MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ra trường với tấm bằng trung bình, tôi vẫn thành công hơn nhiều bạn bè bằng giỏi

28-02-2017 - 12:00 PM | Sống

Từng là một học sinh cá biệt với điểm số thuộc loại kém, từng là nỗi lo của cha mẹ vì không thể ra trường, thế nhưng ai biết rằng ra trường đời tôi lại thành công hơn cả.

Đa số bạn bè tôi đều cho rằng học hành chăm chỉ và tốt nghiệp với bảng điểm loại A sẽ đảm bảo một công việc tốt sau này, nhưng tôi đã làm được điều ngược lại.

Tất nhiên, khi bạn ra trường đời, mọi vị trí công việc đều yêu cầu bạn có tấm bằng đại học, nhưng tôi cá là chẳng mấy ai nhìn vào bảng điểm của bạn đâu. Sau khi bạn tốt nghiệp, đa phần là nhà tuyển dụng chỉ quan tâm tới kiến thức và kỹ năng thực tế của bạn, chứ không phải dãy điểm số khô khan kia.

Tôi từng là một học sinh cá biệt với bảng điểm toàn C và D. Tôi từng là “nỗi lo” của cha mẹ và thầy cô vì họ sợ rằng tôi thậm chí không thể tốt nghiệp ra trường, chứ đừng nói đến xin việc làm.

Thế nhưng giờ đây tôi đã trở thành CTO (giám đốc công nghệ) của một trong những tập đoàn công nghệ lớn, còn cậu bạn điểm A ngày nào đang là... nhân viên dưới quyền tôi.

Tôi biết mình muốn gì từ rất sớm

Thành thực mà nói, tôi là một học sinh cá biệt. Tôi không dành nhiều thời gian để tham dự tất cả các buổi học ở trường. Tôi nghĩ đơn giản rằng, nếu mục tiêu của bạn là trở thành một kỹ sư thì chẳng việc gì bạn phải ngồi viết hàng trăm bài luận nhạt nhẽo về chủ đề lịch sử hay văn hoá.

Tôi bỏ rất nhiều tiết học mà mình thấy không hứng thú. Thay vào đó, tôi tập trung vào những môn liên quan đến nghề kỹ sư sau này. Tôi đã bị ảnh hưởng rất nhiều bởi Steve Jobs – “huyền thoại” Apple. Ông ấy chưa từng tốt nghiệp đại học nhưng lại đưa Apple trở thành gã khổng lồ trong làng công nghệ thế giới. Và tôi luôn ấn tượng với câu nói của ông: “Cách duy nhất để thành công là hãy yêu những việc bạn đang làm, đừng cố bắt chước người khác”.

Tôi tích luỹ kinh nghiệm trước tiên

Ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, tôi đã đi làm thêm cho một công ty IT để lấy kinh nghiệm; trong khi bạn bè vẫn chăm chỉ ngày ngày cắp sách đến lớp. Bảng điểm của tôi lẹt đẹt vì môn nào cũng mất điểm chuyên cần, điểm thi cũng không cao do tôi nghỉ học quá nhiều.

Nhưng thay vào đó, tôi đã học được những kinh nghiệm quý giá và tôi biết rằng để trở thành một kỹ sư, bạn có thể không cần bằng cấp, nhưng nhất định không thể thiếu kinh nghiệm thực tế.

Tôi bắt đầu xây dựng các mối quan hệ

Trong khi cậu bạn điểm A vẫn đang vật lộn với các môn lịch sử, triết học... chẳng cần thiết thì tôi đã gặp và xây dựng mối quan hệ với hàng trăm người bên ngoài xã hội. Tôi học hỏi ở họ không chỉ kiến thức, kỹ năng mà cả cách giao tiếp và ứng xử vốn rất cần thiết cho công việc sau này.

Tôi đã quen đối mặt với thất bại

Là một học sinh điểm C, tôi luôn bị bủa vây bởi những lời than phiền và trách mắng. Về nhà thì bố mẹ buồn rầu lo tôi không thể kiếm được việc làm sau khi ra trường; lên lớp thì thầy cô sợ rằng tôi không thể tốt nghiệp, thi trượt rồi thi lại, bảng điểm lẹt đẹt toàn C và D...

Cứ như thế, cuộc sống của tôi đã quá quen thuộc với những thất bại và tôi chẳng có gì phải sợ nữa. Tôi cứ thế tiến thẳng về phía trước.

Tôi hưởng thụ cuộc sống

Khi còn đi học, tôi thường xuyên tham dự các buổi tiệc tùng và hội nhóm. Đến khi đi làm, tôi vẫn tiếp tục như vậy, năng nổ trong mọi hoạt động, tiệc tùng của công ty. Tôi được đồng nghiệp và sếp đánh giá là một người nhanh nhẹn, vui tính, dễ gần và có khả năng lãnh đạo.

Sau đó, tôi bắt đầu được đề bạt lên những vị trí cao hơn nhờ kinh nghiệm làm việc và cả kỹ năng sống của mình.

Tôi luôn tìm kiếm những giải pháp đơn giản

Bill Gates là một trong những người thành công chưa bao giờ công khai bảng điểm của mình. Nhưng khi lãnh đạo Microsoft, ông luôn tìm cách đưa Microsoft trở thành Tập đoàn công nghệ số 1 thế giới. Bill Gates cũng chưa từng nhìn vào điểm số hay bằng cấp để đánh giá nhân viên.

Ông nói: “Tôi luôn chọn người lười để làm những công việc khó, bởi tôi biết anh ta sẽ tìm ra cách dễ nhất để hoàn thành chúng”. Tôi thừa nhận mình là một kẻ lười khi luôn tìm kiếm những giải pháp đơn giản.

Theo Nhật Minh

Trí thức trẻ

Trở lên trên