Rà soát lại việc cổ phần hóa Hãng phim Truyện Việt Nam
Chính phủ sẽ cho rà soát lại quá trình cổ phần hóa Hãng phim Truyện Việt Nam khi việc cổ phần hóa ở đây cho thấy chưa đúng hướng.
- 19-09-2017Khi cổ phần hoá hãng phim lại không vì phát triển điện ảnh
- 01-09-2017Khi thương hiệu Hãng phim truyện Việt Nam bằng 0
Sau khi không tìm được tiếng nói chung giữa lãnh đạo Công ty CP Đầu tư và Phát triển phim truyện Việt Nam với nghệ sĩ của đơn vị tại buổi đối thoại ngày 19-9 (Báo Người Lao Động có bài viết "Vivaso trả lương "sỉ nhục" nghệ sĩ"), dự kiến sáng nay, 21-9, Hội Điện ảnh Việt Nam sẽ tổ chức một cuộc gặp gỡ giữa nghệ sĩ của Hãng phim Truyện Việt Nam (VFS) với báo chí tại trụ sở 51 Trần Hưng Đạo, TP Hà Nội. Chiều cùng ngày, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam sẽ chủ trì buổi làm việc về VFS tại Văn phòng Chính phủ.
Hôm qua, 20-9, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã bất ngờ đến thị sát VFS và trò chuyện với một số nghệ sĩ của đơn vị này tại số 4 Thụy Khuê, TP Hà Nội. Đạo diễn Nguyễn Xuân Thành cho hay Phó Thủ tướng quan tâm tới tình hình VFS sau khi cổ phần hóa và cho biết Chính phủ sẽ cho rà soát lại quá trình cổ phần hóa hãng phim.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trò chuyện với nghệ sĩ Hãng phim Truyện Việt Nam Ảnh: LÊ ĐÌNH NGUYÊN
Chiều cùng ngày, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) Nguyễn Ngọc Thiện đã có buổi làm việc với ban lãnh đạo Công ty CP Đầu tư và Phát triển phim truyện Việt Nam cùng ban lãnh đạo VFS. Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện khẳng định công ty phải công khai, minh bạch các thông tin xung quanh việc cổ phần hóa VFS. Lãnh đạo Bộ VH-TT-DL yêu cầu ban chỉ đạo cổ phần hóa và công ty cần tích cực sắp xếp bộ máy, chính sách, công tác cán bộ, tiền lương; có cách điều hành, quản trị một đơn vị nghệ thuật; có các kế hoạch ngắn hạn, dài hạn cũng như đưa ra các lộ trình sản xuất tốt với mục đích có việc làm cho anh em.
Ông Nguyễn Thủy Nguyên, Tổng Giám đốc Công ty Vận tải thủy (Vivaso), đã tiếp thu nội dung chỉ đạo của lãnh đạo Bộ VH-TT-DL và cho biết sẽ thực hiện đúng cam kết với Chính phủ, với Bộ VH-TT-DL khi cổ phần hóa VFS. Ông Nguyên khẳng định không có chuyện cho thuê nhà xưởng, phòng làm việc của công ty để kinh doanh. Công ty cũng không để nhà nước gánh nợ, bù lỗ (trong trường hợp đầu tư làm phim); cố gắng nâng cao mức sống cũng như tạo công ăn việc làm cho cán bộ, nhân viên đồng thời rút kinh nghiệm sâu sắc về công tác điều hành.
Người Lao động