MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Quyết tâm xây dựng Việt Nam ngày càng giàu mạnh

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta quyết tâm xây dựng một nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, văn minh, văn hiến và anh hùng theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Nhân dịp kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3.2.1930 - 3.2.2024), GS-TS, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài viết quan trọng.

Quyết tâm xây dựng Việt Nam ngày càng giàu mạnh- Ảnh 1.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Công cuộc đổi mới đã đạt được những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử, đem lại những thay đổi lớn lao, rất tốt đẹp cho đất nước trong gần 40 năm qua. Ảnh: NHẬT BẮC

Chưa bao giờ có được cơ đồ, vị thế như ngày nay

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập vào ngày 3-2-1930; có nghĩa là đến ngày 3-2-2025 sắp tới, Đảng ta sẽ tròn 95 tuổi và đến năm 2030 sẽ tròn 100 tuổi; đây là những mốc son chói lọi, có ý nghĩa lịch sử to lớn của Đảng, của đất nước và dân tộc ta.

Để góp phần thiết thực kỷ niệm ngày thành lập Đảng 3-2-2024, khơi dậy niềm tự hào về Đảng quang vinh, Bác Hồ vĩ đại, dân tộc Việt Nam anh hùng; tăng cường niềm tin đối với sự lãnh đạo của Đảng và tương lai tươi sáng của đất nước ta, dân tộc ta; cũng như nêu cao hơn nữa trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trong toàn hệ thống chính trị, tiếp tục phát huy tinh thần yêu nước và cách mạng của toàn dân tộc, quyết tâm xây dựng đất nước ta ngày càng giàu mạnh, văn minh, văn hiến và anh hùng, chúng ta cần nhìn lại, đánh giá một cách khách quan, toàn diện những kết quả, thành tựu và bài học kinh nghiệm chủ yếu mà Đảng ta, đất nước ta, dân tộc ta đã đạt được qua các chặng đường lịch sử.

Tổng Bí thư nêu rõ công cuộc đổi mới, trong đó có việc phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã đạt được những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử, thực sự đem lại những thay đổi lớn lao, rất tốt đẹp cho đất nước trong gần 40 năm qua, góp phần làm cho "Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay".

Nhờ thực hiện đường lối đổi mới, nền kinh tế bắt đầu phát triển và tăng trưởng liên tục với tốc độ tương đối cao trong suốt 40 năm qua với mức tăng trưởng trung bình gần 7% mỗi năm. Quy mô GDP không ngừng được mở rộng, năm 2023 đạt khoảng 430 tỉ USD, trở thành nền kinh tế lớn thứ 5 trong ASEAN và thứ 35 trong 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới. GDP bình quân đầu người tăng 58 lần, lên mức khoảng 4.300 USD năm 2023.

Liên Hiệp Quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong việc hiện thực hóa các mục tiêu thiên niên kỷ. Chỉ số hạnh phúc của Việt Nam năm 2023 được các tổ chức xếp thứ 65/137 quốc gia được xếp hạng. Cùng với Trung Quốc, Việt Nam được Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá là hai quốc gia tiên phong trong đổi mới giáo dục và đã đạt được sự phát triển rất ấn tượng trong lĩnh vực này.

Trong khi chưa thực hiện được việc bảo đảm cung cấp dịch vụ y tế miễn phí cho toàn dân, Việt Nam mở rộng diện bảo hiểm y tế bắt buộc và tự nguyện, đến nay đã đạt mức 93,35% (năm 1993 mới chỉ là 5,4%); đồng thời tập trung vào việc tăng cường y tế phòng ngừa, phòng, chống dịch bệnh, hỗ trợ các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn. Nhiều dịch bệnh vốn phổ biến trước đây đã được khống chế thành công. Người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi và người cao tuổi được cấp bảo hiểm y tế miễn phí.

Ngoại giao mang đậm bản sắc "cây tre Việt Nam"

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ trong điều kiện xây dựng, phát triển đất nước trong hòa bình, Đảng ta vẫn thường xuyên sát sao lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc; đã ban hành và chỉ đạo tổ chức thực hiện thắng lợi nhiều chiến lược bảo vệ Tổ quốc qua các thời kỳ; mới đây nhất là Nghị quyết Trung ương 8 khóa XIII về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Theo đó, tập trung ưu tiên thực hiện thắng lợi đồng bộ các nhiệm vụ chính trị: Phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần; bảo đảm quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên. Kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên quyết, kiên trì, chủ động tạo lập thời cơ, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ…

Tăng cường đầu tư thích đáng cho việc xây dựng nền quốc phòng toàn dân, nền an ninh nhân dân, lực lượng vũ trang nhân dân, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa; giữ nước từ khi nước chưa nguy; tuyệt đối không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống. Các tình huống phức tạp trên biển và tuyến biên giới được xử lý linh hoạt, hiệu quả và phù hợp.

"Trong gần 40 năm đổi mới, Đảng ta đã kế thừa và phát huy bản sắc, cội nguồn và truyền thống dân tộc, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa thế giới và tư tưởng tiến bộ của thời đại, phát triển trên nền tảng lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, hình thành nên một trường phái đối ngoại, ngoại giao rất đặc sắc và độc đáo, mang đậm bản sắc "cây tre Việt Nam"" - Tổng Bí thư nhấn mạnh.

Việt Nam hiện đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện hoặc đối tác chiến lược với tất cả 5 nước Ủy viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc và mở rộng quan hệ kinh tế - thương mại với 230 quốc gia và vùng lãnh thổ...

Việc tổ chức đón rất thành công Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Mỹ Joe Biden, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thoonglun, Chủ tịch Đảng Nhân dân Campuchia Hun Sen và nhiều nguyên thủ quốc gia các nước đến thăm Việt Nam được đánh giá là những sự kiện có ý nghĩa lịch sử, góp phần khẳng định "đất nước ta chưa bao giờ có được vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay".

Quyết tâm xây dựng Việt Nam ngày càng giàu mạnh- Ảnh 2.

Kinh tế Việt Nam phát triển nhanh chóng trong những năm qua. Trong ảnh: Cảng Cái Mép - Thị Vải ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Kiên quyết loại bỏ tham nhũng

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng nêu rõ tập trung ưu tiên triển khai thực hiện thật tốt một số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới.

Thứ nhất, về phát triển kinh tế, cần tiếp tục quán triệt thật sâu sắc, tổ chức thực hiện thật nghiêm, thật tốt các chủ trương, đường lối của Đảng và luật pháp, chính sách của Nhà nước về phát triển nhanh và bền vững. Chú trọng củng cố, tăng cường nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; giữ vững sự phát triển ổn định, an toàn của hệ thống các tổ chức tín dụng, thị trường tiền tệ, bất động sản, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp. Tập trung ưu tiên cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh…

Thứ hai, về phát triển văn hóa, xã hội, cần quan tâm hơn nữa đến nhiệm vụ phát triển văn hóa, xã hội, hài hòa và ngang tầm với phát triển kinh tế; bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội; không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân…

Thứ ba, về quốc phòng, an ninh, đối ngoại, cần tiếp tục củng cố, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh; giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế. Chủ động phòng ngừa, kiên quyết đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu chống phá của các thế lực thù địch, phản động; tuyệt đối không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống. Tổ chức thật tốt các hoạt động đối ngoại, nhất là đối ngoại cấp cao; chủ động, tích cực, làm sâu sắc, thực chất hơn nữa quan hệ với các đối tác…

Thứ tư, về xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, cần tiếp tục đẩy mạnh và làm tốt hơn nữa công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị thực sự trong sạch, vững mạnh, đặc biệt là hệ thống các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp từ Trung ương đến địa phương. Xây dựng Chính phủ, chính quyền các địa phương thật sự trong sạch, liêm chính, vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Tổng Bí thư nhấn mạnh làm tốt hơn nữa công tác cán bộ để lựa chọn, bố trí đúng những người thật sự có đức, có tài, liêm chính, tâm huyết, thật sự vì nước, vì dân vào các vị trí lãnh đạo của bộ máy nhà nước. Kiên quyết đấu tranh loại bỏ những người sa vào tham nhũng, hư hỏng; chống mọi biểu hiện chạy chức, chạy quyền, cục bộ, ưu ái tuyển dụng người nhà, người thân không đủ tiêu chuẩn. Kiên trì, kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực gắn với việc đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện luật pháp, cơ chế, chính sách để "không thể, không dám, không muốn tham nhũng".

Thứ năm, về chuẩn bị cho đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị các Tiểu ban chuẩn bị cho Đại hội XIV của Đảng cần khẩn trương, nghiêm túc chủ trì, phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và các cấp ủy, chính quyền các địa phương; làm tốt hơn nữa công tác xây dựng quy hoạch và công tác cán bộ lãnh đạo các cấp, đặc biệt là quy hoạch và cán bộ Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIV, nhiệm kỳ 2026 - 2031; chuẩn bị và tiến hành thật tốt đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025 - 2030, tiến tới Đại hội XIV của Đảng.

"Tự hào về Đảng quang vinh, Bác Hồ vĩ đại và dân tộc Việt Nam anh hùng; tin tưởng vào sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng cách mạng chân chính và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc Việt Nam văn hiến và anh hùng, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta quyết tâm xây dựng một nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, văn minh, văn hiến và anh hùng theo định hướng xã hội chủ nghĩa" - Tổng Bí thư kết luận bài viết. 

Phát huy cao độ tinh thần nêu gương

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh tiếp tục đẩy mạnh đổi mới, nỗ lực phấn đấu, tranh thủ mọi thời cơ, thuận lợi; vượt qua mọi khó khăn, thách thức, triển khai thực hiện thắng lợi các chương trình, kế hoạch, mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra cho nhiệm kỳ khóa XIII và đến năm 2030. Đặc biệt là cần phải tiếp tục quán triệt, vận dụng sáng tạo những bài học kinh nghiệm Đại hội XIII của Đảng đã đúc kết được.

Theo đó, phải luôn nắm vững và nghiêm túc chấp hành Cương lĩnh, Điều lệ Đảng, quy chế làm việc và chủ trương, đường lối của Đảng, luật pháp, chính sách của Nhà nước. Tập thể Bộ Chính trị, Ban Bí thư và từng Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư phải chấp hành nghiêm các quy chế, chế độ công tác; hoạt động trên cơ sở quy chế làm việc, chương trình công tác toàn khóa và hằng năm.

Từng Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư cần phát huy cao độ tinh thần nêu gương, thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao đạo đức cách mạng; nghiêm túc tự soi, tự sửa, tự phê bình và phê bình; tư tưởng, chính trị vững vàng, quan điểm đúng đắn; gương mẫu về đạo đức, lối sống trong công tác, trong cuộc sống của bản thân, gia đình và người thân. Hết sức tránh tình trạng "Chân mình còn lấm bê bê/ lại cầm bó đuốc đi rê chân người!".


Theo Bảo Trân

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên