MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Quy trình ngược khi quy hoạch chạy theo dự án

22-01-2017 - 16:51 PM | Bất động sản

Đây là nhận định của TS. Phạm Sỹ Liêm (ảnh), Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam trong cuộc trao đổi với Báo Hải quan về những bất cập trong vấn đề quy hoạch, quản lý quy hoạch đô thị thời gian qua.

Quy hoạch và quản lý quy hoạch đô thị tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM đang có nhiều hạn chế, dẫn tới những hệ lụy cho xã hội, điển hình là sự gia tăng dân số đột biến, tình trạng ách tắc giao thông nghiêm trọng, gây bức xúc trong dư luận. Xin cho biết đánh giá của ông về vấn đề quy hoạch và quản lý quy hoạch đô thị hiện nay?

Trong khoảng 5 năm qua, công tác quản lý quy hoạch đô thị ở TP.HCM và Hà Nội có hai mặt, một mặt là công tác này đã đạt được một số thành tựu, ví dụ như TP.HCM đã xây dựng được đại lộ Đông Tây, Hà Nội cũng đã thực hiện được tuyến đường Nhật Tân Nội Bài tốt, một số tuyến vành đai của HN đã thực hiện được. Có một số khu đô thị mới đã bắt đầu hình thành và có những khu đô thị được quy hoạch tương đối tốt như khu Phú Mỹ Hưng (TP.HCM), Hà Nội có khu đô thị Ecopark, Ciputra…

Nhưng mặt khác, quy hoạch đô thị mắc phải những thiếu sót, hạn chế khá nghiêm trọng, thể hiện chủ yếu trước hết ở trong các khu đô thị hiện có. Quy hoạch tại các khu này có những nét khác biệt so với các khu đô thị mới ở chỗ rất sơ sài, dễ dẫn đến những cái thiếu minh bạch, rõ ràng. Trong đô thị cũ có những miếng đất hấp dẫn đối với DN kinh doanh bất động sản. Đó là những miếng đất ở vị trí đắc địa ở nội đô, nơi các DN, cơ quan không được tiếp tục sản xuất nên phải di dời ra ngoài. Các cơ quan này chuyển đi đã tạo điều kiện thuận tiện cho các nhà đầu tư bất động sản nhảy vào, cho dù đó chỉ là một góc của ô phố. Họ tốn kém cho việc có được mảnh đất, đồng thời, đây là những miếng đất ở vị trí đẹp, để có lợi nhuận lớn, các DN phải tăng chiều cao, hoặc tận dụng tối đa diện tích đất. Tuy nhiên, thực tế cho thấy điều này chỉ đem lại hiệu quả cho dự án chứ không đem lại hiệu quả cho đô thị vì nó tăng mật độ dân cư, làm hạ tầng hiện hữu mất cân đối. Bên cạnh đó, thậm chí ngay cả những mảnh đất đang có các công trình (ví dụ như các khu chợ) nhưng các nhà đầu tư bất động sản vẫn có thể xen vào. Sau khi thương lượng với chính quyền, các nhà đầu tư bất động sản có thể “úp” lên đó những dự án cao tầng.

Đất công rất dễ bị gặm nhấm, đây là nhược điểm lớn của công tác quản lý quy hoạch xây dựng. Ở đây là hiện tượng các dự án cao ốc nhắm nhe vào các khu đất, sau đó chính quyền lại điều chỉnh quy hoạch theo nguyện vọng của họ và cấp giấy phép cho các chủ đầu tư. Mới đây, liên quan đến những bất cập trong cấp phép xây dựng quá nhiều nhà cao tầng tại vùng nội đô, đại diện Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội cho biết tất cả đều đúng quy hoạch. Điều này cũng không lạ, bởi chúng ta đã sửa đổi quy hoạch theo dự án thì đương nhiên đúng quy hoạch được điều chỉnh. Tuy nhiên, ở đây chúng ta đã làm quy trình ngược khi quy hoạch chạy theo dự án, chứ không phải dự án chịu sự điều hành của quy hoạch. Đấy là nhược điểm lớn do đó mới có cao ốc mọc lên rất nhiều góp phần quan trọng làm trầm trọng tình trạng tắc nghẽn đô thị.

Thời gian qua, dư luận cũng như cơ quan chức năng đánh giá sở dĩ quy hoạch Thủ đô bị băm nát do chúng ta điều chỉnh quy hoạch tùy tiện. Điều này có phải do cơ chế quản lý quy hoạch làm chưa tốt hay không, thưa ông?

