Ra trường đi làm 1 tháng đã thăng chức, được xem là thiên tài, người trẻ muốn sự nghiệp phất như diều hãy học cách của cố chủ tịch tập đoàn Daewoo
Khả năng làm cho Daewoo lớn mạnh của Kim Woo Choong chính là nhờ quá trình đổi mới cách quản lý cả ở quy mô lớn và nhỏ.
- 10-04-2020"Người kém nhất trong công ty vừa được thăng chức làm quản lý": Người chăm chỉ đang nỗ lực trong âm thầm, chẳng qua bạn không hay biết mà thôi
- 25-03-2020Bỏ vị trí nhỏ của tập đoàn lớn để thăng chức ở công ty nhỏ, tôi từng thầm mừng vì đi đúng đường cho tới khi... dịch bệnh ập đến
- 14-02-2020Cách quản lý và sử dụng nhân tài của ông chủ Hawei kích thích nhân viên tận lực cống hiến: Áp dụng văn hoá Chó Sói, thăng chức nhảy vọt cho người xứng đáng...
Kim Woo Choong (1936 -2019), cựu chủ tịch, sáng lập viên Tập đoàn Daewoo, có thể được ghi nhận là một trong những nhân vật mâu thuẫn nhất trong lịch sử Hàn Quốc hiện đại. Ông là một người hiểu về kinh doanh toàn cầu, thâm nhập bạo dạn vào thị trường nước ngoài trong thập kỉ 70.
Với sự chăm chỉ và hoạt động kinh doanh không ngừng nghỉ, Cựu chủ tịch Daewoo từ việc mua một công ty dệt may nhỏ vào cuối những năm 1960 và 30 năm sau xây dựng nó trở thành tập đoàn công nghiệp lớn thứ hai Hàn Quốc và là một trong những tập đoàn có tên tuổi trên thế giới, góp phần vào đưa kinh tế Hàn Quốc phát triển.
Tố chất năng động, sáng tạo của ông được phát huy ngay sau khi tốt nghiệp đi học và đi làm. Trong cuốn tự truyện Thế giới quả là rộng lớn và có nhiều việc phải làm, ông từng bật mí cách giúp người trẻ dàn xếp công việc hiệu quả, từ đó dễ dàng thăng tiến trong sự nghiệp. Ông viết:
Lần đầu tiên đi làm sau khi tốt nghiệp đại học, tôi chịu trách nhiệm dàn xếp với một ngân hàng về một công ty mới mang tên Hansung Industrial. Đây là công việc khá dễ dàng: Tất cả những gì tôi phải làm là gửi hồ sơ của công ty cho bên ngân hàng, nơi hoặc chấp nhận hồ sơ để gửi lên cấp trên phê chuẩn hoặc sẽ trả lại. Nếu hồ sơ bị trả lại, công ty sẽ phải có những thay đổi cần thiết và tôi chỉ việc gửi lại hồ sơ lần nữa.
Tuy nhiên, người đảm đương vị trí này trước khi tôi đầu quân cho công ty đã có một thời kỳ không suôn sẻ với công việc. Anh ấy mất rất nhiều thời gian trong ngày chạy đi chạy lại giữa công ty và ngân hàng. Mỗi lần soạn thảo tài liệu để đưa tới ngân hàng cũng mất chút thời gian, và nếu hồ sơ bị trả lại, anh ấy sẽ càng mất thời gian hơn. Vì thế chỉ ít lâu sau khi tôi tiếp quản công việc, tôi đã cẩn thận xem xét toàn bộ các quy trình để phát hiện vấn đề. Tôi trở thành người chuyên dàn xếp.
Tôi quyết định rằng bước đầu tiên là thiết lập mối quan hệ gần gũi với các cô gái ở ngân hàng chuyên làm nhiệm vụ nhận hồ sơ, bởi vì chính họ là những người quyết định xem liệu hồ sơ có được lên cấp trên để phê chuẩn hay không. Nếu không may có một lỗi nhỏ, các cô có thể chỉnh sửa và cứ thế gửi hồ sơ đi. Nhưng cũng có sự cạnh tranh ở đây: Rất nhiều công ty cũng nộp những hồ sơ tương tự, và hồ sơ của bạn càng nằm ở phía dưới trong chồng hồ sơ thì công ty của bạn càng phải đợi lâu mới được phê chuẩn.
Thời điểm đó, chúng tôi có một nhà kho chất kín vải Italia nhập khẩu không bán được, và người chịu trách nhiệm về nhà kho lại không quan tâm đến tình hình. Cho nên tôi kết hợp hai thứ: Vải vẫn nằm đó, và số phụ nữ ở ngân hàng có thể thích loại vải này. Tôi đoán rằng khi bán số vải này cho các cô gái với giá rẻ, tôi sẽ làm lợi cho công ty ở nhiều phương diện:
Mỗi ngày số vải còn tồn trong nhà kho thì công ty không chỉ mất lợi nhuận tiềm năng mà còn cả lãi suất tiềm năng từ số lợi nhuận đó. Số vải gây ấn tượng với những phụ nữ ở ngân hàng đến mức thậm chí họ còn rủ bạn bè của họ tới mua. Họ thích cả loại vải mới lẫn giá cả, đồng thời chúng tôi giải quyết được hàng tồn kho của công ty. Từ đó trở đi, hồ sơ mà tôi mang tới ngân hàng luôn nhận được ưu tiên hàng đầu của những phụ nữ ở đây.
Vấn đề thứ hai là tôi vẫn vướng bận với rất nhiều công việc giấy tờ mà tôi nghĩ có thể cắt giảm một nửa. Việc này cũng dễ dàng hoàn thành hơn tôi nghĩ. Các loại công văn giấy tờ rất hạn chế, và mỗi loại tài liệu chỉ có vài con số thay đổi. Tất cả những chi tiết khác đều cố định: tên công ty, dấu của người làm đơn, địa chỉ v.v... Vì thế, bất kỳ khi nào có thời gian rảnh, tôi chỉ việc chuẩn bị thật nhiều công văn từ trước. Sau đó, tất cả những gì công ty phải làm là điền các con số và ngày tháng.
Mọi thứ được cải thiện, nhưng còn một vấn đề nữa: Tôi vẫn phải tới ngân hàng vài lần một ngày. Nhờ chịu khó tìm hiểu, tôi phát hiện ra rằng chỉ cần hai lần đi lại mỗi ngày, một lần buổi sáng và một lần buổi chiều. Người tiền nhiệm của tôi trong công việc này chưa bao giờ dành thời gian lưu tâm tới một điều quan trọng – các tài liệu nộp lên ngân hàng vào buổi sáng được phê chuẩn vào cuối buổi chiều và tài liệu nộp buổi chiều được phê chuẩn vào sáng hôm sau.
Không nhận ra chi tiết này, anh ấy phải bỏ ra cả ngày chạy đi chạy lại tới ngân hàng để mang tài liệu mới tới đó mỗi lần. Anh ấy thuần tuý làm đúng những gì được người tiền nhiệm hoặc cấp trên dạy, và anh ấy không bao giờ nghĩ đến việc đổi mới để tiết kiệm thời gian, tiền bạc và thậm chí cả da giày của mình. Cho nên tôi quyết định thay đổi cách thức làm việc để khớp với thời gian biểu của ngân hàng.
Chỉ một tháng sau khi nhận công việc, tôi được thăng chức và được khen ngợi như là một thiên tài. Thời đó, thăng chức được xem là một kỳ công thật sự đối với một nhân viên mới. Nhưng thành công lần đầu xuất hiện của tôi là nhờ khả năng nhận thức được vấn đề và cải thiện tình hình hiện tại. Qua nhiều năm, tôi tiếp tục rèn luyện khả năng giải quyết vấn đề và nâng cao năng lực của mình trong đổi mới cách tân. Tôi có thể tự tin nói rằng khả năng làm cho Daewoo lớn mạnh như thế chính là nhờ quá trình đổi mới cách quản lý cả ở quy mô lớn và nhỏ.
Đổi mới không phải là điều gì đó chỉ áp dụng với kinh doanh. Nó có thể áp dụng cho quá trình học tập của các bạn và cho mọi khía cạnh của cuộc sống. Nếu các bạn có một môn học mà các bạn không thích ở trường thì vấn đề không phải là môn học ấy mà có lẽ là cách bạn tiếp cận với nó. Cho dù vấn đề là gì thì vẫn luôn có cách giải quyết.
Bạn không thể hoàn toàn hiểu rõ được logic hoặc các nguyên tắc của một môn học chỉ bằng việc hiểu ngôn từ hoặc câu văn. Bạn cũng không thể hiểu được bằng cách học thuộc lòng.
Hiểu biết bắt đầu hình thành nhờ hứng thú liên tục, đắm mình vào đó và nhận thức một cách chi tiết. Hứng thú thoáng qua và những quan sát hời hợt hoàn toàn vô dụng, chúng không bao giờ dẫn tới sự đổi mới. Tôi không bao giờ quên tầm quan trọng của đổi mới.
Nhịp sống kinh tế