MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Rất nguy hiểm nếu 'ép' 5 triệu hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp

Hầu hết các ủy viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đều không đồng tình với đề xuất đưa loại hình hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp, vì điều này rất nguy hiểm, dễ gây tâm lý hoang mang.

Thường xuyên bị thanh, kiểm tra cũng chết”

Tiếp tục phiên họp thứ 38, sáng 16/10, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Luật Doanh nghiệp (sửa đổi). Đề cập đến sự cần thiết sửa đổi, Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, qua đánh giá các quy định hiện hành, cho thấy một số khiếm khuyết như hộ kinh doanh không rõ ràng về địa vị pháp lý và trách nhiệm dân sự; quyền kinh doanh bị giới hạn trong phạm vi cấp quận, huyện. Bên cạnh đó, đối tượng này chỉ được sử dụng dưới 10 lao động và không được mở chi nhánh, văn phòng đại diện...

“Chính hạn chế pháp lý này dẫn đến cản trở hộ kinh doanh tận dụng và phát huy tối đa cơ hội kinh doanh; không phát huy hết được lợi ích của nguồn lực đầu tư dưới hình thức hộ kinh doanh”, ông Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh về sự cần thiết đưa hộ kinh doanh vào luật này.

Tuy nhiên, cho ý kiến về điều này, rất nhiều đại biểu trong Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đều không đồng tình với đề xuất này.

Cảm thấy “chưa yên tâm” Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị phải hết sức cân nhắc và cần đánh giá tác động về việc đưa hộ kinh doanh vào trong luật. Bởi các hộ kinh doanh bị chi phối bởi nhiều luật hiện hành khác, nên không nhất thiết phải đưa vào. Bà Nga cũng lưu ý phải đảm bảo tính thống nhất của cả hệ thống pháp luật, tránh càng làm càng gây mâu thuẫn.

Nhấn mạnh đến việc dân được làm những gì pháp luật không cấm, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng, việc quản lý kinh doanh được thông qua luật về thuế, môi trường… Người dân đang kinh doanh như vậy, tại sao lại đưa vào luật này? Tại sao người dân kinh doanh không thích làm doanh nghiệp? Không phải đưa vào để quản lý người ta. Với hàng triệu hộ kinh doanh như vậy, tại sao lại không xây dựng luật về hộ kinh doanh?

Lý giải về việc các hộ kinh doanh “ngại vào”, ông Phúc cho rằng, lúc đó họ phải có bộ máy, có người làm kế toán, rồi “thường xuyên phải bị thanh tra kiểm tra cũng chết”. Trong khi đó, hộ kinh doanh lại chủ yếu rất ít người, mô hình vừa phải, rất gọn nhẹ, chủ yếu khai thác lợi thế gia đình, chỉ vài chục m2 cũng kinh doanh được. Đưa vào luật, người ta không thích vào. “Không hiểu luật ra đời thì sự tồn tại, phát triển thế nào, không phải quyết cái này, sau này người ta lại ầm ầm lên. Cần đánh giá kỹ đi, đừng vội”, ông Phúc nhấn mạnh.

Bát phở đã gánh thuế rồi

Cùng mối lo, Trưởng Ban Công tác đại biểu Trần Văn Túy cũng đề nghị phải hết sức cân nhắc, bởi nếu đưa 5 triệu hộ kinh doanh vào luật này sẽ gây “tâm lý hoang mang, rất nguy hiểm”.

Cùng quan điểm, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính Ngân sách Nguyễn Đức Hải, cho rằng, nếu muốn tạo điều kiện thuận lợi cho hộ kinh doanh phát triển, thì có thể đưa ra cơ chế thoáng cho họ hoạt động. Còn mục tiêu quản lý, theo ông Hải, không phải đưa họ vào để quản lý thuế chặt chẽ. Bởi ngay cả một bát phở cũng đã có yếu tố thuế phí trong đó rồi. Còn nếu họ lợi dụng trốn thuế, không làm đúng thì quy định ở luật khác. Một tiệm phở, quán bún, hay một tiệm gửi xe rất đơn giản, nhưng còn hơn cả một doanh nghiệp, lại nuôi sống được nhiều người. Nếu thấy cần thiết, họ có thể nâng lên thành doanh nghiệp, nên phải có quá trình, không nóng vội.

Với hơn 5 triệu hộ kinh doanh hiện nay, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh, người dân có quyền lựa chọn, không được “ép” họ chuyển từ hộ kinh doanh thành doanh nghiệp. Theo ông Lưu, mục tiêu của ban soạn thảo có thể là đưa vào để điều chỉnh một số nội dung, tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy kinh doanh. Nhưng liệu đưa vào có giải quyết được vấn đề mong muốn không, hay lại gây khó khăn cản trở? Ông Lưu cho rằng, có thể làm luật riêng về hộ kinh doanh, hoặc ban hành nghị định quy định đầy đủ loại hình này, không nên đưa vào Luật Doanh nghiệp.

Với 5 triệu hộ kinh doanh cá thể như hiện nay, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng cho rằng, việc đưa hộ kinh doanh vào luật này là một vấn đề lớn, nhưng lại chưa có đánh giá tác động đầy đủ. Bà nhấn mạnh tinh thần, cái gì rõ và chín thì bổ sung, sửa bất cập để phát triển doanh nghiệp, tạo môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế phát triển, không nên đưa vào khi chưa đánh giá tác động.

Bên cạnh đó Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, khi sửa luật phải làm sao tương thích với các luật hiện hành khác. Ban soạn thảo phải trả lời, chỉ ra và đảm bảo không để xảy ra vướng mắc mới sau khi sửa luật.

Theo Luân Dũng

Tiền phong

Trở lên trên