MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Quyền lực của rạp chiếu phim

12-06-2016 - 20:57 PM | Doanh nghiệp

Hội thảo “Giải pháp đẩy mạnh công tác phát hành - phổ biến phim tại rạp của trung tâm phát hành phim và chiếu bóng các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương”, vừa diễn ra tại Hà Nội và TP.HCM, có âm thanh chủ yếu là những tiếng than thở từ phía những người làm nghề. Nội dung chính của hội thảo, nói cho rõ ràng, là phản ánh sự lép vế giữa hệ thống rạp chiếu quốc doanh với hệ thống rạp chiếu do nước ngoài đầu tư.

Sự bức xúc tương tự không khí hội thảo trên, trước đó đã được chứng minh bằng chuyện 8 nhà sản xuất và phát hành phim trong nước gồm BHD, Galaxy, Skyline, Golden Media, Saigon Media, MVP, Early Risers và Công ty VAA đã cùng gửi đơn khiếu nại rằng, họ đang bị hệ thống rạp CGV chèn ép thông qua tỷ lệ ăn chia doanh thu phòng vé và hình thức chiếu phim ở rạp.

Đơn khiếu nại chung khẳng định: "Dựa vào tỷ lệ áp đảo thị trường về hệ thống cụm rạp, CGV đã và đang áp đặt tỷ lệ ăn chia bất hợp lý tại hệ thống rạp của mình. Phim Việt Nam do CGV phát hành tại hệ thống rạp khác có tỷ lệ ăn chia là 55/45 (CGV hưởng 55%).\

Còn với phim Việt Nam do các doanh nghiệp trong nước phát hành tại hệ thống CGV, tỉ lệ vẫn là 45/55 (nghĩa là nhà phát hành chỉ được hưởng 45%, CGV hưởng 55% doanh thu chiếu phim trong tuần đầu tiên, tỷ lệ hạ dần theo tuần)".

Vậy CGV là đơn vị nào mà khiến giới sản xuất và phát hành phim Việt Nam bỗng dưng lao đao? CGV là một tập đoàn đến từ Hàn Quốc. Với tiềm lực tài chính hùng mạnh cộng với công nghệ kinh doanh điện ảnh chuyên nghiệp, đã đầu tư rất bài bản vào lĩnh vực rạp chiếu tại Việt Nam. Hiện tại, CGV đã có 32 cụm rạp trên cả nước, gắn kết với các trung tâm thương mại sầm uất.

Không chỉ có CGV, mà một tập đoàn khác của Hàn Quốc là Lotte cũng đã có 25 cụm rạp chiếu. Có sẵn những mối quan hệ quốc tế, CGV và Lotte nhập phim bom tấn trực tiếp từ Mỹ, Hồng Kông… và chiếm lĩnh gần như toàn bộ thị trường điện ảnh Việt Nam.

Quyền lực của rạp chiếu còn được thấy rõ hơn, khi nhìn vào doanh thu. Năm 2014, phòng vé thu về 83 triệu USD, năm 2015 thu về 105 triệu USD và năm nay dự kiến sẽ thu được khoảng 130 triệu USD. Như vậy, CGV sở hữu 40% hệ thống rạp chiếu, sẽ gặt hái khoản tiền khổng lồ từ người yêu điện ảnh nước ta.

Ở phía ngược lại, các rạp chiếu phim quốc doanh trong tình trạng xập xệ và thiết bị lạc hậu, hoàn toàn không có khả năng cạnh tranh để thu hút khán giả. Có không ít rạp chiếu quốc doanh mỗi tháng chỉ thu được dăm chục triệu đồng, không đủ trả lương cho nhân viên.

Ngay tại TP.HCM, nhiều rạp chiếu phim như Cầu Bông hay Đống Đa cũng đã chuyển đổi công năng sang kinh doanh ăn uống hoặc cho thuê làm nơi tập thể hình. Còn ở nhiều tỉnh miền Trung, những rạp chiếu bóng hầu hết chỉ hoạt động kiểu… cảm hứng bất chợt. Nghĩa là, khi có cơn sốt phim Việt nào đó, chẳng hạn “Cánh đồng bất tận” hay “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” thì mới thương lượng với nhà sản xuất để có phim đảm bảo lượng khán giả tối thiểu!

Muốn thoát khỏi thực trạng rạp chiếu quốc doanh cứ thoi thóp quanh năm, cần có những giải pháp mạnh mẽ và những nhân lực nhạy bén. Bởi lẽ Trung tâm chiếu phim quốc gia tại Hà Nội sau một thời gian trì trệ đã đổi mới để đạt được doanh thu 150 tỷ đồng trong năm 2015.

Bà Ngô Phương Lan, Cục trưởng Cục Điện ảnh cho hay mấy năm qua hoạt động phát hành phim có bước phát triển mạnh mẽ, danh sách các phim đạt doanh thu 60 tỉ, thậm chí trên dưới trăm tỉ đồng được nối dài, trong đó có không ít phim Việt.

Hệ thống rạp chiếu phim đạt tiêu chuẩn cũng phát triển với tốc độ cao, cuối năm 2015 cả nước có 138 rạp với 510 phòng chiếu, số lượt khán giả xem phim năm 2015 tăng khoảng 15% so với năm 2014. Tuy nhiên, có ba khó khăn vẫn tồn tại là tình trạng rạp xuống cấp, trang thiết bị lạc hậu, không phù hợp và thiếu nguồn phim thu hút công chúng.

Theo Tuy Hòa

Hải Quan

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên