MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Rau quả trong nước phải giải cứu nhưng rau quả nhập khẩu vẫn tăng liên tục, chủ yếu từ Thái Lan và Trung Quốc

19-05-2018 - 07:03 AM | Thị trường

Rau quả nhập khẩu vào Việt Nam chủ yếu có xuất xứ từ Thái Lan, chiếm 45% trong tổng kim ngạch nhập khẩu trái cây và rau quả của cả nước.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, rau quả các loại nhập khẩu vào thị trường Việt Nam liên tục tăng trong các năm gần đây: Năm 2013 tăng 21%, đạt 405,6 USD; Năm 2014 tăng 28,7%, đạt 521,88 triệu USD; Năm 2015 tăng 19,2%, đạt 622,08 triệu USD; Năm 2016 tăng 48,7%, đạt 925,09 triệu USD; Năm 2017 tăng 67,2%, đạt 1,55 tỷ USD.

Trong 4 tháng đầu năm 2018, nhập khẩu rau quả đạt 456,57 triệu USD, gần bằng 30% kim ngạch nhập khẩu rau quả năm 2017, tăng rất mạnh 44,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó riêng tháng 4/2018 đạt 111,78 triệu USD, tăng 15% so với tháng 3/2018 và tăng 30,6% so với tháng 4/2017.

Rau quả nhập khẩu vào Việt Nam chủ yếu có xuất xứ từ Thái Lan, chiếm 45% trong tổng kim ngạch nhập khẩu trái cây và rau quả của cả nước, đạt 203,04 triệu USD, tăng 28,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Ở chiều ngược lại, xuất khẩu rau quả sang Thái Lan mặc dù cũng tăng mạnh 28%, nhưng cũng chỉ đạt 22,65 triệu USD. Như vậy, rau quả nhập siêu từ thị trường Thái Lan lên tới 180,4 triệu USD.

Trung Quốc là thị trường cung cấp rau quả nhập khẩu lớn thứ 2 cho Việt Nam chiếm 19% trong tổng kim ngạch nhập khẩu rau quả của cả nước, đạt 86,55 triệu USD, tăng 45,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhưng Trung Quốc lại là thị trường tiêu thụ nhiều nhất các loại rau quả xuất khẩu của Việt Nam, chiếm tới 76% trong tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả của cả nước, đạt 988,77 triệu USD, tăng 30,3%. Như vậy, Việt Nam xuất siêu rau quả sang Trung Quốc tới 902,22 triệu USD.

Ngoài ra, rau quả nhập khẩu về Việt Nam còn có xuất xứ từ Mỹ 45,45 triệu USD, chiếm 10%, tăng 115,8% so với cùng kỳ và từ Australia 20,13 triệu USD, chiếm 4,4% tăng 125%.

Rau quả trong nước phải giải cứu nhưng rau quả nhập khẩu vẫn tăng liên tục, chủ yếu từ Thái Lan và Trung Quốc - Ảnh 1.

Thị trường chủ yếu cung cấp rau quả cho Việt Nam 4 tháng đầu năm 2018


Rau quả nhập khẩu từ Thái Lan chủ yếu là xoài, mãng cầu, nhãn, măng cụt, sầu riêng, bòn bon, mít, me, phong lan. Nhập từ New Zealand, Australia, Mỹ chủ yếu là táo, cam, lê, kiwi, cherry; Nhập từ Trung Quốc chủ yếu là cam, quýt, nho, lê, táo, bắp cải, xà lách, khoai tây...

Trong 4 tháng đầu năm nay, chỉ có 3 thị trường nhập khẩu rau quả bị sụt giảm kim ngạch so với cùng kỳ năm ngoái, đó là nhập khẩu từ Brazil giảm 19,4%, đạt 1,57 triệu USD; Myanmar giảm 18,2%, đạt 11,64 triệu USD và Israel giảm 13,9%, đạt 0,64 triệu USD, còn lại các thị trường khác đều tăng kim ngạch.

Trong số các thị trường tăng kim ngạch so với cùng kỳ năm ngoái, đáng chú ý nhất là nhập khẩu tăng mạnh trên 100% ở 3 thị trường là: Australia tăng 125,2%, đạt 20,13 triệu USD; Mỹ tăng 115,8%, đạt 45,45 triệu USD và Hàn Quốc tăng 101,7%, đạt 10,05 triệu USD.

Bên cạnh đó, nhập khẩu quả từ thị trường Chi Lê, Malaysia, Trung Quốc và Ấn Độ cũng tăng mạnh, với mức tăng tương ứng 71,8%, 60,7%, 45,3% và 35,5% so với cùng kỳ.

Ở chiều ngược lại, xuất khẩu rau quả 4 tháng đầu năm cũng tăng mạnh trên 29% so với cùng kỳ, đạt 1,32 tỷ USD. Rau quả của Việt Nam xuất khẩu chủ yếu sang thị trường Trung Quốc, chiếm tới 76% trong tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả của cả nước, đạt 988,77 triệu USD, tăng 30,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Các nước Đông Nam Á chiếm 4,3% trong tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam, đạt 56,39 triệu USD, tăng 19,4% so với cùng kỳ; Mỹ chiếm 2,9%, đạt 38,84 triệu USD, tăng 12,3%; Nhật Bản chiếm 2,8%, đạt 36,55 triệu USD, tăng 15,9%; EU chiếm 2,4%, đạt 32,22 triệu USD, tăng 11,8%.

Rau quả trong nước phải giải cứu nhưng rau quả nhập khẩu vẫn tăng liên tục, chủ yếu từ Thái Lan và Trung Quốc - Ảnh 2.

Thị trường xuất khẩu rau quả chủ yếu của Việt Nam 4 tháng đầu năm 2018


Trong 4 tháng đầu năm nay xuất khẩu rau quả sang hầu hết các thị trường đều tăng kim ngạch so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, thị trường Campuchia nổi bật lên, với mức tăng đột biến 279%, mặc dù kim ngạch chỉ đạt 0,82 triệu USD. Bên cạnh đó, xuất khẩu còn tăng trưởng mạnh ở một số thị trường như: Kuwait tăng 87%, đạt 0,85 triệu USD, Pháp tăng 41,3%, đạt 8,02 triệu USD; Australia tăng 34,9%, đạt 8,93 triệu USD; Trung Quốc tăng 30,3%, đạt 988,77 triệu USD; Thái Lan tăng 28,2%, đạt 22,65 triệu USD.

Tuy nhiên, rau quả xuất khẩu sang Indonesia 4 tháng đầu năm nay sụt giảm rất mạnh 77,6% so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ đạt 0,25 triệu USD. Ngoài ra, xuất khẩu sang Ukraine, Anh và Nga cũng giảm mạnh, mức giảm tương ứng 33,6%, 22% và 15% về kim ngạch.

Nguyên nhân xuất khẩu rau quả tăng trưởng mạnh là nhờ khai thác tốt lợi thế, áp dụng quy trình sản xuất sạch, đáp ứng những rào cản về chất lượng, đem về kim ngạch xuất khẩu cao. Hơn nữa, mặt hàng này cũng gặp nhiều thuận lợi khi hàng loạt các thị trường đã mở cửa cho sản phẩm rau quả của Việt Nam như Mỹ mở cửa cho vú sữa, xoài; Australia mở cửa cho thanh long, xoài, vải…

Tuy nhiên, hiện nay 76% kim ngạch rau quả của Việt Nam đang xuất sang Trung Quốc. Điều này đặt ra thách thức lớn khi nước này đang siết chặt các quy định và sửa đổi các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm trong giai đoạn 2016 - 2020. Từ ngày 1/4/2018, cơ quan kiểm dịch tỉnh Quảng Tây thông báo quản lý nhập khẩu trái cây từ Việt Nam bằng truy xuất nguồn gốc, tương tự quy định tại các nước như Mỹ, Australia… 

Ngoài ra Trung Quốc còn siết chặt vấn đề nhập khẩu qua đường mậu biên, thu hẹp chỉ có 8 loại quả được xuất chính ngạch là: thanh long, dưa dấu, chôm chôm, xoài, nhãn, vải, chuối và mít. Những loại quả còn lại phải chờ kết quả đàm phán mở cửa, nên XK rau quả của Việt Nam sang thị trường này chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn.

Thùy Linh

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên