Rao bán tràn lan tài khoản ChatGPT trên mạng
ChatGPT đang là từ khóa công nghệ được tìm kiếm và quan tâm nhiều nhất hiện nay. Chính vì vậy, nhiều hội nhóm đã bắt đầu chia sẻ, rao bán các tài khoản Chat GPT trên mạng.
- 08-02-2023Ghi nhận 1.234 sự cố tấn công mạng vào hệ thống tại Việt Nam trong tháng 1/2023
- 08-02-2023Microsoft chính thức tung ra Bing phiên bản mới do ChatGPT hỗ trợ, đối đầu trực tiếp với Google
- 08-02-2023Làm CCCD gắn chip vào thứ 7, chủ nhật có mất thêm phí hay không?
Chatbot thông minh nhất hiện nay
ChatGPT (Generative Pretrained Transformer) được tạo ra và phát triển bởi OpenAI - tổ chức nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo được thành lập vào năm 2015 bởi Elon Musk, Sam Altman, Greg Brockman, Ilya Sutskever, John Schulman và Wojciech Zaremba. OpenAI đã tập trung vào phát triển công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) và nghiên cứu để giải quyết các vấn đề về an toàn trong sử dụng AI. ChatGPT được huấn luyện trên hàng tỷ dòng văn bản trực tuyến, giúp nó có khả năng trả lời một loạt các câu hỏi về nhiều lĩnh vực, bao gồm từ lịch sử, kinh tế đến khoa học và công nghệ.
ChatGPT có nhiều chức năng khác nhau, bao gồm: trả lời câu hỏi, viết văn bản, dịch ngôn ngữ, tạo ra các ý tưởng, chuyên môn và hỗ trợ tìm kiếm... ChatGPT có thể hoạt động giống như một con người với khả năng tư duy và trả lời câu hỏi tự động. Với khả năng tự học và cải thiện liên tục, ChatGPT có thể trở thành một công cụ hữu ích cho nhiều ngành nghề và cá nhân. Chính vì vậy, công cụ này đang được sử dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Hiện GPT-3 là phiên bản mới nhất và có khả năng tự học và tạo ra các câu trả lời chính xác và liên quan đến rất nhiều chủ đề khác nhau.
Do đang trong quá trình hoàn thiện nên nhiều nội dung ChatGPT trả lời vẫn chưa thể đạt đến độ chính xác cao (Ảnh chụp màn hình)
Mới đây, một Thẩm phán ở Colombia đã gây xôn xao dư luận khi thừa nhận ông đã tham khảo ý kiến của công cụ trí tuệ nhân tạo ChatGPT để đưa ra phán quyết trong một vụ kiện về quyền y tế của trẻ em. Tổng thống Israel - ông Isaac Herzog đã có bài phát biểu khai mạc đặc biệt tại hội thảo về an ninh mạng Cybertech Global Tel Aviv 2023 ngày 1/2. Trước gần 20.000 khán giả, ông tiết lộ phần mở đầu do chính ChatGPT viết.
Tuy nhiên, ChatGPT không thực sự hiểu biết như nhiều người lầm tưởng. Điều này xuất phát từ cách vận hành của công cụ dựa trên dữ liệu văn bản sẵn có, AI chọn ra các từ có khả năng cao đi liền nhau để ghép thành câu và đoạn, tạo thành câu trả lời. Trước khi người dùng bắt đầu trò chuyện với "siêu AI" ChatGPT, OpenAI - công ty chủ quản của công cụ này - cũng đã đưa ra cảnh báo về việc "có thể tạo ra thông tin không chính xác" và "có thể đưa ra các hướng dẫn có hại hoặc nội dung sai".
OpenAI đã hỗ trợ ChatGPT trên nhiều ngôn ngữ trên toàn thế giới, bao gồm cả tiếng Việt. Người dùng có thể sử dụng ChatGPT để trả lời câu hỏi và giải quyết các vấn đề liên quan đến tiếng Việt. Do hạn chế của dữ liệu huấn luyện mà chất lượng của trả lời có thể không hoàn hảo mọi lúc.
Chỉ sau 2 tháng ra mắt, ChatGPT đã cán mốc 100 triệu người dùng - điều mà TikTok mất 9 tháng và Instagram phải mất tới 2 năm để đạt được. Điều đó, cho thấy sức hút của ChatGPT là lớn như nào. Tuy nhiên, hiện tại công cụ ChatGPT chưa có ở thị trường Việt Nam, nên để đăng ký tài khoản ChatGPT bạn cần sử dụng tới số điện thoại và phần mềm VPN để Fake IP ở những khu vực dùng ChatGPT. Điều này tạo cơ hội lớn cho những người kinh doanh hoặc hỗ trợ tạo tài khoản ChatGPT trên nhiều nền tảng mạng xã hội.
Rao bán tràn lan tài khoản ChatGPT trên mạng
Cơn sốt ChatGPT đang lan rộng tại Việt Nam. Do đó, thị trường mua bán tài khoản, cung cấp dịch vụ tạo tài khoản ChatGPT nhanh chóng hình thành và cực kỳ sôi động trên các nhóm mạng xã hội.
Nhiều hội nhóm liên mời chào mua bán tài khoản ChatGPT thu hút hàng chục nghìn thành viên tham gia (Ảnh chụp màn hình)
Chỉ cần tìm kiếm cụm từ "tài khoản ChatGPT" trên Facebook và nhiều trang mạng xã hội khác, người dùng sẽ dễ dàng tìm thấy hàng chục hội nhóm và trăm bài đăng quảng cáo dịch vụ mua bán, tạo tài khoản. Không khó để có thể tìm thấy những bài đăng mua bán, chia sẻ tài khoản ChatGPT với mức giá chỉ từ 20.000 đồng. Tuy nhiên, với những tài khoản ChatGPT đầy đủ tính năng, người bán có thể chào bán với mức giá khoảng 60.000 đồng.
Theo tìm hiểu, trên thị trường, dịch vụ mở tài khoản ChatGPT chia làm 3 nhóm chính.
Nhóm 1 là các tài khoản được tạo sẵn với tên và mật khẩu, được bán với giá 30.000 đồng, ưu điểm là rẻ nhưng không đổi được mật khẩu, thường bị quá tải do nhiều người dùng chung.
Nhóm 2 sử dụng email của bên cung cấp nhưng người dùng có thể chủ động đổi mật khẩu tài khoản bất kỳ lúc nào, giá thường khoảng 50.000 đồng.
Nhóm 3 là nhóm tài khoản cao cấp. Các tài khoản thuộc nhóm này thì sẽ có nhiều chức năng và có sẵn 18 USD. Nó dùng để sử dụng các API của openAI, liên kết ra ứng dụng ngoài hoặc dùng để thiết kế một phần mềm mới, tạo hình ảnh từ văn bản... Nhóm tài khoản này thường có giá từ 60.000 - 90.000 đồng.
Nhiều người dùng đăng tải nội dung mua bán tài khoản ChatGPT với nhiều mức giá khác nhau (Ảnh chụp màn hình)
Bên cạnh đó, một số hội nhóm cũng chia sẻ tài khoản ChatGPT miễn phí để mọi người có cơ hội trải nghiệm. Đây là những tài khoản ChatGPT đã được kích hoạt sẵn và dùng chung. Vì vậy, có thể xảy ra trường hợp nhiều người cùng truy cập một tài khoản khiến quá trình xử lý bị chậm, cũng như việc khó quản lý chủ đề nội dung trong tài khoản. Đây cũng là một cách để chia sẻ, cùng nhau trải nghiệm cơ hội dùng thử "chatbot thông minh nhất hiện nay".
Tuy vậy, việc mua các tài khoản có sẵn hoặc tạo tài khoản với số điện thoại của người nước ngoài có thể dẫn tới việc bị lộ lọt thông tin cá nhân. Do đó, trước khi tiến hành các giao dịch tạo hoặc mua bán tài khoản ChatGPT với người bán, người dùng nên kiểm tra kỹ các thông tin của giao dịch sắp thực hiện. Người dùng tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, tránh việc bị kẻ xấu lợi dụng nhằm mục đích xấu.
Tiềm ẩn nhiều nguy cơ nếu bị lạm dụng
Thông minh là vậy nhưng ChatGPT lại mang đến nhiều lo ngại. Nhiều trường học, Đại học đã cấm sinh viên sử dụng ChatGPT do lo ngại vấn đề đạo văn và gian lận trong thi cử. Nhiều người lo ngại việc ChatGPT tạo nội dung lừa đảo một cách tinh vi vì nó dựa trên văn phong của hàng nghìn người để tạo nên một đoạn văn bản, từ đó rất khó để phát hiện thông tin sai lệch.
Ngoài ra, ChatGPT còn có thể tạo ra những con virus độc hại một cách nhanh chóng. Thậm chí, nhiều người đã phát hiện ra ChatGPT đang được nạp dữ liệu khiến nó "học" được cách phân biệt chủng tộc, giới tính, tôn giáo…
Việc Chat GPT quá "thông minh" có thể dẫn đến việc bị các đối tượng xấu lợi dụng nhằm mục đích xấu.
VTV