Quyền lợi người gửi tiền tại TCTD được kiểm soát đặc biệt sẽ bị ảnh hưởng trong trường hợp nào?
Ủy ban thường vụ Quốc hội vừa có báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng (Luật các TCTD) tại phiên họp sáng ngày 26/10 trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV.
- 25-10-2017Hôm nay, Quốc hội sẽ miễn nhiệm và bổ nhiệm 2 “tư lệnh” ngành
- 23-10-2017Kỳ họp thứ tư Quốc hội khóa 14: Những dự án luật quan trọng nào sẽ được thông qua?
- 23-10-2017Quốc hội họp kỳ thứ tư: Dân trực tiếp nghe bàn chuyện "tiêu tiền"
Liên quan đến nguyên tắc đặt TCTD vào kiểm soát đặc biệt, một số ý kiến đề nghị cụ thể hóa các nguyên tắc đặt TCTD vào kiểm soát đặc biệt như nguyên tắc phù hợp với cơ chế thị trường; nguyên tắc công khai, minh bạch; nguyên tắc bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người gửi tiền; nguyên tắc về quy trình hoạt động giám sát, thanh tra của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; nguyên tắc về kiểm toán, các nguyên tắc về văn bản của các cơ quan hoặc cơ quan giám sát trong thực hiện giám sát các TCTD được kiểm soát đặc biệt.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết đã tiếp thu, bổ sung các hình thức, biện pháp xử lý TCTD yếu kém phù hợp như sáp nhập, hợp nhất, phá sản, giải thể, bán toàn bộ cổ phần, phần vốn góp cho nhà đầu tư mới và một số biện pháp phục hồi theo cơ chế thị trường trên nguyên tắc thận trọng, công khai, minh bạch; bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người gửi tiền, giữ vững sự an toàn ổn định hệ thống. Đồng thời sửa đổi, bổ sung các quy định về trách nhiệm của TCTD, cổ đông và thành viên góp vốn tại Điều 146c của dự thảo Luật.
Về nguồn lực thực hiện phương án cơ cấu lại nhằm bảo đảm tính khả thi của các quy định trong dự thảo Luật, một số ý kiến đề nghị không quy định trong dự thảo Luật việc sử dụng ngân sách nhà nước trong quá trình cơ cấu lại các TCTD, tuân thủ nguyên tắc tương tự như đối với xử lý nợ xấu và các Quỹ tín dụng nhân dân yếu kém thời gian vừa qua; bổ sung quy định giao Chính phủ quyết định áp dụng biện pháp đặc biệt.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu, bỏ quy định tại Điều 152c của dự thảo Luật về biện pháp hỗ trợ chi trả tiền gửi vượt hạn mức cho người gửi tiền cá nhân khi thực hiện phương án phá sản TCTD. Đồng thời, bổ sung quy định giao Chính phủ quyết định áp dụng biện pháp đặc biệt và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất tại điểm b khoản 1 Điều 146 của dự thảo Luật nhằm kịp thời xử lý nhiều tình huống phát sinh khẩn cấp nhưng chưa thể lường hết để cụ thể hóa trong Luật, bảo đảm an toàn hệ thống tổ chức tín dụng, trật tự, an toàn xã hội khi xử lý tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt.
Có ý kiến cho rằng dự thảo Luật mới chỉ quy định quyền lợi của người gửi tiền trong trường hợp thực hiện phương án phá sản TCTD được kiểm soát đặc biệt. Đề nghị nghiên cứu bổ sung, làm rõ hơn quyền lợi của người gửi tiền trong trường hợp khi TCTD được kiểm soát đặc biệt thực hiện các phương án khác.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo rằng, trong 5 phương án cơ cấu lại TCTD, quyền lợi của người gửi tiền chỉ bị ảnh hưởng khi TCTD được kiểm soát đặc biệt phá sản không có khả năng chi trả hết tiền gửi cho người gửi tiền. Còn khi thực hiện các phương án khác, quyền lợi của người gửi tiền luôn được bảo đảm và không bị ảnh hưởng. Vì vậy, dự thảo Luật mới chỉ quy định quyền lợi của người gửi tiền trong trường hợp TCTD được kiểm soát đặc biệt thực hiện phương án phá sản và không cần quy định về nội dung này khi thực hiện phương án cơ cấu lại khác.