MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Quỳnh Mây - cô bạn Gen Z học từ Nam Á đến châu Âu, trở thành 1 trong 30 người trên thế giới nhận học bổng Oxford toàn phần!

07-05-2024 - 10:45 AM | Sống

Hành trình du học của Quỳnh Mây gói gọn trong nhiều chữ "KHÔNG".

Trong cuộc sống thường nhật với đầy sự hối hả, đôi khi chúng ta sẽ cần một nhịp nghỉ để “chữa lành” bản thân. Nhưng giữa những bộn bề của công việc và học tập, khoảng thời gian thảnh thơi làm mọi thứ mình thích đó có phần xa xỉ. Vậy nên, nhiều người chọn cách tạm gác lại tất cả để “gap year”.

“Gap year” là khoảng thời gian tạm dừng sau một quá trình học tập hoặc làm việc nhằm mục đích nghỉ ngơi, khám phá bản thân hoặc thực hiện một kế hoạch còn dang dở. 365 ngày gap year là 365 ngày tìm kiếm điều gì đấy “khác đi” ở bản thân, để khám phá những điều ẩn giấu bên trong mà trước đây chúng ta quá bận rộn để phát hiện ra chúng.

Cũng quyết định gap year ở độ tuổi mười tám đôi mươi, cũng quyết định gap year để sống “khác” đi một tí, khám phá và yêu thương bản thân hơn một tí, Nguyễn Quỳnh Mây (SN 1999, Nghệ An) còn tận dụng quãng thời gian đó để đạt được nhiều thành tích cho mình. Đặc biệt mới đây cô nàng đã trở thành 1 trong 30 người trên toàn thế giới nhận học bổng toàn phần của Đại học Oxford. Nhìn lại quãng thời gian vừa qua, đối với Quỳnh Mây mọi thứ không chỉ gói gọn trong 2 chữ “gap year” mà còn là hành trình để trở về với chính mình.

Quỳnh Mây - cô bạn Gen Z học từ Nam Á đến châu Âu, trở thành 1 trong 30 người trên thế giới nhận học bổng Oxford toàn phần!- Ảnh 1.

Nguyễn Quỳnh Mây

Sinh năm 1999, Nghệ An

  • Cựu học sinh trường THPT chuyên Đại học Vinh

  • Học bổng Đại học Nữ Châu Á (Chittagong, Bangladesh)

  • Học bổng Thạc sĩ toàn phần Đại học Oxford

Quỳnh Mây - cô bạn Gen Z học từ Nam Á đến châu Âu, trở thành 1 trong 30 người trên thế giới nhận học bổng Oxford toàn phần!- Ảnh 2.

Quỳnh Mây

Quyết định gap year 2 năm và pha “thoát pressing” ngoạn mục

Giống như bao bạn bè đồng trang lứa, vào thời điểm đứng trước ngưỡng cửa “vào đời”, Quỳnh Mây có cho mình rất nhiều đắn đo. Sau khi tốt nghiệp trường THPT chuyên Đại học Vinh (trường Đại học Vinh, Nghệ An), Mây đã đỗ vào một trường đại học công lập ở TP.HCM nhưng do không phù hợp nên cô nàng quyết định bỏ ngang để gap year 2 năm.

Trong 2 năm gap year, nữ sinh đã đi làm đủ nghề từ trợ giảng, giáo viên đến tư vấn viên ở các cơ sở, trung tâm và trường học. Đồng thời, Mây cũng tự học và tự tìm kiếm cơ hội “xuất ngoại” cho mình. Dẫu vậy, hành trình này cũng không hề dễ dàng chút nào và Mây gói gọn nó trong chữ “3 KHÔNG”: Không có nền tảng tài chính mạnh, không có người hướng dẫn và cũng không có một hồ sơ đẹp.

“Mình nghĩ bản thân có xuất phát điểm với đầy những thiếu sót để có thể đi du học thuận lợi”, Mây nói.

Quỳnh Mây - cô bạn Gen Z học từ Nam Á đến châu Âu, trở thành 1 trong 30 người trên thế giới nhận học bổng Oxford toàn phần!- Ảnh 3.

Quỳnh Mây - cô bạn Gen Z học từ Nam Á đến châu Âu, trở thành 1 trong 30 người trên thế giới nhận học bổng Oxford toàn phần!- Ảnh 4.

Trong khoảng thời gian gap year, Mây đã đi làm nhiều công việc liên quan đến giảng dạy

Nhưng với suy nghĩ đã “đâm lao thì phải theo lao”, đã làm thì phải làm cho chót, nữ sinh 9x vẫn nỗ lực đỗ vào một số đại học ở Mỹ, Tây Ban Nha, Hà Lan, Bulgaria… Và Mây đã chọn học ở trường có trụ sở ở Tây Ban Nha theo mô hình mỗi kỳ đi một nước - tức đã dành 1 kỳ ở Trung Quốc. Học tập chưa lâu, Mây lại dừng việc học tại đây do không thấy phù hợp.

Cũng trong khoảng thời gian này, Mây bắt đầu phát hiện ra không ít vấn đề tâm lý của mình. Trạng thái trầm cảm đeo bám Mây. Nhưng tự Mây hiểu chỉ có mình với “cứu” được mình nên cô nàng chới với tự mình ngoi lên giữa đống cảm xúc tiêu cực. Mỗi ngày mở mắt ra, Mây đều tự nhủ rằng những thứ mình đang làm, đang trải qua đang chuẩn bị cho một điều đẹp đẽ và lớn lao hơn trong tương lai. Bây giờ, nó có vẻ đang mơ hồ, nhưng chỉ cần cố thêm một chút nữa là sẽ chạm được đến cái “đẹp đẽ và lớn lao” đó.

Nếu mình từ bỏ ở thời điểm này - thời điểm mà bản thân thấy mệt mỏi nhất, dù là từ bỏ theo nghĩa nào, thì cũng nghĩa là mình cắt đứt cái duyên với tương lai, với những người thực sự phù hợp với mình, với những cơ hội sẽ giúp mình hạnh phúc… Mây đặt niềm tin vào “mình của tương lai”, dù mình chưa thấy được phiên bản đó sẽ như thế nào ở thời điểm áp lực đang bủa vây. Cô nàng chỉ biết rằng, “mình của tương lai” sẽ khác khi mình không ngừng nỗ lực.

Sau tất cả, Mây đã lên lại dây cót cho bản thân. Từ bỏ ngôi trường có trụ sở ở Tây Ban Nha đó, cô nàng một lần nữa giành học bổng toàn phần vào trường Đại học Nữ Châu Á (Chittagong, Bangladesh) chuyên ngành Triết học, Chính trị, Kinh tế (PPE).

Có thể nói, Mây đã có pha “thoát pressing” ngoạn mục.

Xách balo đến Nam Á du học và những “cú sốc” ở nơi xứ lạ

Mây bắt đầu hành trình “học lại từ đầu” tại trường Đại học Nữ Châu Á (Chittagong, Bangladesh) ở tuổi 21.

Trong hình dung của nhiều người, những quốc gia lý tưởng để đi du học là Mỹ, châu Âu hay các quốc gia ở châu Á như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc…Còn đi du học ở Bangladesh - một quốc gia nằm ở khu vực Nam Á với đa phần người dân theo đạo Hồi, thì quả thực khá mới lạ.

Không chỉ mọi người cảm thấy thế, mà ngay kể cả bản thân Mây cũng thấy “lạ”. Nữ sinh thú nhân ban đầu quyết định đi du học tại Bangladesh là “vì trường là chủ yếu”. Với Mây, Bangladesh không phải nơi “lý tưởng” nếu mọi người tìm kiếm sự thoải mái, hiện đại như các nước phát triển. Nhưng trải nghiệm ở đất nước này đã đem lại cho nữ sinh góc nhìn đa chiều hơn về cuộc sống mà nếu đi đến những nơi hiện đại hơn thì Mây khó có thể trải nghiệm được.

“Có kha khá thực hành tôn giáo mình cần rất nhiều thời gian để quen là nó hiện diện trong cuộc sống (dù mình không thực hành), ví như việc cầu nguyện 5 lần 1 ngày từ các bạn, hay các ngày lễ với các nếp sinh hoạt rất khác. Nhiều khi mình cũng có những cuộc nói chuyện về tôn giáo, tâm linh với các bạn. Và không dễ để có thể tìm được điểm giao giữa những góc nhìn khá khác biệt.

Nhưng sau tất cả, mình nghĩ đó là cơ hội để mình chuyển từ một vị trí quen thuộc ở chính nền văn hóa của mình sang ‘thiểu số’ ở một nước hoàn toàn không có kết nối gì với mình. Khi ấy, mình cũng sẽ hiểu hơn cảm giác của những người ở nhóm ‘thiểu số’, hay khi phải đấu tranh với những câu chuyện mang tầng hệ thống, xã hội hay kinh tế ở một nước mới. Mình nghĩ mình đã mạnh mẽ hơn rất nhiều”, Mây kể lại.

Quỳnh Mây - cô bạn Gen Z học từ Nam Á đến châu Âu, trở thành 1 trong 30 người trên thế giới nhận học bổng Oxford toàn phần!- Ảnh 5.

Quỳnh Mây - cô bạn Gen Z học từ Nam Á đến châu Âu, trở thành 1 trong 30 người trên thế giới nhận học bổng Oxford toàn phần!- Ảnh 6.

Quỳnh Mây - cô bạn Gen Z học từ Nam Á đến châu Âu, trở thành 1 trong 30 người trên thế giới nhận học bổng Oxford toàn phần!- Ảnh 7.

Mây có cơ hội trải nghiệm văn hóa trong quá trình học tại Bangladesh

Sau quá trình học tập tại Nam Á, năm 2022, Mây tiếp tục tìm kiếm được cơ hội học tập tại Khoa Xã hội học và Nghiên cứu Xã hội của Đại học Trento (Ý) theo Chương trình Erasmus+ ICM. Đại học Trento là một trường đại học của Ý đặt tại thành phố Trento và Rovereto. Xét trên các tiêu chí về phương pháp sư phạm, chất lượng nghiên cứu, giảng dạy và quan hệ quốc tế, Trento luôn đứng trong top 5 những trường hàng đầu của Ý, theo bảng xếp hạng của Bộ giáo dục Ý.

Từ Nam Á đến châu Âu và màn “hạ cánh” tại Đại học Oxford

Tuy nhiên, hành trình học tập của Quỳnh Mây không chỉ dừng lại ở Ý, bởi nếu chỉ dừng lại ở đây thì sẽ không giống với tính cách ưa khám phá, thích trải nghiệm của cô nàng. Sau khi hoàn thành xong chương trình học tập tại Bangladesh và Ý, Mây tiếp tục tìm kiếm học bổng du học bậc Thạc sĩ, trong đó Đại học Oxford - trường đại học số 1 thế giới theo BXH Times Higher Education (THE), là nơi cô nàng muốn “hạ cánh” nhất.

Được biết, Mây chuẩn bị hồ sơ xin học bổng Weidenfeld Hoffmann bậc Thạc sĩ tại Đại học Oxford từ cuối 12/2023 đến đầu 1/2024. Hành trình để nhận được học bổng Weidenfeld Hoffmann từ Đại học Oxford quả thực rất khốc liệt. Theo đó, hầu hết các sinh viên thạc sĩ đến từ các nước đang và chưa phát triển từ nhiều ngành học có thể nộp đơn. Khi đỗ vào trường rồi, khoa (department) sẽ đề cử (nominate) sinh viên ưu tú cho quỹ học bổng. Sau đó ủy ban tuyển chọn học bổng sẽ lại lọc (shortlist) những người được đề cử để mời vào phỏng vấn. Phỏng vấn xong sẽ lọc lấy tầm 30 người cuối cùng.

Lần này, Mây vẫn “sẵn sàng nghênh chiến” với học bổng Weidenfeld Hoffmann thông qua tiêu chí nhiều KHÔNG khác: Không mentor, không có sự trợ giúp của nhiều người… Thay vào đó, Mây tự mày mò mọi thứ từ A - Z.

“Đây là quá trình mình tự làm mọi thứ và cũng là lần đầu mình nộp đơn. Mọi thứ rất căng thẳng và yêu cầu sự chỉn chu cao. Mình lại vẫn còn những trách nhiệm về việc học và làm việc khác. Nên mình đã có rất nhiều khoảng thời gian burn out (kiệt sức - PV) và phải cố học cách để cân bằng mọi thứ trở lại”, 9x tâm sự.

Quỳnh Mây - cô bạn Gen Z học từ Nam Á đến châu Âu, trở thành 1 trong 30 người trên thế giới nhận học bổng Oxford toàn phần!- Ảnh 8.

Hành trình để nhận được học bổng Weidenfeld Hoffmann từ Đại học Oxford quả thực rất khốc liệt

“Đổ mồ hôi sôi nước mắt” rồi cũng được đền đáp xứng đáng, Quỳnh Mây cuối cùng đã trở thành 1 trong 30 người trên toàn thế giới nhận được học bổng toàn phần từ chương trình Lãnh đạo và Học bổng Oxford-Weidenfeld và Hoffmann để theo học Chương trình Thạc sĩ Giáo dục (Thay đổi Xã hội và Kỹ thuật số) tại Đại học Oxford. Trước đó không lâu, nữ sinh còn được nhận vào 2 chương trình Thạc sĩ của Đại học Cambridge (Anh) cùng một số chương trình Thạc sĩ ở Áo, Đức, Bỉ, Thụy Điển...

“Thời điểm nhận thông báo đỗ vào Oxford là lúc mình mới tắm xong. Cầm điện thoại đọc mà mình run đến nỗi điện thoại trong tay muốn rơi ra. Mình còn không tin mình nhận được học bổng ấy. Mình đã viết tin nhắn rồi copy paste gửi cho nhiều người vì không thể nghĩ một phiên bản khác cho mỗi người nữa từ bạn thân mình, người nhà mình, học sinh của mình và đương nhiên là gọi ngay cho mẹ mình nữa”, Mây nhớ lại.

Đến đây nếu để ý, có một điều “đối lập” khá thú vị ở cô nàng này là từ bậc đại học đến thạc sĩ, Mây học những ngành không thật sự liên quan đến nhau. Khởi điểm là học Triết học, Chính trị, Kinh tế (PPE) tại trường Đại học Nữ Châu Á, rồi theo học tại Khoa Xã hội học và Nghiên cứu Xã hội của Đại học Trento và sau cùng là Thạc sĩ Giáo dục (Thay đổi Xã hội và Kỹ thuật số) tại Đại học Oxford. Nhưng theo Mây, không có gì là không liên quan cả, mà tất cả quy về một từ khóa: “interdisciplinary” (tính liên ngành).

“Mình sử dụng từ ‘interdisciplinary’ rất nhiều trong quá trình học và làm. Mình không nghĩ việc học nên bị bó buộc vào khuôn khổ một ngành, mọi thứ liên quan đến nhau nhiều hơn chúng ta nghĩ, và có thể có nhiều sự liên kết chúng ta không thấy được. Mình nghĩ nếu chỉ nhìn cuộc sống qua một lăng kính, mình có rất nhiều điểm mù. Vì vậy nên, mình luôn cố hết sức để giảm bớt những ‘điểm mù’ đó.

Triết, Chính Trị và Kinh tế đều cho mình những góc nhìn rất cần thiết để hiểu thế giới, hệ thống xã hội và các chính sách khác nhau. Và đồng thời nó cũng cho mình hiểu hơn sự đa dạng của con người - điều rất cần cho giáo dục. Mình đã bắt đầu với việc làm ở lĩnh vực giáo dục từ rất lâu rồi, và mình vẫn thấy được kết nối với nó. Nhưng thay vì theo giáo dục truyền thống, những kiến thức từ Triết, Chính Trị và Kinh Tế đã thôi thúc mình theo đuổi giáo dục công nghệ (digital education), cũng chính là mảng mà mình theo đuổi ở Oxford. Vì mình tin có rất nhiều vấn đề về giáo dục và xã hội sẽ được giải quyết nếu mình biết tận dụng một cách có trách nhiệm các nền tảng, công cụ và sức mạnh của công nghệ”, 9x bày tỏ.

Thế giới không được định hình bằng nhị nguyên “đúng” - “sai”

Việc học tập tại nhiều quốc gia trên thế giới giúp Mây có góc nhìn đa chiều hơn về cuộc sống. Mây quan niệm, việc bản thân tiếp xúc với hệ thống và văn hóa, cũng như con người ở các nước với mức độ phát triển khác nhau, niềm tin tôn giáo, cá nhân… khác nhau giúp nữ sinh biết khiêm nhường hơn một chút khi tranh luận hay nói chuyện.

Điều đó có nghĩa là, đôi khi ý kiến của mình chỉ đơn thuần xuất phát từ phông nền văn hóa, kinh tế xã hội, niềm tin của bản thân. Nhưng những người với những yếu tố trên khác đi có thể sẽ nghĩ rất khác. Và điều đó không đồng nghĩa với việc mọi thứ nên đưa về nhị nguyên “đúng” hoặc “sai”. Góc nhìn và cuộc sống rất là đa dạng và chúng ta chỉ là một cá thể nhỏ cần học hỏi nhiều hơn trong thế giới này.

Quỳnh Mây - cô bạn Gen Z học từ Nam Á đến châu Âu, trở thành 1 trong 30 người trên thế giới nhận học bổng Oxford toàn phần!- Ảnh 9.

Theo Mây, thế giới không được định hình bằng nhị nguyên “đúng” - “sai”

Còn về lời khuyên dành cho các bạn trẻ, Mây tâm niệm mình có thể xuất phát điểm thấp và có nhiều trở ngại để đạt được điều mình mong muốn, nhưng miễn mình vẫn đạt được nó là được. “Hoa nở muộn cũng không sao, miễn là nó nở” hay thậm chí hoa nở hay không và nở theo cách nào là tùy mỗi người định nghĩa. Nếu “không nở” thì đằng sau nó cũng có lý do của nó.

“Mình nghĩ đôi khi ngay cả không đạt được thứ mình mong muốn, thì chặng đường mình sống, hay cố gắng làm điều gì đó, hay những người mình gặp đều sẽ dạy cho mình một điều gì đó. Có thể cuối cùng mục đích không phải để đạt được thứ mình muốn, ‘để hoa nở’ mà để xem chặng đường mình sống có gì, có nên dừng lại để phản tư nhiều hơn một chút không, có nên chuyển hướng không. Đôi khi, kiên trì và thành công không nhất định là công thức. Nhưng mình tin rằng, nếu một ai thật sự muốn đạt tới một cái đích nào đấy, thì mình ủng hộ mọi người cố gắng hết sức. Vì ít nhất dưới hệ quy chiếu của mình thì, mình sợ tiếc nuối hơn thất bại”, Mây chốt lại.

Trong tương lai gần, Mây sẽ bắt đầu hành trình đến Oxford để học tập và nghiên cứu. Cô nàng sẽ tìm hiểu nhiều hơn về nhánh công nghệ (khoa học dữ liệu, máy tính, AI…) và các vấn đề liên quan khi ứng dụng vào giáo dục. Nếu mọi thứ suôn sẻ, Mây muốn tự phát triển dự án giáo dục công nghệ của riêng mình để có thể giải quyết các bài toán mình nhìn thấy.

Ảnh: NVCC

Theo ĐÔNG - DESIGN: HOÀNG SƠN

Đời sống và Pháp luật

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên