Quyết tâm cạnh tranh của ngành gạo Thái Lan đe dọa ảnh hưởng tới xuất khẩu gạo Việt Nam
Thái Lan đang chuyển hướng trọng tâm nghiên cứu phát triển các giống lúa cho cơm mềm để xuất khẩu. Điều này sẽ làm gia tăng cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu gạo Châu Á, ảnh hưởng tới nhiều nước xuất khẩu gạo cơm mềm, trong đó có Việt Nam.
- 10-11-2020Nhu cầu cao, nguồn cung hạn hẹp đang đẩy giá gạo tăng mạnh
- 25-10-2020Campuchia muốn cạnh tranh với Việt Nam về xuất khẩu gạo trắng
Trong suốt 16 năm nghiên cứu ở Viện Nghiên cứu Lúa gạo Chai Nat của Thái Lan, chuyên gia ngành lúa gạo Chuanchom Deerusamee chưa bao giờ nghĩ rằng tương lai của thị trường gạo thế giới lại là gạo cơm mềm. Tương tự như vậy, ông nông dân Sanit Jitnupong ở tỉnh Kamphaeng Phet từ trước đến nya chỉ trồng các giống lúa cơm cứng.
Nhưng nay ngành lúa gạo Thái Lan đã hiểu ra rằng, sản xuất gạo cơm cứng là lý do căn bản khiến cho xuất khẩu gạo của họ liên tục giảm trong những năm gần đây, giữa bối cảnh thị hiếu của người tiêu dùng khắp toàn cầu thay đổi nhanh chóng: Giới trẻ nay thích các món cơm trộn, cơm cuộn, cơm thập cẩm – chỉ phù hợp cho gạo hạt ngắn và khi nấu lên cho cơm mềm, xốp. Điều này hoàn toàn trái ngược với thị trường Thái Lan, nơi mà các món ăn truyền thống chỉ phù hợp với gạo hạt dài và khi nấu lên cho cơm cứng, mùi thơm.
"Thực khách của chúng tôi muốn ăn gạo mềm xốp nên tôi phải thay đổi nhà cung cấp", Kulapol Samsen, bếp trưởng kiêm chủ nhà hàng Yoong Chang ở Bangkok, nói. Ông cho biết ông thường bị khách phần nàn rằng hạt cơm quá cứng.
Theo bà Deerusamee, với lịch sử xuất khẩu các loại gạo cứng hàng chục năm, Thái Lan đã không phản ứng kịp khi thị hiếu của thị trường thay đổi. "Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng thị trường thích gạo cơm mềm hơn cho đến khi thấy các nước khác bắt đầu xuất khẩu nhiều gạo hơn chúng tôi", bà nói.
Xuất khẩu gạo của Thái Lan năm 2020 theo dự báo của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) chỉ đạt 5,5 triệu tấn, khiến nước này rơi xuống vị trí nước xuất khẩu gạo lớn thứ 3 thế giới.
Trong khi xuất khẩu gạo của top những nước xuất khẩu gạo chủ chốt Châu Á những năm qua nhìn chung duy trì ổn định thì riêng của Thái Lan sụt giảm mạnh. Từ mức trên 11 triệu tấn năm 2018, xuất khẩu gạo Thái Lan giảm mạnh xuống chỉ trên 7 triệu tấn năm 2019 và tiếp tục giảm trong năm 2020, dự báo sẽ ở mức thấp nhất trong vòng khoảng 20 năm.
Trong suốt hơn 3 thập kỷ dẫn đầu thế giới về xuất khẩu gạo, Thái Lan chỉ tập trung sản xuất các giống chủ lực là gạo trắng và gạo Jasmine, có hạt dài, mùi thơm và cơm cứng. Song có lẽ chính vì thế, kể từ năm 2015, Ấn Độ vươn lên soán ngôi nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, đẩy Thái Lan xuống vị trí thứ 2. Từ đầu năm 2020 đến nay, thậm chí Thái Lan mất nốt vị trí thứ 2 về tay Việt Nam, khi giá chào bán gạo xuất khẩu liên tục duy trì ở mức cao vì hạn hán và đồng baht mạnh, làm mất đi sức cạnh tranh của gạo Thái trên thị trường quốc tế.
Người Thái đã nhận ra nguyên nhân dẫn tới thực trạng này.
Chookiat Ophaswongse, Chủ tịch danh dự của Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan, nói: "Nếu chúng ta không nỗ lực nhiều hơn nữa để phát triển các giống gạo mềm, chúng ta có thể đánh mất luôn thị trường Mỹ". Cho đến nay, gạo jasmine vẫn đang chiếm lĩnh thị trường Mỹ.
Được mệnh danh là "bát cơm của Châu Á", nghề trồng lúa là sinh kế của hơn 4 triệu gia đình Thái Lan, chiếm hơn 50% tổng diện tích đất nông nghiệp. Trị giá ngành lúa gạo của Thái Lan vào khoảng 6 tỷ USD/năm, trong đó 50% đến từ xuất khẩu. Nhưng thiếu các giống gạo cơm mềm đang gia tăng thêm sức ép cho ngành xuất khẩu gạo của nước này.
Trên thị trường Châu Á, nơi cơm gạo là lương thực chính, người tiêu dùng hiện có nhu cầu cao đối với các loại gạo cho cơm mềm. Gạo của Việt Nam khi nấu cho cơm mềm, xốp nên được nhiều thị trường quan trọng ưa chuộng, như Trung Quốc, Philippines…
Cho đến hiện tại, Thái Lan chỉ có khoảng 6 giống gạo cơm mềm. Chính phủ nước này đang gia tăng đầu tư cho hoạt động nghiên cứu lúa gạo.
Nước này đã công bố chiến lược ngành gạo trong 4 năm tới, theo đó sẽ đa dạng hóa chủng loại gạo sản xuất và xuất khẩu. Cụ thể, sẽ tập trung vào 7 loại gạo chủ lực: Hom mali Thái; thơm Thái Lan; trắng hạt mềm; trắng hạt cứng; gạo đồ; gạo nếp và gạo đặc sản; đồng thời sẽ nâng năng suất lúa lên ngang bằng hoặc cao hơn so với của các nước khác.
Quay về câu chuyện của chuyên giá nghiên cứu lúa gạo Chuanchom Deerusamee và bác nông dân Sanit Jitnupong.
Bà Deerusamee đã bắt tay vào nghiên cứu một giống lúa cho cơm mềm hạt ngắn có tên Kor Khor 79 (RD79) từ cách đây một thập kỷ. Giống gạo RD79 có hình dáng thon dài như gạo jasmine, khi nấu lên, cơm vẫn giữ được hình dáng hạt gạo, nhưng nở và mềm hơn.
"Khi tôi bắt đầu nghiên cứu các giống gạo cho cơm mềm hơn, tôi chưa bao giờ nghĩ sẽ đạt được thành quả đến mức này. Tôi rất tự hào nếu giống gạo này có thể giúp Thái Lan xuất khẩu gạo nhiều hơn. Đây chỉ là điểm khởi đầu cho giống gạo mềm của Thái Lan", bà Deerusameenói.
Ngoài RD79, bà Chuanchom đang tham gia phát triển 11 giống lúa khác. Giống gạo RD79 có thể phát triển mà không cần phải luôn có nước. Để tạo ra giống gạo RD79, Chuanchom đã lai giống hai giống gạo có các đặc tính riêng biệt: nở mềm khi nấu và có năng suất cao khi trồng. Sau khi có được thế hệ đầu tiên của giống gạo mới, bà đã tiếp tục lai tạo nó thêm 8 lần nữa.
10 năm là thời gian cần thiết để phát triển một giống gạo mới, được chính phủ cấp phép và vận động nông dân bắt đầu trồng nó. Ngành lúa gạo Thái Lan giờ đây đang khuyến khích nông dân tăng tốc trồng giống gạo RD79.
Ông Jitnupong cũng như nhiều nông dân khác bắt tay vào trồng giống lúa DR79. "Tôi nghe mọi người nói rằng chúng tôi cần phải trồng giống gạo này nhiều hơn để có thể cạnh tranh trên toàn cầu. Bắt đầu làm một điều mới mẻ có thể sẽ rủi ro nhưng tôi chẳng có gì để mất", ông nói.
Sau bốn tháng trồng lúa thì giống gạo RD79 sẽ cho thu hoạch, rồi sau đó sẽ bán cho các nhà máy xay xát lúa gạo và cuối cùng gạo sẽ được bán cho các nhà bán lẻ và các nhà xuất khẩu. Những ruộng lúa trồng giống DR79 của ông đang phát triển tốt, dự kiến sẽ cho năng suất cao gấp đôi so với những giống lúa trước kia ông trồng.
Kriangsak Tapananon, Chủ tịch Hiệp hội các nhà máy xay xát lúa gạo Thái Lan, cho biết chưa có nhiều nông dân trồng các giống gạo cơm mềm, nhưng sẽ không mất nhiều thời gian để thuyết phục họ. Ông nói: "Thị trường trong nước đã chấp nhận loại gạo này và chằng bao lâu nữa, nông dân sẽ đồng loạt chuyển sang trồng nó vì nó được thị trường nước ngoài đón nhận"
Tuy nhiên, cơm nấu từ gạo RD79 không có mùi thơm như những giống gạo truyền thống của Thái Lan. Đây là vấn đề mà ngành lúa gạo Thái Lan bắt buộc phải giải quyết để có thể vừa đáp ứng được thị hiếu trong nước, vừa có thể khôi phục và phát triển xuất khẩu gạo.
Đối với những người am hiểu ẩm thực Thái Lan, thiếu hương thơm giống như gạo jasmine là một khiếm khuyết lớn của giống gạo RD79.
Andy Ricker, chủ nhà hàng Thái Lan nổi tiếng có tên gọi Pok Pok, ở Portland, bang Oregon, Mỹ, cho rằng các loại gạo khác nhau thích hợp với mỗi nền ẩm thực khác nhau. Ông nói: "Tôi không thể tưởng tưởng được nếu như ăn các món ăn Thái Lan mà sử dụng các loại gạo khác không phải là gạo jasmine. Đối với tôi, mùi thơm của gạo rất quan trọng đối với ẩm thực Thái Lan. Nếu bạn ăn đồ ăn Thái Lan và thử ăn kèm với loại gạo hạt ngắn, mềm hơn, điều đó không hợp lý đối với tôi vì không đúng hương vị và và kết cấu. Nếu bạn ăn các món ăn Hàn Quốc, tôi không thể hình dung ăn chúng kèm với với gạo jasmine".
Để khắc phục nhược thiếu mùi thơm của gạo RD79, chuyên gia Chuanchom đang nghiên cứu các giống lúa gạo mới vừa có hương thơm vừa có kết cấu mềm.
Hướng đi mới này của ngành lúa gạo Thái Lan sẽ khiến cho cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu gạo Châu Á thêm phần khốc liệt, nhất là với những nước hiện đang có lợi thế trong lĩnh vực gạo cơm mềm, trong đó có Việt Nam.
Tham khảo: Bloomberg, USDA, Reuters