"Rất nể những người lương 10 đồng nhưng tiết kiệm những 7 đồng"
Việc để dành gần như toàn bộ thu nhập khiến một số người sống kham khổ mỗi ngày.
- 24-06-2022Tuổi 25, tôi có 800 triệu tiết kiệm, công việc mơ ước, đủ khả năng mua những thứ tốt nhất cho mình
- 24-06-2022Quan điểm “kiếm nhiều, tiêu ít, tiết kiệm nhiều" của chị dâu khiến tôi thức tỉnh về tiền bạc
- 22-06-2022Tiết kiệm đến keo kiệt ở New York: Nhặt thức ăn trong thùng rác, 8 năm không sắm quần áo để mua nhà
Vào đợt dịch năm ngoái, rất nhiều người đã "sống sót" để vượt qua được khoảng thời gian khó khăn này. Mỗi người có một sự lựa chọn riêng cho mình về đồng tiền mà bản thân kiếm được.
Trong số đó, có những người đã "sống rất khỏe" vì họ có khoản tiền tích lũy từ trước. Số người khác thì "sống vật vờ" vì khoản tiền kiệm không đủ trang trải cuộc sống cơ bản. Sau dịch, tôi nghĩ nhiều hơn về câu chuyện phải để dành tiền.
Tôi thuộc trường phái nhận lương bao nhiêu thì xài cho đã, phủ phê. Thứ còn lại sau tiêu pha chính là khoản tiết kiệm, của để dành. Thứ hành động xài tiền này sẽ chẳng một trường kinh tế nào dám dạy và cả những chuyên gia hoạch định tài chính cũng không đưa ra lời khuyên như thế.
Nếu ai chi tiêu ít thì mỗi tháng vẫn có thể dư ra chút ít để tích lũy. Bản thân tôi không có nhu cầu chi phí sống cao nên cũng có dư theo cách chi tiêu như thế này.
Có một trường phái định nghĩa tiết kiệm là khoản dư ra sau khi tiêu xài thỏa thích khoản thu nhập nhận được hằng tháng. Ảnh minh họa: Dy Khoa.
Ấy vậy nên tôi rất nể những ai có thể vạch ra mục đích chi tiêu và phân chia khoản tiền nhận được mỗi tháng. Một số chia tiền thành 4-5 khoản được đặt tên cụ thể như sinh hoạt thường ngày, học tập, bảo hiểm, hiếu hỷ, ăn chơi và du lịch... Các khoản đã tiêu hết sẽ không được lạm chi sang các khoản mục khác. Chẳng hạn, tháng đó hết tiền ăn chơi thì buộc thôi, không được tiêu pha đàn đúm thêm gây lạm tiền ở mục học tập.
Để có thể làm được như vậy, nhóm người này cần hiểu bản thân chi tiêu những gì mang tính khoản mục lặp lại. Vì nếu đặt và gọi tên không rõ ràng thì rất dễ tạo điều kiện cho chính mình dễ dãi, bòn rút tiền.
Chẳng hạn, đặt tên là Quan hệ được định nghĩa ban đầu là cho các cuộc hẹn giúp tạo ra giá trị về kinh tế trong tương lai. Tuy nhiên, đến khi không kiềm chế được, chủ nhân sẽ diễn giải rằng đi ăn chơi với bạn bè thân thiết cũng là cách nâng cao tài sản ở thời gian tới. Những cách thay đổi diễn giải danh mục như thế chỉ làm tiền bị vơi đi nhanh hơn.
Một số người khác thì chia khoản thu nhập nhận được thành các lọ được dán nhãn theo mục đích chi tiêu như sinh hoạt hằng ngày, hiếu hỉ. Ảnh minh họa: Dy Khoa.
Cách phân chia thu nhập thành từng lọ mục đích chi tiêu được rất nhiều trường kinh tế, chuyên gia tài chính hướng dẫn vì chúng dễ thực hiện. Chỉ có điều thực hiện trọn vẹn đến cùng được hay không chính là nhờ sự kiên trì của chủ nhân của các lọ mục đích đó. Lọ tiết kiệm thường chiếm 10-20% tổng thu nhập là điều đã được khuyến cáo. Tương đương, một người kiếm 20 triệu đồng mỗi tháng sẽ nên để dành khoảng 2-4 triệu đồng.
Tiết kiệm 7 đồng, xài 3
Tuy nhiên trong thực tế, tôi còn từng gặp những người rất "phi thường". Họ có khả năng để dành gần như toàn thu nhập, bóp chặt chi tiêu tháng, để biến chúng trở thành tài sản tích lũy. Không đâu xa, đó là câu chuyện về nhân viên cũ của tôi; tên Hạnh, 25 tuổi.
Mỗi tháng Hạnh nhận lương ở vị trí chuyên viên truyền thông cấp cao khoảng 25 triệu đồng. Trong một lần chia sẻ về cách mọi người trong bộ phận tiết kiệm và chi tiêu ra sao, đa số ở hai trường hợp mà tôi đã đề cập ở trên. Riêng Hạnh là người làm tôi ấn tượng mạnh nhất, có lẽ không bao giờ quên, vì mình sẽ không bao giờ làm được như cô ấy.
Và một nhóm chỉ chi tiêu rất hạn hữu số tiền kiếm được và để dành phần lớn thu thập vì lo sợ không biết ngày mai sẽ ra sao. Ảnh minh họa: Dy Khoa.
Cụ thể, Hạnh gò bản thân tiêu dùng trong khoảng 7.500.000 đồng (tức khoảng 30% tổng thu nhập), phần còn lại là để dành. Cô nhân viên truyền thông ấy vẫn phải trả tiền nhà trọ cùng sinh hoạt phí và ăn uống. Hạnh còn phải giao lưu với bạn bè vì làm việc trong nghề này không thể kén chi tiêu cho người xung quanh được.
Bài toán của Hạnh được giải bằng cách sẽ mang cơm tự nấu vào mỗi giờ trưa (trừ ngày có hẹn), lựa chọn các loại mỹ phẩm vừa túi tiền, hạn chế hoàn toàn các chuyến du lịch mà theo cô là "vô bổ". Hạnh cũng chẳng có nhu cầu giải trí nên chưa bao giờ thấy cô ấy mua vé xem phim, kịch hay ca nhạc cả. Cô còn tăng cường tự học online để tránh tốn khoản học phí cho các trường hoặc trung tâm.
Những người này thường siết chặt chi tiêu tối đa nên thường ít thấy họ du lịch hoặc xem phim rạp. Ảnh minh họa: Dy Khoa.
"Em không biết tương lai kiếm tiền còn được tốt không nên phải tiết kiệm từ bây giờ", Hạnh chia sẻ cùng mọi người trong phòng họp. Sau đó, mọi người trong phòng đều vỗ tay cho khả năng quản trị chi tiêu của cô.
Để một người thực hành cắt gần như toàn bộ chi tiêu như Hạnh thì tự mình phải từ bỏ một số nhu cầu đã mặc định thành nhu cầu như người nào đam mê du lịch hoặc chạy đua theo idol phải bỏ đi. Việc này thực sự rất khó nhưng không phải không làm được. Thử kiếm cho bản thân một thú vui khác lấp đầy khoảng trống rảnh rỗi kia như tập gym, bơi lội. Hoặc làm thêm nhiều việc hơn để đánh lừa bản thân luôn bận rộn và không có thời gian cho những hoạt động đó.
Tuy nhiên, rõ ràng tiết kiệm như vậy sẽ khiến dòng tuần hoàn tiền kém đi, kinh tế kém phát triển. Thói quen chi tiêu này kéo dài và nhiều người cùng áp dụng sẽ gây tác động xấu lên nền kinh tế của cả một quốc gia, xa hơn là khu vực và chuỗi cung ứng toàn cầu.
*Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả.
Trí thức trẻ