Rác thải nhựa sẽ được tái chế thành vật liệu phục vụ xây dựng
Rác thải nhựa sẽ được tái chế bởi một doanh nghiệp hàng đầu về công nghệ môi trường tại Hà Lan là UpCycling Plastic xử lý để tạo ra những mảnh ván lát sàn, ban công, lát đường đi bộ, lát thềm bể bơi, cầu cảng của một khu đô thị tại Phú Quốc.
Nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Vương quốc Hà Lan Mark Rutte, ngày 11/4 đại diện Công ty UpCycling Plastic (Hà Lan) và Công ty CP Toàn Hải Vân (thuộc TTC Land) đã ký biên bản hợp tác và triển khai về việc xây dựng nhà máy xử lý chất thải nhựa tuần hoàn trên đảo Phú Quốc.
Theo nội dung ký kết và triển khai, 2 đơn vị ký kết sẽ cho ra đời một liên doanh có mục tiêu cuối cùng là chuyển đổi chất thải nhựa trên đảo thành hàng hóa sản phẩm được sử dụng để xây dựng các resort, khách sạn, khu nghỉ dưỡng trên đảo hoặc cơ sở hạ tầng…. Liên doanh này sẽ xử lý rác thải nhựa từ biển, bãi biển, bãi rác … từ đó đóng góp cho một thế giới sạch hơn, xanh hơn.
Được biết, trong giai đoạn 1 của dự án, sẽ xây dựng một nhà máy thí điểm với 1 đến 2 dây chuyền sản xuất để xử lý chất thải nhựa thành vật liệu xây dựng cơ bản như gạch vỉa hè hoặc ngói lợp hoặc ván & cột. Nhà máy sẽ khởi động chậm nhất vào tháng 11/2019, quy mô ngày càng mở rộng (công suất 3.000-4.000 tấn/năm vào năm 2020) và thành lập một "Trung tâm sản xuất và tái chế nhựa tuần hoàn" trên đảo Phú Quốc và một số địa phương khác phù hợp.
Quy trình công nghệ tuần hoàn của UpCycling Plastic được EU đánh giá là công nghệ đột phá, tối tân được mô tả gồm nhiều công đoạn:
Sorting-washing-milling (phân loại -rửa-xay) - Aglomeration-conglomeration-pelletizing (kết tụ - kết dính – viên) - Extrusion, flatbed-extrusion, co-extrusion (ép đùn, ép đùn phẳng, ép đồng đùn) - Intrusion (combination of extrusion and intrusion to make e.g. planks & poles) xâm nhập (kết hợp giữa đùn và xâm nhập để tạo ra các tấm ván & cột) - Injection moulding (ép phun) - Blow-moulding (đúc thổi) - Rotational-moulding (đúc quay) 3D-printing (In 3D) – Others (Một số công đoạn khác).
Chia sẻ tại buổi lễ, ông Jan Jaap Folmer, Giám đốc Điều hành Công ty Upp! UpCycling Plastic Hà Lan, cho biết: Upp! UpCycling Plastic được thành lập với mục đích giải quyết vấn đề rác thải nhựa. Upp! đưa ra giải pháp tái sinh rác thải nhựa thành sản phẩm bền chắc, thân thiện với môi trường ứng dụng trong ngành xây dựng. Hiện các sản phẩm của công ty chủ yếu là nhựa PP và PE thân thiện với môi trường và có thể sử dụng trong nhiều công trình đô thị. Công ty nghiên cứu xây dựng nhà máy tái chế rác thải nhựa tại Việt Nam, góp phần xử lý tình trạng rác thải ở Việt Nam.
Cũng tại buổi lễ, đại diện CTCP Toàn Hải Vân, Chủ tịch HĐQT bà Huỳnh Bích Ngọc cũng cho biết: Trong nhiều năm qua, số rác thải mà Việt Nam chúng ta thải ra môi trường tăng mỗi ngày. Chúng ta có thể nhìn thấy và cảm nhận được tác hại của rác thải trên đất liền, ngoài đại dương và khắp mọi nơi, nhưng vẫn chưa có đủ giải pháp để giải quyết vấn đề này. Với những con số đáng báo động, chúng ta cần phải nâng cao nhận thức và hành động của cả cộng đồng và cá nhân để đối phó với vấn đề này. Việc hợp tác này, chúng tôi mong muốn giúp đỡ người khác nhận thấy giá trị của việc tái chế và làm thế nào để biến rác thải thành một sản phẩm không gây ô nhiễm, tạo nên môi trường sống xanh và trong lành.
Được biết, trong giai đoạn 1 của dự án, các sản phẩm do liên doanh UpCycling Plastic và Toàn Hải Vân sẽ phục vụ cho Khu đô thị lấn biển đảo nhân tạo Ocean Lotus Island (thuộc Khu phức hợp Vịnh Đầm).
Dự án Ocean Lotus Island (Phú Quốc) do TTC Land phát triển sẽ sử dụng vật liệu xây dựng từ nhựa tái chế do liên doanh Upp! UpCycling Plastic & Toàn Hải Vân sản xuất.
Khu phức hợp Vịnh Đầm rộng gần 300 ha, Nam Phú Quốc, cách sân bay quốc tế Phú Quốc 15 phút, cách thị trấn Dương Đông khoảng 25 phút do TTC Land phát triển dự án.
Theo chia sẻ cụ thể từ TTC Land, dự án gồm 2 phân khu riêng biệt là: Khu liên hợp cảng - công nghiệp - dịch vụ Vịnh Đầm có quy mô 110 ha; Khu Nghỉ dưỡng - Du lịch (Ocean Lotus Island) có quy mô 180 ha.
Liên quan đến phân khu thứ nhất, Phú Quốc là một đảo riêng biệt, do đó toàn bộ sản phẩm dịch vụ hầu như phải được cung cấp từ đất liền, vấn đề hiện nay là Phú Quốc chưa có một tổng kho nào đủ lớn để lưu trữ. Chính vì lẽ đó, Khu liên hợp cảng - công nghiệp - dịch vụ Vịnh Đầm với quy mô 110 ha mục tiêu giải quyết bất cập này, dự kiến sẽ là một lợi thế cho TTC Land.
Còn phân khu Ocean Lotus Island, đây là tổ hợp bao gồm khu thương mại, dịch vụ tổng hợp; khách sạn, khu du lịch; căn hộ nghỉ dưỡng hướng biển; khu biệt thự 3 mặt hướng biển nghỉ dưỡng cao cấp; khu biệt thự tựa đồi hướng biển nghỉ dưỡng cao cấp; công viên sinh thái; khu bảo tồn thiên nhiên biển.
Hiện, TTC Land cũng đang hợp tác với Royal Haskoning DHV – cũng một doanh nghiệp đồng hương của UpCycling Plastic – tham gia tư vấn cho dự án này. Royal Haskoning DHV chính là công ty đã tham gia tư vấn cho công trình đảo Cọ nổi tiếng ở Dubai.