Quyền lực định giá dầu chuyển từ châu Âu sang châu Á?
Các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với dầu của Nga và Iran đã khiến dòng chảy nhiên liệu giá rẻ chuyển sang châu Á và trong quá trình này làm xói mòn xu hướng kéo dài hàng thập kỷ, theo đó châu Á đã phải trả giá mua năng lượng đắt hơn so với châu Âu.
Các nhà phân tích và quan chức chính phủ từ các nước tiêu dùng năng lượng sử dụng thuật ngữ “ Asian premium ” (mức cộng giá dầu châu Á), nghĩa là mức giá cao hơn mà các nhà nhập khẩu châu Á phải trả (so với châu Âu) cho các nhà xuất khẩu dầu lớn, chẳng hạn như các thành viên của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC).
Đối với châu Á, mức cộng này giảm tương đương với một biện pháp kích thích kinh tế, làm nổi bật một hậu quả không mong muốn khác của các biện pháp trừng phạt mà phương Tây áp dụng đối với dầu mỏ và khí đốt xuất khẩu của Nga. Điều đó cũng dẫn đến việc người châu Âu phải tăng số tiền trả cho khí đốt tự nhiên mà họ mua vào.
Ole Hansen, người phụ trách bộ phận chiến lược hàng hóa của Saxo Bank, cho biết: “Có thể nói rằng một số người tiêu dùng lớn ở châu Á, đáng chú ý nhất là Ấn Độ và Trung Quốc, là những người được hưởng lợi lớn từ các lệnh trừng phạt”.
Theo dữ liệu của Kpler, các biện pháp trừng phạt của phương Tây đã khiến Nga bán lượng dầu thô cho châu Á trong năm tính đến tháng 1/2023 nhiều hơn gấp đôi mức bình thường. Iran, dù đang chịu lệnh trừng phạt của Mỹ, đã đẩy mạnh xuất khẩu lên mức cao nhất trong 3 năm, với Trung Quốc là người mua lớn nhất, theo một số ước tính.
Dòng chảy dầu thô sang châu Á.
Theo dữ liệu của Refinitiv Eikon, đối với hỗn hợp dầu xuất khẩu chủ chốt của Nga là Urals, trước khi xảy ra xung đột ở Ukraine đã được bán ở châu Âu với giá thấp hơn (gọi là giá trừ lùi – discount) vài USD/1 thùng so với giá dầu Brent – được xác định là giá tham chiếu cho toàn cầu, nhưng có lúc giá bán cho khách hàng châu Á với giá thấp hơn 24 USD. Một số nguồn tin trong ngành cho biết mức chênh lệch này hiện đang được thu hẹp về mức 10-15 USD/thùng.
Ngay cả với mức chiết khấu khoảng 15 USD/thùng, một nhà máy lọc dầu ở Ấn Độ xử lý 200.000 thùng mỗi ngày sẽ tiết kiệm được 3 triệu USD mỗi ngày cho việc mua dầu thô so với đối thủ châu Âu. Trên cơ sở hàng năm, khoản tiết kiệm sẽ là trên 1 tỷ đô la.
Hardeep Singh Puri, Bộ trưởng Bộ Dầu mỏ Ấn Độ, hồi đầu tháng 2 cho biết nước này sẽ tiếp tục mua dầu từ Nga nếu giá "tiếp tục tốt".
Từ người chấp nhận giá trở thành người quyết định giá
Mức cộng giá dầu châu Á bắt đầu có từ khi các nước sản xuất bắt đầu đưa ra giá dầu thô của họ vào những năm 1980, và giá này có thể cao hơn đối với các khách hàng ở châu Á, những người phụ thuộc nhiều hơn vào nhập khẩu, khiến họ trở thành những người phải chấp nhận giá.
Những người mua dầu ở châu Á trước đây đã có những nỗ lực để giảm mức cộng, đầu tư vào năng lực lọc dầu để thúc đẩy nhu cầu và cải thiện sức mạnh của họ trong đàm phán.
Saudi Arabia và các nhà xuất khẩu hàng đầu khác đã phản ánh xu hướng thay đổi hiện tại về giá bán chính thức (OSP) thấp hơn đáng kể, được thể hiện dưới dạng chênh lệch so với giá tham chiếu ở các khu vực.
Trong 3 tháng tính đến tháng Hai, Saudi Arabia đã giảm giá dầu Arab Light hàng đầu của mình cho người mua châu Á - mặc dù đã tăng giá dầu thô giao vào tháng Tư – bốc xếp vào tháng Ba.
