Quyết không bổ sung ồ ạt các sân bay mới trong 10 năm
Đề xuất bổ sung một loạt sân bay mới vào quy hoạch cảng hàng không đều không được chấp thuận; tín dụng phục hồi mạnh là những thông tin đáng chú ý trên các báo.
- 28-04-2021Bộ GTVT từng loại Nà Sản ra khỏi quy hoạch sân bay, cử tri Sơn La kiến nghị bổ sung trở lại
- 22-03-2021Đắk Nông tham gia vào cuộc đua đề xuất quy hoạch sân bay
- 19-03-2021UBND tỉnh Hà Nam: Quỹ đất dự kiến 1.350 ha tại Hà Nam sẽ không đảm bảo cho quy hoạch sân bay thứ hai Vùng Thủ đô
Đề xuất bổ sung một loạt sân bay mới vào quy hoạch cảng hàng không đều không được chấp thuận. Đây là thông tin mới nhất về việc thẩm định Quy hoạch Tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 gửi Bộ Giao thông Vận tải, theo Báo Đầu tư.
Cụ thể, Cục Hàng không Việt Nam đề xuất đến năm 2050, cả nước sẽ có 29 cảng hàng không, gồm 14 cảng hàng không quốc tế, 15 cảng hàng không quốc nội, trong đó sân bay duy nhất được bổ sung trong giai đoạn này là Cao Bằng.
Ông Trần Tuấn Linh, Giám đốc Trung tâm Nguyên cứu phát triển (Viện Khoa học hàng không Việt Nam) cho rằng, nếu nới quy hoạch thì mật độ các cảng hàng không tại Việt Nam là dày đặc, không tập trung được nguồn lực để xây dựng đầu mối hàng không quốc tế.
Nếu nới quy hoạch thì mật độ các cảng hàng không tại Việt Nam là dày đặc, không tập trung được nguồn lực để xây dựng đầu mối hàng không quốc tế. (Ảnh minh họa: Báo Đầu tư)
Để đáp ứng nhu cầu vận tải với tổng sản lượng hành khách đạt khoảng 278 triệu lượt hành khách/năm, Cục Hàng không Việt Nam đề xuất đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào cảng hàng không quốc tế lớn, trọng yếu, đóng vai trò đầu mối.
Tín dụng phục hồi mạnh: Mừng nhưng cũng lo!
Dư nợ tín dụng toàn ngành ngân hàng tính đến giữa tháng 4/2021 đã ở mức xấp xỉ 9,5 triệu tỷ đồng, tăng 307.000 tỷ đồng, tương ứng tăng 3,34% so với cuối năm 2020. Mức tăng này gấp 4,3 lần so với cùng kỳ năm 2020 tính theo số tuyệt đối, cho thấy nhu cầu vay vốn trong nền kinh tế đã gia tăng mạnh mẽ trở lại, theo Thời báo Kinh tế Sài gòn.
Có nhiều yếu tố tác động đến vay nợ tín dụng như nhu cầu sản xuất của các doanh nghiệp đã tăng trở lại khi nhu cầu mua sắm của người dân tăng. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 3 tăng 9,2%, trong khi cùng kỳ năm trước giảm 0,8%.
Ngoài ra, thị trường bất động sản nóng sốt liên tục cùng với nhu cầu vay vốn gia tăng là minh chứng rõ nhất cho hiện tượng này. Thực tế trong con số tăng trưởng tín dụng 2,93% của 3 tháng đầu năm nay, vốn rót vào cho vay kinh doanh bất động sản và xây dựng cũng tăng đến 2,94%.
Dư nợ tín dụng toàn ngành ngân hàng tính đến giữa tháng 4/2021 đã ở mức xấp xỉ 9,5 triệu tỷ đồng. (Ảnh minh họa: Báo Đầu tư)
Trong khi đó, với mức dư nợ tuyệt đối hiện nay đã lên tới 140% GDP, thuộc nhóm nước có tỷ lệ cao theo đánh giá của quốc tế, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước nhận định, tỷ lệ này tiếp tục tăng cao và vốn vay trung, dài hạn cũng dựa nhiều vào ngân hàng sẽ tạo áp lực lớn đối với việc cân đối vốn của hệ thống ngân hàng và cân đối vĩ mô.
Nhờ đâu lợi nhuận quý I/2021 của các ngân hàng tăng vọt?
Một thông tin tích cực cũng của ngành ngân hàng, đó là theo báo cáo mới đây của FiinGroup, 19/27 ngân hàng đã công bố kết quả kinh doanh với lợi nhuận sau thuế tăng 86,7% so với cùng kỳ năm 2020, dù tổng thu nhập hoạt động tăng thấp hơn rất nhiều, chỉ tăng 30,2%, theo Vneconomy.
Theo đó, động lực tăng trưởng của ngân hàng đến từ biên lãi ròng (NIM) cải thiện, nguồn thu từ dịch vụ tăng và chi phí dự phòng rủi ro tín dụng giảm.
Kế hoạch kinh doanh của 16/19 ngân hàng đã công bố kết quả kinh doanh, tính riêng quý I, các ngân hàng đã hoàn thành 31% kế hoạch lợi nhuận sau thuế cả năm.
Các ngân hàng cho rằng mục tiêu tăng trưởng 24% cả năm không phải là quá khó đối với ngành ngân hàng bởi Thông tư 03 sẽ giúp họ tránh được cú sốc về lợi nhuận trong năm 2021 này do không bị áp lực trích lập dự phòng và thu nhập từ hoạt động dịch vụ tiếp tục tăng.
VTV.VN