MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Quyền Bộ trưởng Y tế lý giải việc các bệnh viện xin dừng thí điểm tự chủ

21-09-2022 - 20:07 PM | Xã hội

Quyền Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan

Quyền Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan

“Thời điểm này, chúng ta đã có Nghị định 60 quy định về tự chủ cho nên vấn đề xin dừng thí điểm tự chủ để chuyển sang thực hiện theo pháp luật là hoàn toàn phù hợp, vì đã được Chính phủ cho phép”, quyền Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan nói về việc một số bệnh viện xin dừng thí điểm tự chủ.

Sáng 21/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) . Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, nên thiết kế nội hàm xã hội hóa thay vì bỏ khái niệm này. Khối y tế tư nhân làm việc cũng rất hiệu quả, đội ngũ y tế cả công và tư đều có nhiều đóng góp cho xã hội.

Trước nhận định đội ngũ y tế chạy từ khu vực công sang tư là chảy máu chất xám, ông Định cho rằng, họ vẫn ở trong nước, nhân dân vẫn được hưởng dịch vụ. “Công sử dụng không tốt thì anh em chạy sang tư, vẫn đóng góp cho đất nước này chứ có chạy sang Tây đâu mà sợ”, ông Định nêu.

Cùng mối quan tâm, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cũng cho rằng, khai thác tốt xã hội hóa sẽ góp phần giảm tải rất lớn trong công tác khám chữa bệnh của bệnh viện công, từ đó góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý, một số địa phương tự chủ bước đầu thành công, gần đây, đã xuất hiện sai phạm và nhiều yếu tố khác nên có xu hướng xin dừng triển khai tự chủ.

Giải trình sau đó, quyền Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan khẳng định, tự chủ bệnh viện là chủ trương đúng, vừa góp phần nâng cao tinh thần trách nhiệm và năng lực khám chữa bệnh, vừa nâng cao năng lực đổi mới của các bệnh viện.

Bà Lan lý giải, Nghị quyết 33 của Chính phủ chỉ cho thí điểm trong 2 năm và sẽ chuyển đổi khi pháp luật về tự chủ được quy định. “Thời điểm này, chúng ta đã có Nghị định 60 quy định về tự chủ cho nên vấn đề xin dừng tự chủ để chuyển sang thực hiện theo pháp luật là hoàn toàn phù hợp, vì đã được Chính phủ cho phép”, bà Lan cho hay.

Về xã hội hóa, theo bà Lan, đây là chủ trương hoàn toàn đúng đắn vì nguồn lực Nhà nước dành cho lĩnh vực y tế chưa đáp ứng yêu cầu cầu của nhân dân. Mặc dù xã hội hóa nhưng y tế công lập vẫn là chủ yếu vì hiện nay vai trò của Nhà nước trong đầu tư cho y tế vẫn là trọng tâm.

Trước thực tế về tình trạng xâm hại sức khỏe của cán bộ y tế, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh, cần cơ chế bảo vệ cán bộ y tế và phải có biện pháp thực hiện. Ngoài ra, ông góp ý cần một lực lượng bảo vệ, lực lượng chuyên trách làm việc này thay vì để các bác sĩ tự ứng phó.

“Không thể nói với bác sĩ rằng họ xúc phạm ông, ông có quyền đuổi ra ngoài, mà phải có lực lượng, có ngân sách cho việc này”, Phó Chủ tịch Quốc hội nêu.

Đồng tình, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị gia công để có giải pháp, có thể phối hợp với Bộ Công an, Bộ Tư pháp để quy định cụ thể thêm để bảo vệ được cán bộ y tế, tránh những tình trạng như thời gian vừa qua.

Theo Luân Dũng

Tiền Phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên