIV đang diễn ra. Theo dự thảo BLHS sửa đổi năm 2015, hành vi kinh doanh vàng trái phép và kinh doanh ngoại hối trái phép được quy định tại Điều 206 “Tội vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng”. Phạm tội gây thiệt hại về tài sản hoặc thu lợi bất chính có thể bị phạt tù đến 20 năm. Ngoài ra, người phạm tội có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định đến 05 năm.

Vậy hành vi kinh doanh vàng, ngoại hối nào được xem là trái phép, tại sao phải quy trách nhiệm hình sự cho hành vi này?

Hành vi kinh doanh vàng, ngoại hối nào được xem là trái phép ?

Theo quy định tại Điều 19 Nghị định số 24/2012/NĐ-CP ngày 03/04/2012 và Pháp lệnh ngoại hối năm 2013, có thể hiểu đơn giản kinh doanh vàng, ngoaị hối hợp pháp là việc thực hiện kinh doanh đảm bảo đúng theo quy định của pháp luật hiện hành, không trái với đạo đức xã hội, việc thực hiện kinh doanh đúng yêu cầu, đạt tiêu chuẩn, có lợi cho các bên và không gây ra thiệt hại, ảnh hưởng đến quyền lợi liên quan của các bên, không trái với quy định, vi phạm pháp luật.

Còn kinh doanh vàng, ngoại hối trái phép là hành vi kinh doanh trái phép bao gồm ba yếu tố cơ bản: không có đăng ký kinh doanh; có đăng ký kinh doanh nhưng kinh doanh không đúng với nội dung đã đăng ký; không có giấy phép kinh doanh (hoặc giấy phép riêng trong trường hợp luật quy định phải có giấy phép). Cụ thể hành vi kinh doanh vàng trái phép là bao gồm các hoạt động như sau:

- Hoạt động sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh do NHNN cấp.

- Hoạt động kinh doanh mua, bán vàng miếng; xuất khẩu, nhập khẩu vàng nguyên liệu không có giấy phép do NHNN cấp.

- Mang theo vàng khi xuất cảnh, nhập cảnh của cá nhân vượt mức quy định không có giấy phép do NHNN cấp.

- Sử dụng vàng làm phương tiện thanh toán.

- Hoạt động sản xuất vàng miếng trái với quy định tại Nghị định 24/2012/NĐ-CP.

- Hoạt động kinh doanh vàng khác khi chưa được Thủ tướng Chính phủ cho phép và NHNN cấp giấy phép.

- Vi phạm các quy định khác tại Nghị định 24/2012/NĐ-CP và các quy định của pháp luật khác có liên quan.

Đối với kinh doanh ngoại hối, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và các tổ chức khác chỉ được kinh doanh, cung ứng dịch vụ ngoại hối ở trong nước và nước ngoài sau khi được NHNN Việt Nam chấp thuận bằng văn bản.

Tuy nhiên, các chủ thể kinh doanh vàng, ngoại hối trái phép chỉ chịu trách nhiệm hình sự nếu gây ra thiệt hại từ 100 triệu trở lên, hoặc thu lợi bất chính từ 50 triệu đồng trở lên; còn trong trường hợp gây thiệt hại dưới 100 triệu đồng hoặc thu lợi dưới 50 triệu đồng thì chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại tại Điều 4 Nghị định số 96/2014/NĐ-CP ngày 17/10/2014 “Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng”.

Tại sao phải quy trách nhiệm hình sự cho hành vi này ?

Hoạt động kinh doanh vàng, ngoại hối trái phép không những tiềm ẩn rủi ro cao mà còn có thể ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của các tổ chức, cá nhân kinh doanh vàng, ngoại tệ hợp pháp cũng như ảnh hưởng đến nền kinh tế và chức năng điều hành thị trường tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước. Cho nên, việc quy định xử phạt chỉ ở mức vi phạm hành chính tại Nghị định số 96/2014/NĐ-CP khi kinh doanh vàng và ngoại hối trái phép là chưa đủ sức răn đe và phòng chống tội phạm; cũng như quy định về “Tội kinh doanh trái phép” tại Điều 159 BLHS 1999 sửa đổi, bổ sung còn chung chung và mức hình phạt còn quá nhẹ.

Vàng và ngoại hối có vai trò đặc biệt quan trọng trong tại bất kỳ quốc gia nào. Với chức năng là cơ quan soạn thảo và thực thi chính sách tiền tệ quốc gia, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có chính sách quản lý đối với hoạt động kinh doanh vàng, kinh doanh ngoại hối

Tuy nhiên, trong những năm vừa qua, thực tế có rất nhiều cá nhân, tổ chức đã lợi dụng kẽ hở về việc quản lý của Nhà nước trong lĩnh vực kinh doanh vàng, kinh doanh ngoại hối. Cùng với sự phát triển công nghệ cao và những thủ đoạn tinh vi chuyên nghiệp, một số đối tượng đã lợi dụng việc kinh doanh vàng, ngoại hối trái phép để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nhiều cá nhân, tổ chức. Điển hình là những vụ án kinh doanh sàn vàng trái phép của Tổng Công ty Cổ phần Đầu tư VGX, kinh doanh vàng và cặp tỷ giá tiền tệ qua tài khoản của Công ty cổ phần IG, kinh doanh vàng trái phép trên tài khoản để chiếm đoạt tài sản của nhiều người của Công ty truyền thông và tiếp thị Sài Gòn… gây thiệt hại hàng chục đến hàng trăm tỷ đồng và gây rối loạn trên thị trường.

Hành vi buôn lậu vàng cũng ngày càng gia tăng. Theo thống kê của Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, mỗi năm, nhu cầu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức khoảng 20 tấn. Trong khi đó, trong mấy năm gần đây, NHNN không cho phép doanh nghiệp nhập khẩu vàng nguyên liệu, song các doanh nghiệp vàng vẫn sản xuất ổn định, chứng tỏ lượng vàng nguyên liệu trôi nổi trên thị trường được các doanh nghiệp thu mua vào rất lớn, trong đó có vàng lậu. Bên cạnh đó, trên mạng Internet vẫn còn tồn tại hàng chục đơn vị kinh doanh vàng thông qua tài khoản. Từ đây, một lượng lớn tiền được huy động tham gia vào các kênh kinh doanh này mà không có sự quản lý của các cơ quan quản lý nhà nước, gây mất ổn định thị trường vàng, thị trường tiền tệ và trốn lậu thuế.

Bộ Luật Hình sự năm 2015 đã bãi bỏ Điều 159 về tội kinh doanh trái phép. Chính vì vậy, Bộ Luật này cũng đã có những sửa đổi và bổ sung rõ ràng về mức độ nguy hại và hậu quả pháp lý phải chịu của hành vi kinh doanh vàng, ngoại hối trái phép. Mục đích nhằm để răn đe xử phạt hành vi sai trái của những đối tượng cố tình vi phạm pháp luật, đồng thời tạo hàng rào gắn kết, thắt chặt thị trường tiền tệ, điều hành thị trường kinh doanh vàng, kinh doanh ngoại hối trong và ngoài nước phát triển đúng hướng, đảm bảo quyền lợi cho Nhà nước và các chủ thể tham gia.

Do đó, việc bổ sung hành vi kinh doanh vàng và ngoại hối trái phép vào BLHS 2015 sửa đổi, bổ sung là hoàn toàn phù hợp với điều kiện kinh tế,xã hội của Việt Nam hiện nay nhằm đảm bảo công tác đấu tranh phòng ngừa tội phạm trong hoạt động điều hành thị trường vàng và ngoại hối của NHNN nhưng cũng đồng thời bảo vệ quyền và lợi ích của các cá nhân, tổ chức khi tham gia kinh doanh vàng và ngoại hối hợp pháp.

TS.LS. Bùi Quang Tín

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên