Rắc rối trên thị trường gạo thế giới khi việc vận chuyển từ Ấn Độ chậm trễ đúng lúc nhu cầu tăng mạnh
Thị trường gạo thế giới đang chật vật vì việc vận chuyển gạo từ các cảng biển chính bị chậm trễ do thiếu container đúng vào thời điểm có xu hướng nhiều nước trên thế giới gia tăng tích trữ gạo - môt trong những loại lương thực thiết yếu.
- 06-01-2021Giá gạo dự báo tăng tiếp vì Bangladesh có thể sẽ nhập khẩu tới 2 triệu tấn
- 05-01-2021Việt Nam mua gạo Ấn Độ lần đầu tiên trong vòng nhiều thập kỷ
- 02-01-2021Giá gạo Việt Nam vượt đỉnh 9 năm, gạo Ấn Độ và Thái Lan vẫn cao nhất nhiều tháng
Việc vận chuyển gạo khó khăn cho thấy đại dịch Covid-19 đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến thương mại hàng hóa toàn cầu.
Tại Ấn Độ và Thái Lan - hai nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, tình trạng giao hàng chậm đang diễn ra rất nghiêm trọng.
Ở Ấn Độ, việc vận chuyển gạo bị chậm thêm đến 4 tuần so với trước kia, theo thông tin từ giám đốc điều hành của một công ty kinh doanh gạo hàng đầu thế giới có trụ sở ở Singapore.
Các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan dự báo xuất khẩu gạo năm 2021 sẽ tiếp tục giảm, sau khi đã giảm 28% trong 11 tháng đầu năm 2020, chủ yếu do vấn đề hậu cần (cụ thể là thiếu container) và giá gạo quá cao so với các đối thủ khác.
Trong khi đó, đại dịch Covid-19 đã làm "bùng phát" nhu cầu mua nông sản, từ gạo đến đậu tương, ngô, thịt… trên toàn cầu.
Trung Quốc, nước tiêu thụ gạo lớn nhất thế giới, tháng 12 vừa qua đã phải mua gạo Ấn Độ lần đầu tiên sau 3 thập kỷ. Việt Nam là nước xuất khẩu gạo lớn thứ 3 thế giới nhưng mới đây cũng đã phải nhập khẩu gạo Ấn Độ lần đầu tiên trong vòng nhiều thập kỷ.
Stephen Innes, Giám đốc chiến lược thị trường toàn cầu của công ty môi giới Axi cho biết: "Xu hướng tích trữ lương thực trên toàn cầu đã xuất hiện từ cuối năm ngoái, và giờ đây vẫn chưa hết nóng, và việc Việt Nam bất ngờ mua gạo Ấn Độ cho thấy chuỗi cung ứng lương thực "tinh vi" đến mức nào".
Tuy nhiên, theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, dự trữ gạo thế giới năm 2020/21 dự báo sẽ tăng lên mức cao nhất mọi thời đại, là 178,2 triệu tấn, cho thấy thị trường gạo thế giới đang nóng lên chủ yếu do những vấn đề liên quan đến hậu cần và người tiêu dùng mua chủ yếu để tích trữ.
Giám đốc Innes cho biết: "Dựa theo thông tin về dự trữ gạo thế giới thì những rắc rối của thị trường gạo hiện nay không phải là quá lớn. Nhưng tình trạng thiếu container để vận chuyển gạo và sự chậm trễ tại các cảng biển Ấn Độ cũng rất đáng lo nại".
Giá gạo tại Thái Lan tháng 4/2020 đã tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2013 khi Ấn Độ phong tỏa toàn quốc để ngăn chặn sự lây lan của virus Covid-19 (mặc dù lúc đó Ấn Độ cũng không hạn chế xuất khẩu gạo). Đến nay giá gạo Thái Lan vẫn đang cao hơn 19% so với cùng kỳ năm trước, loại 5% tấm là 513 USD/tấn.
Tương tự, gạo cùng loại của Việt Nam tuần trước cũng đã tăng lên 502,50 USD/tấn (5% tấm) do lo ngại xuất khẩu giảm giữa bối cảnh nguồn cung thắt chặt trước vụ thu hoạch mới - cao điểm vào tháng 2/2021.
Điều đó khiến cho người mua không có nhiều lựa chọn ngoài cách tìm mua gạo Ấn Độ - nơi gạo cùng loại có giá chỉ 384 USD/tấn.
Hiện cảng Kakinada ở phía đông nam Ấn Độ đang có 20 con tàu chờ bốc xếp hàng.
Ông Himanshu Agarwal, giám đốc điều hành của Satyam Balajee - nhà xuất khẩu gạo lớn nhất Ấn Độ - cho biết, hiện không có container để vận chuyển hàng. Trong khi đó, diện tích của các cảng biển hạn chế nên gây ra tình trạng tắc nghẽn ở cảng Kakinada.
Các khách mua gạo ở Châu Phi có thể sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất do chi phí vận chuyển tăng kết hợp với giá gạo tăng.
"Họ chủ yếu là những người mua nhỏ lẻ, mua gạo từ các container. Cước phí vận chuyển container từ Ấn Độ đến Châu Phi, tùy thuộc vào từng quốc gia, đã tăng lên 150 USD/tấn, từ 50 USD/tấn hồi tháng 11", hãng kinh doanh gạo ở Singapore cho biết .
Ngay cả những quốc gia thường tự cung tự cấp gần đủ gạo thì nay cũng phải nhập khẩu, làm gia tăng mạnh áp lực về nhu cầu.
Nhập khẩu gạo của Bangladesh có thể tăng lên 2 triệu tấn trong năm kết thúc vào tháng 6/2021, cao nhất trong vòng 3 năm trở lại đây, do giá nội địa tăng lên mức cao nhất mọi thời đại vì nguồn cung khan hiếm. Bangladesh là nhà sản xuất gạo lớn thứ 3 thế giới với sản lượng khoảng 35 triệu tấn, nhưng cũng chỉ đủ lương thực cho hơn 160 triệu dân.
Tham khảo: Refinitiv, Economictimes