MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ra trận bị đánh bại, người chỉ huy cho rút quân nhưng chỉ 1 năm sau, kẻ địch tự đến đầu hàng

21-07-2019 - 06:30 AM | Sống

Bằng cách nào mà đang ở thế bại trận, vị hoàng tử lại có thể khiến kẻ thù tự tìm đến đầu hàng chỉ sau 1 năm?

1. Tự phản tỉnh

Vào thời nhà Hạ (Trung Quốc), một chư hầu làm phản là Hữu Hỗ thị dẫn quân xâm lược đất đai nhà Hạ, Hạ Vũ liền sai con trai mình là Bá Khởi dẫn quân đi nghênh chiến, kết quả là Bá Khởi bị đánh bại.

Không chấp nhận kết quả này, thủ hạ của Bá Khởi đề nghị tiếp tục tiến công nhưng ông nói:

"Không cần, quân của chúng ta đông hơn hắn, đất của chúng ta rộng hơn đất của hắn, vậy mà chúng ta lại bị hắn đánh bại, điều này nhất định là do đức hạnh của ta không bằng hắn, cách chỉ huy quân lính cũng không bằng hắn. Từ hôm nay, ta nhất định phải nỗ lực thay đổi mới được."

Kể từ đó, Bá Khởi ngày nào cũng dậy từ sớm làm việc, dùng chà thô cơm nhạt, chăm sóc bách tính, tuyển chọn người tài, tôn trọng người có phẩm đức.

Một năm sau, Hữu Hỗ thị biết chuyện, không những không dám đến xâm phạm mà còn chủ động đầu hàng.

Lời bình

Gặp thất bại và khó khăn, nếu có thể làm được như Bá Khởi, nghiêm túc, khiêm tốn kiểm điểm lại bản thân, lập tức sửa đổi khuyết điểm thì cuối cùng, thành công chắc chắn sẽ thuộc về bạn.

2. Tính quan trọng của mục tiêu

Từng có người làm một thí nghiệm thực tế như thế này:

Anh ta tổ chức 3 đội, yêu cầu mỗi đội chinh phục 3 ngôi làng khác nhau, cách điểm xuất phát 10km.

Đội thứ nhất không biết tên của ngôi làng đó, cũng không biết quãng đường cụ thể bao xa mà chỉ nói với họ rằng cứ đi theo người hướng dẫn.

Mới đi được chừng 3km, trong đội đã có người kêu mệt, đi được nửa đường thì vài người bắt đầu tức giận, họ than thở rằng tại sao lại phải đi xa như thế, khi nào mới đến nơi… Có người thậm chí còn ngồi lì bên đường không muốn đi tiếp nữa, càng đi, họ càng chán nản, cảm xúc mỗi lúc một tệ.

 Ra trận bị đánh bại, người chỉ huy cho rút quân nhưng chỉ 1 năm sau, kẻ địch tự đến đầu hàng - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Đội thứ hai biết tên ngôi làng và độ dài quãng đường nhưng bên đường không có cột mốc ghi cây số. Họ chỉ dựa vào kinh nghiệm của bản thân để đánh giá xem mình đã đi được bao xa và còn cách ngôi làng bao xa.

Đi được một nửa đường, phần lớn các thành viên trong đội đều muốn biết họ đã đi được bao xa, một người có kinh nghiệm lên tiếng: "Chúng ta đã đi được nửa đường rồi."

Và thế là mọi người lại động viên nhau tiếp tục đi về phía trước.

Khi đi được ¾ quãng đường, mọi người bắt đầu thấy chán và cảm thấy mệt dã dời mà đường thì có lẽ vẫn còn khá dài, bất ngờ một người nói: "Sắp đến nơi rồi!"

Nhờ câu nói ấy, mọi người như được tiếp thêm động lực, tăng tốc tiến về đích.

Đội thứ ba không chỉ biết tên ngôi làng, khoảng cách từ điểm xuất phát đến ngôi làng và trên đường, cứ mỗi km lại có một cột mốc.

Mọi người vừa đi vừa nhìn cột mốc bên đường, cứ mỗi lần rút ngắn được 1km đường đi, họ lại có thêm một niềm vui nho nhỏ. Trên hành trình của mình, vừa đi họ vừa dùng tiếng hát, tiếng cười xua tan mệt mỏi, cảm xúc vì thế mà vui vẻ hưng phấn. Họ cũng là đội đến đích nhanh nhất.  

Lời bình

Khi con người chúng ta hành động và có mục tiêu cụ thể, đồng thời thường xuyên đối chiếu giữa hành động thực tế với mục tiêu, nắm rõ tốc độ tiến hành của bản thân còn cách mục tiêu bao xa, động cơ của hành động sẽ được duy trì và gia cố thêm vững chắc, từ đó, con người sẽ tự giác khắc phục mọi khó khăn và nỗ lực đạt được mục tiêu đã đề ra.

Còn khi hành động mà không có bất cứ mục tiêu cụ thể nào được vạch ra, cũng không có cơ sở nào để căn cứ đối chiếu, nó sẽ khiến con người ta dễ rơi vào trạng thái mông lung mù mịt, không có phương hướng.

Việc này dễ khiến con người nhanh nản chí và lãng phí 4 thứ quan trọng trong đời, đó là thời gian, công sức, tiền bạc và cảm xúc tích cực trong suốt cả quá trình hành động mà không có mục tiêu rõ ràng đó.

Theo Nguyễn Nhung

Trí thức trẻ

Trở lên trên