Quy trình, tiêu chuẩn công nhận chức danh GS, PGS hiện nay “rất có vấn đề”
Đây là khẳng định của TS Lê Viết Khuyến– nguyên Vụ phó Vụ giáo dục Đại học (Bộ GDĐT) với Lao Động sau câu chuyện Trưởng khoa Luật của ĐH Công nghiệp TPHCM xin rút khỏi danh sách được công nhận đạt chuẩn chức danh PGS vì "đạo văn".
- 08-02-2018Thủ tướng yêu cầu rà soát, bảo đảm chất lượng bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư
- 03-02-2018Vì sao có sự tăng đột biến giáo sư, phó giáo sư?
- 05-11-2016Cả nước có thêm 703 giáo sư, phó giáo sư
Qua đợt rà soát theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GDĐT đã báo cáo có 94 ứng viên bị phản ánh chưa đạt chuẩn chức danh GS, PGS. Mới đây, Trưởng khoa Luật của Trường ĐH Công nghiệp TPHCM cũng viết đơn xin rút khỏi danh sách PGS vì bị phát hiện đạo văn. Ông đánh giá sao về những con số và diễn biến này?
- Đây đều là những câu chuyện buồn, chứng minh quy trình, tiêu chuẩn công nhận chức danh GS, PGS của chúng ta hiện nay “rất có vấn đề”.
Tôi nghĩ con số 94 người bị phản ánh chưa đạt chuẩn và 1 người xin rút chưa phải là tất cả, còn rất nhiều trường hợp nhưng chưa phát hiện thấy.
Điều khó nhất hiện nay là hồ sơ khoa học của ứng viên chưa được công khai. Bây giờ đi tìm, xác định trách nhiệm thuộc về ai rất khó.
Có muôn vàn lý do để họ chối bỏ trách nhiệm. Nó phức tạp lắm, cái chính là quy trình không phù hợp, để xảy ra sai sót thì cần phải thay đổi.
Theo Tiến sĩ, quy trình xét duyệt, công nhận GS, PGS nên thay đổi theo hướng nào để không còn tình trạng “người không xứng đáng thì được công nhận, còn người xứng đáng lại bị trượt oan”?
- Phải thừa nhận một thực tế là đội ngũ GS, PGS hiện nay lẫn lộn vàng thau. Có những người được công nhận nhưng giới khoa học không biết ông ấy là ai, đang ở đâu, có đóng góp ra sao.
Khi lượng hồ sơ nhiều, mà quy trình xét duyệt chỉ mang tính hình thức thì dễ bỏ sót người tài, trong khi lại để lọt người chưa xứng đáng.
Từ nhiều năm nay, tôi đã đề xuất nên đưa việc công nhận chức danh GS, PGS về cho các trường đại học, như quốc tế vẫn làm từ lâu, nhưng có vẻ các thành viên của Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước vẫn muốn ôm lấy.
Nhưng có ý kiến băn khoăn nếu đưa về các trường có thể sẽ xảy ra chuyện “mạnh ai nấy làm”, phong GS, PGS dễ dãi , thưa TS?
- Đó cũng là một vấn đề, nhưng tôi nghĩ nó khó xảy ra. Hiện nay Nhà nước đang có chủ trương để các trường ĐH được tự chủ toàn diện.
Nếu được tự chủ trong việc xét duyệt, bổ nhiệm GS, PGS thì họ sẽ phải tính toán theo nhu cầu của mình, vì phải lo trả lương cho đội ngũ tinh hoa đó.
Nếu phong chức danh dễ dãi sẽ ảnh hưởng đến uy tín của họ, vừa gây thiệt hại trong vấn đề tuyển sinh vừa tốn kém kinh phí trả lương. Nói chung thiệt hại đủ đường.
Một vấn đề nữa, khi trường được tự làm, đương nhiên họ sẽ đánh giá chính xác các ứng viên của trường mình, hơn là hội đồng gồm những thành viên ở đâu đó, xét theo kiểu dựa trên một hồ sơ tự khai rồi không phát hiện được ai đạo văn hay không.
Hơn nữa, cơ quan quản lý vẫn đóng vai trò giám sát bằng cách đưa ra các tiêu chuẩn phong chức danh theo hướng tiệm cận quốc tế.
Và tuyệt đối không nên phong chức danh GS suốt đời, GS Nhà nước, mà chỉ nên là GS của trường này hay của trường khác trong thời gian người đó tham gia trực tiếp vào quá trình giảng dạy, đào tạo, nghiên cứu khoa học.
Còn khi không giảng dạy và nghiên cứu nữa, họ nên trả lại chức danh.
- Cảm ơn ông đã chia sẻ!
Lao động