MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Quyết liệt cuộc chiến chip

24-12-2023 - 08:59 AM | Tài chính quốc tế

Số lượng máy quang khắc - vốn rất quan trọng trong chế tạo chip - mà Trung Quốc nhập khẩu từ Hà Lan trong tháng 11 vừa qua đã tăng tới 1.050%.

Cụ thể, theo báo South China Morning Post, Trung Quốc nhập 16 máy (762,7 triệu USD) vào tháng 11 và 21 máy (672,5 triệu USD) hồi tháng 10. Tổng cộng trong tháng 11, Trung Quốc nhập khẩu 42 máy quang khắc, trị giá 816,8 triệu USD; 15 máy trong số này nhập từ Nhật Bản.

Hà Lan là nhà xuất khẩu máy quang khắc lớn nhất thế giới, gần như tất cả là sản phẩm của Công ty ASML. Máy quang khắc nằm trong số 10 thiết bị quan trọng nhất cần phải có để chế tạo mạch tích hợp. Trung Quốc vẫn chưa bắt kịp công nghệ này dù chính phủ rất mạnh tay đầu tư thời gian qua. Theo Công ty CanSemi (Trung Quốc), số máy quang khắc do Trung Quốc sản xuất và được sử dụng trong các nhà máy nước này tính đến năm 2021 là chưa tới 5%.

Đóng gói chip bán dẫn tại nhà máy tại Malaysia của tập đoàn Unisem Ảnh: REUTERS

Đóng gói chip bán dẫn tại nhà máy tại Malaysia của tập đoàn Unisem Ảnh: REUTERS

Lượng nhập khẩu tăng vọt này diễn ra trong 2 tháng liên tiếp, phản ánh việc Trung Quốc tiếp tục mua về các hệ thống hiện đại bất chấp nỗ lực ngăn chặn của Washington. Hồi tháng 10, Bộ Thương mại Mỹ siết các quy định xuất khẩu nhằm vào Trung Quốc, tập trung vào các loại chip và thiết bị chế tạo chip tiên tiến, bao gồm máy quang khắc cực tím sâu (DUV) của ASML.

Giới chuyên gia chưa có giải thích thống nhất về những dữ liệu nhập khẩu mới ở Trung Quốc. Một số cho rằng Bắc Kinh tăng mua trước khi lệnh hạn chế của Mỹ có hiệu lực. Một số khác cùng ý kiến với giám đốc điều hành ASML, ông Peter Wennink, rằng trên thực tế vẫn còn rất nhiều khách hàng Trung Quốc không nằm trong diện bị lệnh cấm mới nhất của Mỹ nhắm vào. Ngoài ra, theo ông Jan-Peter Kleinhans, Giám đốc công nghệ và địa chính trị của Tổ chức Stiftung Neue Verantwortung (Đức), lượng nhập khẩu sẽ không giảm ngay do những đơn hàng giao trong tháng 11-2023 thường được cấp phép từ cuối năm 2022 hoặc đầu năm 2023.

Không chỉ hạn chế xuất khẩu sang Trung Quốc, Bộ Thương mại Mỹ còn sắp điều tra các công ty Mỹ sử dụng các loại chip thế hệ cũ (legacy chip) do Trung Quốc sản xuất trong những ngành trọng yếu như viễn thông, chế tạo xe và quốc phòng, với lý do lo ngại về an ninh quốc gia. Legacy chip là mẫu chip không có công nghệ hiện đại, kích cỡ lớn do sản xuất trên tiến trình từ 28 nm trở lên nhưng có vai trò quan trọng trong kinh tế toàn cầu nhờ phổ biến trong máy tính, xe điện, phần cứng quân sự...

Phản ứng trước thông báo được đưa ra hôm 21-12 này, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tố Mỹ gây hại cho các nguồn cung ứng toàn cầu và yêu cầu Washington tôn trọng quy tắc thương mại quốc tế cũng như quy luật thị trường. 

Theo Hải Ngọc

Người lao động

Từ Khóa:
Trở lên trên