Ra Phú Quốc quản lý homestay: Chi phí xây dựng đắt đỏ, không nên kinh doanh nếu không sở hữu đất
Đa phần những cơ sở kinh doanh homestay hay khách sạn ở Phú Quốc đều làm trên đất của chủ doanh nghiệp, ít ai đi thuê lại vì chi phí đầu tư - mặt bằng cao, khả năng hoàn vốn thấp.
- 17-01-2024Bỏ phố về Đà Lạt mở homestay sau 1 năm phải đóng cửa: Doanh thu chỉ đủ trả tiền thuê nhà, mất trắng 400 triệu
- 31-12-2023Kinh doanh ở Đà Lạt 2023: Homestay không có khách trong cả tháng, có tiệm cắt giảm toàn bộ nhân viên để “sống sót”
- 15-11-2023Bỏ phố lên núi trùng tu trang trại bỏ hoang rộng 3000m2 làm homestay: Mất 6 tháng để hoàn thiện, rau củ trong vườn bao la
Chi phí đắt đỏ, cạnh tranh mở homestay cao
Tấn Phát (sinh năm 1997) đã đến và sinh sống ở Phú Quốc từ đầu năm 2022. Trước khi ra đảo, cậu bạn làm trong lĩnh vực truyền thông - công việc mơ ước - và sự nghiệp trên đà phát triển rất tốt.
“Thế nhưng Covid tới, mình ở nhà với 4 bức tường. Ngoài công việc chính mình còn nhận thêm 1 công việc với khối lượng tương đương 1 công việc toàn thời gian. Vì quá ôm đồm, mình có những chuyển biến không tốt về mặt tâm lý. Nhận thấy sức khỏe tinh thần đang ở mức báo động, mình đành phải dừng công việc tại TP Hồ Chí Minh để tìm một hướng đi mới. Đó chính là cơ duyên mình ra Phú Quốc và khởi nghiệp với homestay”.
Đây là homestay xây trên mảnh đất thuê từ người thân với vốn góp từ cậu bạn và một số người trong gia đình. Homestay xây từ 2019, ngót nghét 3 năm, đến cuối năm 2022 bắt đầu vào hoạt động. Thời điểm trước đó, theo kế hoạch sẽ có người khác vận hành homestay. Tuy nhiên, Tấn Phát đã quyết định “đổi mới" cuộc sống bằng cách về Phú Quốc sinh sống một thời gian và quản lý homestay.
Theo Tấn Phát, Phú Quốc là một hòn đảo đắt đỏ. Đắt ở đây không phải do “chặt chém” mà đến từ việc thiếu đi các nguồn lực thuận lợi để kinh doanh như trong đất liền. Phú Quốc không có cầu, phương tiện di chuyển chủ yếu là tàu và máy bay. Cả 2 phương tiện này đều đòi hỏi chi phí rất cao. Vận chuyển hàng hoá cũng trở nên đắt đỏ hơn. Bên cạnh đó, dân cư ở Phú Quốc khá thưa, muốn có lao động chuyên môn, các doanh nghiệp phải đưa người từ đất liền từ nơi khác đến và trả lương bao ăn ở. Đây có lẽ là 2 nguyên nhân chính quyết định đến giá cả ở Phú Quốc. Chi phí để xây dựng homestay cũng không hề nhỏ.
Những năm trở lại đây, sau cơn sốt đất ở Phú Quốc, giá mặt bằng tăng mạnh, cao ngất ngưởng. Đa phần những cơ sở kinh doanh homestay hay khách sạn ở Phú Quốc đều làm trên đất của chủ doanh nghiệp, ít ai đi thuê lại vì chi phí đầu tư - mặt bằng cao, khả năng hoàn vốn thấp.
Tấn Phát cho rằng Phú Quốc là mảnh đất màu mỡ và còn rất nhiều thứ có thể khai thác. Ngách rất nhiều, nhưng những người muốn ra Phú Quốc để kinh doanh cần tìm hiểu kỹ càng. Tuy nhiên, lập nghiệp ở Phú Quốc thì không nên mở homestay, vì quá cạnh tranh, đầu tư cao nhưng khả năng hồi vốn rất lâu.
Đối với homestay bình dân như của Tấn Phát, cao điểm khách du lịch thuê sẽ rơi vào tháng 12- tháng 1 vì đây là mùa nghỉ lễ của khách nước ngoài. Tháng 2 - tháng 4, sẽ rơi vào mùa kinh doanh ổn định. Từ tháng 5 - tháng 11 sẽ hơi ế ẩm một chút. Tuy nhiên vào tháng hè như tháng 7, cậu bạn sẽ đón chủ yếu là khách Việt Nam. Những tháng thấp điểm rơi vào mùa mưa bão, tỉ lệ kín phòng khoảng 10-20%.
Tấn Phát đang quản lý homestay ở Phú Quốc
Chân thành và tử tế làm kim chỉ nam kinh doanh
Hiện nay, có rất nhiều thông tin về câu chuyện giá cả ở Phú Quốc rất đắt đỏ và dịch vụ không tương ứng với mức giá. Trong câu chuyện này, Tấn Phát cho rằng bỏ qua các thành phần kinh doanh không lành mạnh, độn giá trục lợi, giá cả ở Phú Quốc đắt ngang thành phố lớn là đúng bởi vì chi phí vận chuyển, nhân công, mặt bằng ở Phú Quốc rất cao.
“Nhưng tiền nào thì của nấy! Giá cao, khách du lịch yêu cầu chất lượng dịch vụ tương xứng là điều đương nhiên. Tuy nhiên, với quan sát của mình thì các cơ sở kinh doanh ở Phú Quốc đang làm chưa tốt, giá cao nhưng chất lượng lại không tương xứng, không thoả mãn được nhu cầu khách hàng. Điều này dẫn đến việc khách hàng quay lưng. Để khắc phục tình trạng này, mình nghĩ những người kinh doanh ở Phú Quốc cần thay đổi tư duy kinh doanh hướng đến sự phát triển lâu dài chứ không thể làm theo kiểu “ăn xổi”, hét giá".
Các doanh nghiệp cần có bảng giá niêm yết một cách rõ ràng, nâng cao chất lượng dịch vụ tương xứng với giá tiền. Đặc biệt không thổi phồng hình ảnh dịch vụ dẫn đến khách hiểu lầm. Kinh doanh trong bất kỳ lĩnh vực nào cũng cần thay đổi, đổi mới để đáp ứng nhu cầu thị trường. Tuy nhiên, người làm chủ cũng cần chút kiên định về định hướng để tạo sự khác biệt.
“Làm gì mình cũng lấy chân thành và tử tế làm kim chỉ nam. Có thể mình làm không tốt, không giỏi nhưng mình chân thành, khách hàng vẫn thương. Nhiều lúc dịch vụ của mình không đáp ứng được nhu cầu hay xảy ra một số sự cố, chính nhờ sự chân thành và thành thật của mình sẽ xoa dịu được phần nào những khó chịu của khách hàng”.
Đối với những bạn muốn bỏ ra đảo kinh doanh, đầu tiền là cần trả lời được câu hỏi “tiền đâu”. Bên cạnh đó, hãy chuẩn bị cho mình một tinh thần thép. Lúc kinh doanh, ở một hòn đảo xa xôi bốn bề là biển như Phú Quốc, cậu bạn cảm thấy thật sự rất cô đơn.
Sau đó là kiến thức và kinh nghiệm. Hãy trang bị cho bản thân càng kiều kiến thức càng nhiều kinh nghiệm càng tốt. Bạn cũng cần có một tinh thần ham học, vừa làm vừa trải nghiệm tích lũy kinh nghiệm. "Thiếu cái gì học cái nấy, không biết thì lên mạng hỏi. Còn kinh nghiệm, mình nghĩ cứ làm, tích luỹ kinh nghiệm, vấp ngã rồi đứng lên. Buồn thì khóc, vui thì cười. Có những chuyện oái oăm lắm không đúng ý mình đâu, nhưng nếu tử tế thì chuyện gì cũng qua”.
Phụ nữ số