Rắc rối ập đến với "Amazon Hàn Quốc": Hình tượng "thế hệ tỷ phú mới" của nhà sáng lập lung lay, ứng dụng bị tẩy chay, có lúc mất 700.000 người dùng trong 1 ngày
"Các doanh nhân tự thân đang dần trở thành một phần của tầng lớp hưởng nhiều đặc quyền đặc lợi", giáo sư Park Sangin của ĐH quốc gia Seoul nói. "Họ trở thành 1 loại chaebol mới".
- 19-08-2021Sự thật đau lòng sau con số 6 triệu người Hàn Quốc đăng ký kinh doanh mới: Không thể xin được việc, đành 'startup', nợ nần, loay hoay tìm lối thoát
- 13-08-2021"Thái tử Samsung" được ra tù sớm: Covid-19, cuộc khủng hoảng thiếu chip và thế tiến thoái lưỡng nan của Tổng thống Hàn Quốc
- 12-08-2021Các chaebol 'thất thế', Hàn Quốc chứng kiến sự trỗi dậy của thế hệ tỷ phú mới: sáng tạo, tự làm giàu, trở thành tia hy vọng cho giới trẻ
Biểu tượng của thế hệ tỷ phú mới
Sau khi tích lũy được số tài sản khổng lồ 8,9 tỷ USD nhờ sự thành công rực rỡ của Coupang, startup được mệnh danh là "Amazon của Hàn Quốc", Bom Kim đã trở thành biểu tượng cho 1 thế hệ tỷ phú mới ở xứ sở kim chi. Đó là những tỷ phú tự thân làm giàu từ lĩnh vực công nghệ thay vì dựa vào các tập đoàn gia đình lâu đời.
Không chỉ khác biệt về nguồn gốc tài sản, thế hệ tỷ phú mới còn được đánh giá là sẵn sàng cống hiến cho xã hội và quan tâm nhiều hơn đến đời sống của nhân viên. Ví dụ, Coupang đã cam kết sẽ thưởng cổ phiếu cho các nhân viên và những người giao hàng tuyến đầu với quy mô lên đến 90 triệu USD khi công ty niêm yết cổ phiếu trên sàn New York hồi tháng 3.
Tuy nhiên, vài tháng sau vụ IPO đình đám, gã khổng lồ thương mại điện tử của Hàn Quốc lại đang đứng trước rất nhiều áp lực vì vướng vào một loạt tranh cãi. Thậm chí người dân Hàn Quốc đang xem xét lại thái độ của họ đối với tỷ phú Bom Kim và công ty của anh.
Coupang đối mặt với những chỉ trích từ các liên đoàn lao động và cả khách hàng về điều kiện làm việc sau sự cố cháy nổ có thiệt mạng về người tại 1 nhà kho của hãng hồi tháng 6. Sau vụ cháy, hãng bị tẩy chay và có lúc lượng người dùng thường xuyên trên ứng dụng đã giảm tới hơn 700.000 người. Công chúng càng giận dữ hơn khi cùng ngày xảy ra vụ cháy Coupang lại thông báo Kim sẽ rời khỏi vị trí dẫn dắt thị trường Hàn quốc – động thái bị coi là trốn tránh trách nhiệm.
"Các doanh nhân tự thân đang dần trở thành một phần của tầng lớp hưởng nhiều đặc quyền đặc lợi", giáo sư Park Sangin của ĐH quốc gia Seoul nói. "Họ trở thành 1 loại chaebol mới".
Phía Coupang cho biết họ "quan tâm sâu sắc đến phúc lợi dành cho tất cả các nhân viên" và "nghiêm túc chịu trách nhiệm bảo vệ sức khỏe cũng như sự an toàn của họ". Coupang đang cố gắng nâng cao mức độ bình đẳng tại công sở bằng cách "thưởng lượng lớn cổ phiếu cho nhân viên" và đóng góp cho xã hội bằng cách hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Các tỷ phú trên thế giới không còn xa lạ gì với những lời chỉ trích nhằm vào số tài sản khổng lồ của họ. Jeff Bezos thường xuyên bị phàn nàn về điều kiện làm việc ở Amazon và về việc sa thải những nhân viên đã tổ chức biểu tình chống lại công ty. Mark Zukerberg thì bị chỉ trích về tầm ảnh hưởng ngày càng lớn của mạng xã hội Facebook đối với cả đời sống xã hội và nền chính trị.
Tuy nhiên, tình hình ở Hàn Quốc có lẽ sẽ nghiêm trọng hơn. Trong lúc hình ảnh của các chaebol bị xấu đi bởi nhiều vụ bê bối chấn động, người dân Hàn Quốc đang tràn trề hi vọng về 1 thế hệ doanh nhân mới hoàn toàn khác biệt và sẵn sàng đóng góp cho xã hội. Ví dụ, Brian Kim, nhà sáng lập ứng dụng nhắn tin đình đám Kakao Talk và hiện là tỷ phú giàu nhất Hàn Quốc, đã cam kết cho đi phần lớn tài sản.
Giờ đây câu hỏi dành cho Coupang là liệu hoạt động kinh doanh có bị ảnh hưởng hay không. Trong quý II, mức lỗ ròng đã tăng lên sau khi mạnh tay đầu tư để mở rộng hoạt động. Vụ cháy đã phá hủy một trung những kho hàng lớn nhất của Coupang. Đóng cửa phiên hôm qua (19/8), cổ phiếu Coupang đã giảm 7,5% so với mức giá IPO trong khi chỉ số S&P 500 tăng trưởng 13% trong cùng kỳ. Trừ khi cải thiện đáng kể văn hóa nội bộ, hãng sẽ đối mặt với 1 cuộc khủng hoảng khác, theo Suh Yonggu, giáo sư marketing tại ĐH Sookmyung.
Năm nay 42 tuổi, Kim sinh ra ở Hàn Quốc nhưng sang Mỹ định cư từ khi còn bé và đã có quốc tịch Mỹ. Năm 2010, anh quay trở lại Hàn Quốc và lập ra Coupang sau khi bỏ học ở ngôi trường danh tiếng Harvard.
Hiện Coupang là ứng dụng mua sắm phổ biến nhất và cũng là một trong những công ty sử dụng nhiều lao động nhất ở Hàn Quốc. Năm ngoái doanh thu của Coupang tăng gấp đôi lên 12 tỷ USD nhờ nhu cầu mua sắm trực tuyến tăng vọt trong đại dịch.
Được hậu thuẫn bởi tập đoàn Softbank của tỷ phú Nhật Bản Masayoshi Son, Coupang đã huy động được 4,6 tỷ USD sau vụ IPO dù thua lỗ trong nhiều năm. Mặc dù tài sản của Kim đã giảm xuống trong thời gian gần đây, hiện anh vẫn sở hữu 5,7 tỷ USD theo chỉ số Bloomberg Billionaires Index.
Mất 700.000 người dùng trong 1 ngày
Ngày 17/6, 1 đám cháy bùng lên ở nhà kho tại Icheon và 1 người lính cứu hỏa đã thiệt mạng. Theo truyền thông đưa tin, hình ảnh trích từ CCTV cho thấy nguyên nhân đám cháy là do chập điện. Hơn nữa thiết bị phun nước cứu hỏa đã không hoạt động ngay lập tức.
Cảnh sát đã bắt giữ vài nhân viên của 1 công ty phụ trách an toàn điện và phòng cháy chữa cháy của nhà kho, buộc tội họ cố tình tắt chuông chữa cháy. Vụ điều tra kết thúc vào cuối tháng 7 vừa qua.
Vụ cháy thổi bùng làn sóng tẩy chay các dịch vụ của Coupang. Hôm 26/6, số người dùng thường xuyên trên ứng dụng di động của hãng đã giảm từ 8,6 xuống còn 7,9 triệu theo dữ liệu của công ty nghiên cứu Mobile Index. Đến nay con số đã hồi phục trở lại và tuần trước Coupang thông báo trong quý II số khách hàng đã mua hàng trên app tăng 26% so với cùng kỳ năm trước, lên 17 triệu.
Heyon-woo Lee (34 tuổi) đã ngừng sử dụng Coupang sau vụ cháy. Ban đầu anh là 1 "fan cứng" vì nghĩ rằng công ty đối xử thỏa đáng với người lao động nhưng giờ thì anh hoài nghi về điều đó. "Tôi hài lòng với dịch vụ của Coupang nhưng nếu họ đối xử tệ với người lao động thì tôi không muốn sử dụng nữa".
Coupang bị chỉ trích là đã bóc lột người lao động để đem lại sự tiện lợi cho khách hàng. Đáp lại, hãng cho biết vẫn đang giảm tải áp lực cho nhân viên dù số giờ làm việc của nhân sự trong ngành logistics đang tăng lên nhanh chóng. "Trung bình nhân viên tuyến đầu chỉ làm việc dưới 50 giờ mỗi tuần trong khi trong ngành logistics thì 72 giờ/tuần là mức bình thường. Chúng tôi có thể làm được điều này nhờ sử dụng công nghệ và mạng lưới hơn 100 trung tâm logistics trên khắp cả nước", Coupong cho biết.
Tuy nhiên hầu hết các nhà kho không có hệ thống điều hòa hay lò sưởi, chỉ sử dụng vài chiếc quạt và máy lưu thông không khí, theo chia sẻ của Min Byeong-jo, người làm việc tại 1 nhà kho ở ngoại ô Seoul. Nhân viên cũng không được mang điện thoại vào chỗ làm. Min cho rằng họ bị đối xử giống như những chiếc máy. "Đối với Coupang, sản phẩm là điều quan trọng nhất".
Theo công đoàn của Coupang, kể từ đầu năm ngoái 9 công nhân trong đó có 2 nhà thầu phụ đã thiệt mạng trong khi đang làm việc. Coupang nói rằng trong khi ngành logistics Hàn Quốc có hơn 1.300 ca tử vong liên quan đến công việc trong 10 năm qua thì hãng chỉ có 1. Coupang đã chi 200 triệu USD và thuê 600 nhân viên giám sát an toàn để cải thiện sức khỏe và môi trường an toàn cho nhân viên.
Một trong những trường hợp tử vong được thừa nhận chính thức là Jang deuk-jun, 27 tuổi. Tháng 10 năm ngoái, Jang lên cơn đau tim sau khi từ nhà kho ở Daegu trở về nhà. Kết quả điều tra cho thấy Jang đã làm việc quá sức, trong 1 tuần trước khi chết đã làm việc hơn 62 tiếng. Người phát ngôn của Coupang cho biết thực tế chỉ là 48,5 giờ nhưng cơ quan điều tra đã tính hệ số 1,3 đối với mỗi giờ làm việc ban đêm.
Coupang đã xin lỗi và hứa hỗ trợ gia đình Jang. Tuy nhiên mẹ của Jang, bà Park Mi-sook, cho biết nhiều tháng đã trôi qua sau khi cuộc điều tra kết thúc nhưng bà vẫn chưa nhận được bất kỳ khoản bồi thường nào.
Hồi tháng 5, Coupang triển khai Coupang Care, thứ mà công ty gọi là chương trình hỗ trợ sức khỏe đầu tiên ở Hàn Quốc mà các nhân viên bị huyết áp cao hay tiểu đường có thể nghỉ tới 4 tuần mà vẫn được trả lương, để dành thời gian đó chăm sóc sức khỏe của họ.
Tham khảo Bloomberg