Mặc dù vậy, kể từ tháng 11/2022, Saudi Arabia đã hạ mức cộng đối với dầu Arab Light bán ở châu Á xuống 3,35 USD/thùng. Chênh lệch giá bán dầu tới châu Âu cơ sở Ras Tanura đã tăng thêm 10 US cent/thùng so với cùng kỳ trong cùng kỳ năm trước.
Các nhà xuất khẩu lớn khác của OPEC là Iraq và Kuwait cũng đã giảm OSP của họ sang châu Á kể từ tháng 11/2022. Iraq, quốc gia duy nhất trong số hai quốc gia cũng phát hành giá cho châu Âu, đã hạ mức chênh lệch giá đối với dầu Basrah Trung bình và Nặng cho khách hàng châu Á, đồng thời tăng chênh lệch giá đối với khách hàng châu Âu.
“Trước là Iran, và bây giờ thêm cả Nga ngày càng cạnh tranh về giá và các nhà sản xuất Trung Đông khác phải điều chỉnh giá của họ cho phù hợp - kết quả là giá bán tương đối cao hơn cho khách hàng châu Âu,” ông Hansen cho biết.
Châu Âu mất nguồn cung dầu
Ấn Độ nằm trong số những nước đã phàn nàn về mức cộng mà châu Á phải trả cho các nhà xuất khẩu dầu lớn.
Jorge Montepeque, người đã từng làm việc tại S&P Global Platts trong nhiều thập kỷ, cho biết: “Người châu Á từng có ít lựa chọn về hơn so với phần còn lại của thế giới vì họ cần trả giá cao để thu hút dầu xuất khẩu đường dài”. "Vì vậy, theo định nghĩa, người châu Á phải trả thêm tiền, trong khi châu Âu và châu Mỹ có nguồn cung cấp tại chỗ."
Giờ đây, với việc châu Âu mất nguồn cung cấp dầu thô của Nga, lục địa này cần phải hút dầu từ các mỏ xa hơn và "về lý thuyết, việc Trung Đông định giá sẽ trở nên bất lợi cho người châu Âu".
Giá dầu thô Arab Light, theo ước tính dựa trên dữ liệu của Refinitiv, ở châu Âu đã tiến gần đến mức ngang giá và đôi khi vượt quá giá ở châu Á vào năm 2023. Trong khi đó, vào năm 2021 và đầu năm 2022, giá ở châu Á chủ yếu ở mức cao, như thể hiện trong biểu đồ dưới đây:
Giá dầu thô Light Saudi Arabia tại Châu Á và châu Âu.
”Không có thị trường tự do”
Neil Atkinson, một nhà phân tích độc lập và cựu quan chức cấp cao của Cơ quan Năng lượng Quốc tế, cho biết sự sụt giảm xuất khẩu dầu từ Nga tới phương Tây và dầu bán cho Ấn Độ với giá chiết khấu đang khiến mức cộng giá dầu châu Á giảm xuống.
Ông nói: “Những kiểu mẫu bình thường về mức cộng hoặc mức chiết khấu giá dầu bán ở châu Á không thực sự được áp dụng vào lúc này”. "Hoàn cảnh thật phi thường. Về cơ bản, chúng ta không có thị trường tự do mà chúng ta sẽ có trong thời gian bình thường."
Trong một ví dụ khác về thị trường dầu thô châu Âu phải chịu giá cao hơn, dầu thô Johan Sverdrup của Na Uy vào ngày 16 tháng 2 đã được chào bán với giá cao hơn so với dầu Brent, trái ngược với mức trừ lùi 5,15 USD vào cuối tháng 11. Không rõ liệu dầu đó có tìm được người mua hay không?
Sverdrup, mỏ dầu sản xuất lớn nhất châu Âu, ra mắt thị trường vào năm 2020. Ban đầu, hầu hết các chuyến dầu từ mỏ này được chuyển đến châu Á.
Sau khi phương Tây áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga khi cuộc xung đột Nga – Ukraine bắt đầu vào tháng 2 năm ngoái, hầu hết các chuyến hàng của Sverdrup vẫn ở châu Âu và đã thay thế dầu Urals của Nga cho nhiều nhà máy lọc dầu.
Về dài hạn, xu hướng hiện tại có thể sẽ thay đổi trở về như cũ. Nếu cuộc chiến tranh ở Ukraine kết thúc, dòng chảy dầu thô Nga tới châu Âu có thể sẽ được khôi phục.
"Một khi chiến tranh kết thúc, tôi tin rằng một số hoạt động bình thường sẽ quay trở lại và cuối cùng các biện pháp trừng phạt sẽ được dỡ bỏ cho phép Nga cạnh tranh bình đẳng để giành khách hàng", ông Hansen của Ngân hàng Saxo cho biết.
Tham khảo: Reuters
Nhịp sống thị trường