Nói một cách khách quan thì không phải ở đâu cũng có việc điều chỉnh quy hoạch đô thị tùy tiện. Hiện nay, quy hoạch chủ yếu là do thị trường thực hiện, vì chúng ta là nền kinh tế thị trường. Tuy nhiên, thị trường diễn biến không phải như ý chúng ta muốn và không phải lúc nào chúng ta cũng dự đoán được. Quy hoạch là dựa trên dự báo, mà dự báo thường trong giai đoạn dài, 10-20 năm cho nên có thể không sát, nhu cầu của thị trường có thể thay đổi, trong trường hợp đó, quy hoạch cũng cần có sự điều chỉnh nhất định. Luật pháp cũng quy định khâu điều chỉnh quy hoạch cũng phải thực hiện và được quản lý chặt chẽ như khi chúng ta làm quy hoạch. Luật Quy hoạch đô thị, Luật Xây dựng đều nói rất rõ ràng. Quy định đã rõ nhưng cơ chế giám sát lại yếu kém, vì không có sự giám sát chặt chẽ nên việc điều chỉnh quy hoạch đã bị lợi dụng, chứ không phải chúng ta thiếu những quy định pháp luật về vấn đề này để có thể tùy tiện. Việc điều chỉnh quy hoạch cũng phải qua các bước thẩm định, lấy ý kiến… Như vậy, vấn đề quan trọng hiện nay là cơ chế giám sát việc lập quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch. Hiện nay có hai bộ phận có trách nhiệm lớn trong việc này, thứ nhất là các đại biểu dân cử (là Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp). Thứ hai là nhân dân, đại điện cho họ là các tổ chức xã hội, nghề nghiệp am hiểu các lĩnh vực này và cơ quan báo chí là công cụ lên tiếng. Tuy nhiên, hiện nay còn có nhiều bất cập trong lĩnh vực này.

Việc giám sát thực hiện quy hoạch đô thị còn hạn chế chính là lỗ hổng trong công tác quản lý quy hoạch hiện nay. Theo ông lỗ hổng này cần trám như thế nào?

Lỗ hổng thì ở bất cứ lĩnh vực nào cũng có. Vấn đề là phải tiếp tục xem xét luật pháp đối với lĩnh vực này đã đủ chưa, thể chế giám sát đã đầy đủ chưa, nếu chưa đủ phải bổ sung. Và cần lưu ý, cuối cùng, đối với những cá nhân, tập thể vi phạm thì không thể chỉ nói vài câu chung chung được, mà phải đưa ra cơ chế, chế tài, nếu sai phạm phải bị xử lý. Nhưng trên thực tế theo tôi được biết chưa có ai bị xử lý một cách nghiêm khắc.

Tới đây, chúng tôi thấy rằng, tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM cần có Hội đồng kiến trúc quy hoạch là cơ quan tư vấn gồm các chuyên gia của các viện nghiên cứu, viện thiết kế, trường đại học, các tổ chức xã hội nghề nghiệp cũng tham gia vào đó. Khi xem xét các địa điểm, dự án tương đối lớn thì lãnh đạo chính quyền đưa ra lấy ý kiến để hạn chế bớt sự tùy tiện trong phê duyệt quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch. Việc điều chỉnh quy hoạch cũng lấy ý kiến của Hội đồng này. Tất nhiên, cơ quan này chỉ có vai trò tư vấn, còn người quyết định vẫn là chính quyền. Đây không phải là cơ quan để hạn chế hay ngăn cản quyền lực mà chính xác đây là cơ quan trợ giúp cho chính quyền để từ đó có những quyết định đúng đắn trong làm quy hoạch, quản lý quy hoạch.

Theo chỉ đạo của Thủ tướng, tôi cho rằng TP.Hà Nội nên tổ chức một cuộc rà soát tổng thể lại các quy hoạch từ trước đến nay, mời các chuyên gia vào tham gia, rà soát, giám sát và định trách nhiệm từng người, từng cơ quan ở những nơi có sai phạm. Dựa vào báo cáo ấy, thành phố sẽ có chế tài xử lý đối với những người có sai phạm, có lợi ích nhóm, sau đó bổ sung quy định cho chặt chẽ hơn.

Thưa ông, nhiếu ý kiến cho rằng sở dĩ quy hoạch và quản lý quy hoạch đô thị bất ổn là do chúng ta thiếu vai trò nhạc trưởng? Ông có ý kiến gì về vấn đề này?

Nhạc trưởng trong công tác quy hoạch đô thị chính là chính quyền. Nói một cách hình ảnh, chính quyền điều khiển dàn nhạc theo bài nhạc, vậy khi điều khiển, người nhạc trưởng đó có thể tham khảo, liếc mắt nhìn vào bài nhạc, nghĩa là phải tham khảo ý kiến của hội đồng. Hội đồng lúc này có vai trò như người nhắc vở. Hiện nay, bản thân Sở Quy hoạch Kiến trúc là cơ quan tham mưu, giúp việc cho chính quyền địa phương trong lĩnh vực kiến trúc và quy hoạch, còn quyết định về quy hoạch vẫn là UBND thành phố. Nói nôm na, UBND TP là cái đầu, Sở Quy hoạch Kiến trúc là cái đuôi, đáng lẽ cái đầu phải chỉ huy cái đuôi nhưng trong một số trường hợp, chúng ta lại để xảy ra trường hợp cái đuôi chỉ huy cái đầu. Vì thế, nếu có Hội đồng kiến trúc quy hoạch, khi cần quyết định những vấn đề liên quan đến quy hoạch mà chính quyền chưa am hiểu thì chính quyền hòan toàn có thể tham vấn cơ quan này để có quyết định chính xác, hợp lý hơn.

Xin cảm ơn ông!

Theo Thu Hiền

Hải quan

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên