MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Quyền lợi của người dân chung cư Khang Gia Tân Hương sẽ ra sao khi bị siết nợ?

08-03-2019 - 10:04 AM | Bất động sản

Mới đây Ngân hàng Nam Á có thông báo "siết nợ" chung cư Khang Gia Tân Hương do Công ty Khang Gia (chủ đầu tư) vay từ năm 2011. Hàng trăm cư dân đang hoang mang, nhưng các chuyên gia cho rằng việc này không phải dễ thực hiện, bởi quyền lợi người mua nhà phải được tôn trọng hàng đầu.

Cụ thể, theo Ngân hàng Nam Á, Công ty cổ phần đầu tư và phát triển Địa ốc Khang Gia (Công ty Khang Gia) vay vốn tại ngân hàng này từ năm 2011 và phát sinh nợ xấu từ năm 2015. Tài sản bảo đảm của khoản vay là toàn bộ dự án chung cư Khang Gia Tân Hương (quận Tân Phú, TPHCM). Dù số nợ không nhiều, chỉ mấy chục tỉ đồng nhưng chủ đầu tư bất hợp tác do vậy ngân hàng phải siết nợ.

Cũng theo thông cáo báo chí được phía ngân hàng đưa ra, Nam A Bank đã nhiều lần làm việc và thảo luận phương án trả nợ, tuy nhiên, đến nay Công ty Khang Gia vẫn chưa giải quyết dứt điểm khoản vay. Đầu năm 2019, căn cứ theo Nghị quyết 42 của Quốc hội, Nam A Bank đã ra thông báo số 08 về việc thu giữ và xử lý tài sản thế chấp.

Như vậy, ngày 15/4, việc thu giữ chung cư sẽ diễn ra, sau đó ngân hàng sẽ đưa tài sản ra bán đấu giá theo quy định. Trong trường hợp Công ty Khang Gia không bàn giao tài sản thì ngân hàng sẽ phối hợp với cơ quan có thẩm quyền để tổ chức thu giữ. Trường hợp Công ty Khang Gia trả nợ trước thời điểm xử lý tài sản thì có quyền nhận lại tài sản đó.

Quyền lợi của người dân chung cư Khang Gia Tân Hương sẽ ra sao khi bị siết nợ? - Ảnh 1.

Trước thông tin này hàng trăm cư dân tại chung cư Khang Gia Tân Hương vô cùng lo lắng. Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Trưởng ban quản trị chung cư, từ hôm qua đến giờ cư dân rất hoang mang, không biết như thế nào. Dự án này bán theo gói 30.000 tỉ trong gói vay mua nhà ở xã hội từ Ngân hàng BIDV từ năm 2013. Với thông tin này thì các căn hộ lại bị thế chấp từ 2 ngân hàng.

"Người dân vay gói 30.000 tỉ đồng để mua nhà nên yên tâm rồi. Nay lại xuất hiện thêm Ngân hàng Nam Á thì không rõ như thế nào. Hiện căn hộ vẫn chưa được cấp sổ đỏ, chung cư chưa được hoàn công dù đã đi vào vận hành từ năm 2014", ông Hùng cho hay.

Cũng theo ông Hùng, hầu hết cư dân không hề hay biết căn hộ của mình đã bị thế chấp cho ngân hàng để vay tiền từ năm 2011 trong khi năm 2013 Ngân hàng BIDV vẫn cho người dân vay tiền trong gói 30.000 tỉ đồng để mua nhà ở xã hội tại dự án. Phía Ngân hàng Nam Á đã hứa sẽ gặp cư dân để giải thích và cung cấp thông tin.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM khẳng định rằng "siết nợ" ở đây nên hiểu là phía ngân hàng chỉ giữa một phần nào của dự án theo đúng hợp đồng tín dụng giữa hai bên, tuy nhiên quyền lợi của người dân đang sinh sống tại chung cư này vẫn không hề bị ảnh hưởng gì. 

Theo Luật sư Trần Đức Phượng, Đoàn luật sư TPHCM, Khoản 2 Điều 204 Luật Doanh nghiệp 2014, doanh nghiệp chỉ được giải thể nếu có, khi bảo đảm thanh toán hết các khoản nợ và nghĩa vụ tài chính khác và doanh nghiệp không trong quá trình giải quyết tranh chấp tại Tòa án hoặc cơ quan trọng tài… 

Trong khi doanh nghiệp này đang làm dự án BĐS, bán nhà nhưng chưa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính với các bên nên theo luật, doanh nghiệp này hoặc người quản lý doanh nghiệp không thể “chạy làng” bằng cách giải thể để trốn trách nhiệm với bất kỳ ai, hoặc người mua nhà…

Theo luật sư Nguyễn Đức Chánh (Đoàn luật sư TP.HCM), việc chủ đầu tư thế chấp dự án của mình để vay tiền của ngân hàng là việc thông thường, được pháp luật cho phép. Trong vụ việc này, chủ đầu tư dự án đã thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất (giấy chủ quyền) để vay vốn của ngân hàng, sau đó các khoản vay này trở thành nợ xấu.

Tuy nhiên, đáng lẽ chủ đầu tư phải trả cho ngân hàng khoản nợ này để lấy "số đỏ" của dự án đã thế chấp tại ngân hàng ra để làm sổ hồng cho người dân. Nhưng chủ đầu tư đã không làm vậy nên ngân hàng phải ra thông báo tiến hành thu giữ tài sản để thu hồi nợ. Ở đây, việc xử lý, thu hồi nợ của ngân hàng là hoàn toàn đúng quy định pháp luật. Vì đây là khoản nợ có bảo đảm nên sẽ được ưu tiên giải quyết.

Theo một lãnh đạo UBND Q.Tân Phú, để đảm bảo quyền lợi cho người dân mua căn hộ và đnag sinh sống tại chungc cư Khang Gia Tân Hương, đồng thời bảo đảm an ninh trật tự cho tại khu vực, UBND Q.Tân Phú vừa yêu cầu Nam Á Bank không thực hiện việc thu giữ và xử lý tài sản thế chấp tại chungc ư Khang Gia. Ngân hàng cũng thống nhất với đề nghị này của UBND quận. UBND quận sẽ báo cáo vụ việc với UBND TPHCM và Ngân hàng Nhà nước để xem xét và có hướng xử lý tiếp theo.

Đại diện Công ty Khang Gia cho biết đã phối hợp với ngân hàng lên phương án tất toán toàn bộ khoản vay. Do vậy, Nam A Bank luôn tạo điều kiện tốt nhất cho khách hàng là Công ty Khang Gia thực hiện nghĩa vụ trả nợ của mình. Ngay sau khi thực hiện nghĩa vụ trả nợ, Nam A Bank sẽ giải chấp khoản vay theo quy định.

Công ty Khang Gia cũng đã xác nhận nghĩa vụ trả nợ và có phương án trả nợ cho Nam A Bank. Nếu hai bên đạt được thống nhất thì sẽ không tiến hành việc thu giữ như trong thông báo.

Trong trường hợp Công ty Khang Gia vẫn không thực hiện cam kết, Nam A Bank sẽ tiến hành xử lý tài sản theo quy định, nhưng trên nguyên tắc bảo đảm quyền lợi và nghĩa vụ hợp pháp cho người mua căn hộ tại chung cư Khang Gia Tân Hương. 

Việc thu giữ này hoàn toàn không ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân mà chỉ nhằm buộc chủ đầu tư phải xử lý rốt ráo quyền lợi cho người dân. Người dân phải được biết việc chủ đầu tư chậm trễ trong việc ra sổ có nguyên nhân từ đâu để từ đó các bên có giải pháp buộc chủ đầu tư phải có nghĩa vụ trả nợ nhằm nhanh chóng ra sổ hồng cho người dân.

Được biết, chung cư Khang Gia Tân Hương đưa vào vận hành năm 2014 bao gồm 409 căn hộ. Hiện chung cư này đang bị thành phố ra quyết định cưỡng chế 71 căn hộ xây dựng trái phép. Bởi thiết kế ban đầu chung cư này vào năm 2008 với 323 căn hộ. 

Đến năm 2010, công trình được khởi công và đưa ra thị trường bán, với 338 căn hộ. Không dừng ở đó, sau khi dự án đưa người dân vào ở năm 2014, chung cư này có số căn hộ tăng lên 409 căn, tăng thêm 71 căn hộ. 

Đây là những căn hộ bị xây dựng sai phép. Ngoài ra, Công ty Khang Gia còn xây dựng lấn chiếm hàng loạt khu vực công cộng như: nhà sinh hoạt cộng đồng, khu vực giữ xe dịch vụ, lấp các ô thông tầng từ tầng trệt lên tầng lửng. Chủ đầu tư còn cố tình chây ỳ bàn giao quỹ bảo trì chung cư cho cư dân…

Nam Phong

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên