MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Rau quả vào Top 4 mặt hàng nông lâm sản chủ lực

03-01-2018 - 23:14 PM | Thị trường

Là mặt hàng nông sản có mức tăng trưởng mạnh nhất trong suốt mấy năm qua, năm 2017, rau quả tiếp tục tăng trưởng vượt bậc để không chỉ lần đầu vượt mốc 3 tỷ USD mà còn đứng vào nhóm 4 mặt hàng nông lâm thủy sản có giá trị XK cao nhất.

So với nhiều mặt hàng nông lâm thủy sản chủ lực, rau quả là mặt hàng “đi sau” trong việc tham gia vào CLB XK tỷ đô (những mặt hàng có giá trị XK từ 1 tỷ USD/năm trở lên). 5 năm trước, khi kết thúc năm 2012, trong ngành nông nghiệp đã có 7 mặt hàng XK đạt giá trị từ hơn 1 tỷ USD trở lên, gồm thủy sản, gỗ, gạo, cà phê, cao su, hạt điều và sắn, thì giá trị XK rau quả mới đạt 827 triệu USD. Trong bảng xếp hạng 11 sản phẩm nông lâm thủy sản chủ lực năm 2012, rau quả đứng hàng thứ 8, chỉ trên hạt tiêu và chè.

Tuy “đi sau”, nhưng kể từ khi lọt vào CLB XK tỷ đô vào năm 2013, rau quả đã rất nhanh chóng vượt qua những mốc XK khác, đồng thời vượt qua nhiều sản phẩm nông nghiệp chủ lực. Năm 2014, rau quả vượt qua sắn về giá trị XK. Năm 2015, rau quả tiếp tục vượt qua cao su. Năm 2016, rau quả vượt mốc 2 tỷ USD (đạt 2,457 tỷ USD) và lần đầu tiên vượt qua gạo về giá trị XK.

Trong năm 2017, rau quả tiếp tục giữ được mức tăng trưởng cao và vượt mốc 3 tỷ USD chỉ trong 11 tháng đầu năm. Đồng thời, với giá trị XK như vậy, rau quả đã vượt qua cà phê để đứng hàng thứ 4 sau thủy sản, gỗ và điều trong số những mặt hàng nông lâm thủy sản XK chủ lực.

Cần lưu ý rằng cao su, gạo và cà phê đều là những mặt hàng từng đạt giá trị XK tới hơn 3 tỷ USD từ nhiều năm trước (gạo từ 2010 - 2012; cao su 2011; cà phê vào các năm 2012, 2014 và 2016). Điều đó càng cho thấy ý nghĩa và vai trò đặc biệt của sự tăng trưởng trong XK rau quả những năm qua, trong bối cảnh nhiều mặt hàng chủ lực sau khi đạt đến đỉnh cao đã không còn có thể duy trì được lợi thế, thậm chí giảm mạnh về giá trị XK do gặp phải những khó khăn lớn về mặt thị trường. Nhiều khả năng rau quả sẽ tiếp tục vượt qua điều trong thời gian ngắn sắp tới để đứng vào Top 3 mặt hàng nông lâm thủy sản có giá trị XK lớn nhất.

Phân loại thanh long xuất khẩu

Với kết quả XK đã đạt được trong 11 tháng (3,177 tỷ USD), XK rau quả của cả năm 2017 có thể đạt kỷ lục mới là hơn 3,4 tỷ USD. Với giá trị 2,404 tỷ USD trong 11 tháng và chiếm khoảng 76% tổng giá trị XK rau quả của Việt Nam, Trung Quốc tiếp tục đóng vai trò là thị trường quan trọng nhất, có tính quyết định tới sự tăng trưởng mạnh của XK rau quả nước ta.

Trong 11 tháng, giá trị rau quả XK sang Trung Quốc tăng tới 54,88% so cùng kỳ 2016. Mức tăng trưởng đó của thị trường Trung Quốc cao hơn nhiều so với mức tăng trưởng chung của XK rau quả trong 11 tháng là 44,1%. Đặc biệt, trong năm 2017, XK rau quả sang Trung Quốc đánh dấu lần tiên vượt mốc 2 tỷ USD, cao hơn 2 lần so với năm 2015 là năm mà XK rau quả sang Trung Quốc lần đầu vượt mốc 1 tỷ USD (đạt 1,195 tỷ USD).

Nhiều thị trường quan trọng khác, tuy thị phần cũng như giá trị còn khá khiêm tốn so với Trung Quốc, nhưng cũng đã tăng trưởng tốt, góp phần vào thành công của XK rau quả năm 2017. Trong 11 tháng đầu năm 2017, XK rau quả sang Nhật Bản đạt 116,707 triệu USD, tăng 70,63% so cùng kỳ 2016; Mỹ đạt 92,568 triệu USD, tăng 21,24%…

Trồng rau VietGAP ở Lâm Đồng

Nhìn chung phần lớn các thị trường XK của rau quả Việt Nam đều có mức tăng trưởng so cùng kỳ 2016. Nỗ lực mở cửa thị trường cho nhiều loại trái cây vào các thị trường khó tính đã góp phần không nhỏ vào sự tăng trưởng ở những thị trường này. Đến nay, đã có 6 loại trái cây tươi Việt Nam được phép XK sang Mỹ gồm vải, nhãn, chôm chôm, thanh long, vú sữa và xoài. Thanh long và xoài được phép XK sang Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand…

Theo dự báo của FAO, thị trường rau quả toàn cầu sẽ tăng trưởng 8% trong giai đoạn 2017 - 2020 và đạt 320 tỷ USD vào năm 2020. Các nước phát triển đang tăng nhu cầu tiêu thụ sản phẩm rau quả nhiệt đới, trái mùa và hữu cơ.

Với thị trường Trung Quốc, dự báo của FAO cho hay, nhu cầu nhập khẩu và tiêu thụ trên bình quân đầu người với sản phẩm rau quả cũng tiếp tục gia tăng trong giai đoạn 2017 - 2020. Lượng rau quả tiêu thụ ở Trung Quốc sẽ chiếm tỷ trọng 15,1% tổng tiêu thụ của thế giới, cao hơn Nhật Bản, EU và Mỹ. Thị hiếu tiêu dùng rau quả ở Trung Quốc cũng khá rõ nét: Người Quảng Tây ưa dùng thanh long ruột đỏ, nhãn, vải trái vừa phải, vị ngọt đậm; người miền Bắc Trung Quốc ưa dùng thanh long trái to, dưa hấu trái vừa phải (3 - 4 kg/quả), ngọt đậm…

Vụ Thị trường châu Á, châu Phi (Bộ Công thương), cho hay, thị trường các nước Trung Đông đang có nhu cầu lớn với nhiều loại nông, lâm thủy sản Việt Nam, trong đó có trái cây, đặc biệt là chuối, dứa, chanh… Do điều kiện tự nhiên không thuận lợi, nên 80% nhu cầu lương thực thực phẩm của Trung Đông phụ thuộc vào NK. Năm 2016, NK lương thực, thực phẩm của Trung Đông là 40 tỷ USD, dự kiến tăng lên 70 tỷ USD vào 2025.

Thị phần ở Mỹ, EU còn khá nhỏ

Rau quả Việt Nam XK sang các thị trường khó tính như Mỹ, EU… đang tăng trưởng tốt, nhưng thị phần tại những thị trường này còn khá nhỏ bé. Thị trường Mỹ mỗi năm tiêu thụ khoảng 12 triệu tấn trái cây tươi, chủ yếu là cam, nho, táo, chuối, dứa… Trong đó, sản xuất trái cây ở Mỹ đáp ứng 70% nhu cầu tiêu thụ của nước này. 30% còn lại phải NK, tương đương với khoảng 3,6 triệu tấn/năm.

Hiện nay, nước cung cấp trái cây tươi chủ lực cho thị trường Mỹ là Mexico khi chiếm tới 88% lượng trái cây NK vào Mỹ. Trái cây tươi từ Việt Nam mới chỉ chiếm khoảng 3%. Trái cây tươi của Việt Nam XK sang Mỹ nhìn chung vẫn kém cạnh tranh so với các nước ở khu vực châu Mỹ bởi các chi phí vận chuyển, bảo quản, xử lý chiếu xạ… còn cao.

Ở thị trường EU, thị phần của rau quả Việt Nam cũng rất khiêm tốn. Mỗi năm, EU tiêu thụ từ 115 - 130 triệu tấn rau, 70 - 80 triệu tấn trái cây. Ngoài nguồn cung nội khối, mỗi năm EU NK thêm khá nhiều rau quả, nhất là trái cây nhiệt đới như thanh long, xoài, vải, chuối, chanh leo, bơ, dứa, dừa… Tuy vậy, rau quả Việt Nam hiện chỉ mới chiếm 0,4% thị phần tại EU. So với các nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, Philippines…, trái cây Việt Nam còn kém cạnh tranh về giá cả, thời gian giao hàng… Còn so với các nước XK trái cây ở Nam Mỹ như Brazil, Peru, Panama, Ecuador…, trái cây Việt Nam sang EU cũng kém cạnh tranh hơn.

Tuy nhiên, nếu làm tốt về chất lượng, ATTP, kiểm dịch, bảo quản…, rau quả nhiệt đới Việt Nam vẫn có tiềm năng tăng thị phần tại Mỹ, EU. Bằng chứng là XK rau quả Việt Nam sang Mỹ và EU vẫn đang tăng trưởng tốt. Trong 10 tháng đầu năm 2017, XK rau quả sang Mỹ đạt 83,52 triệu USD, tăng 23,19% so cùng kỳ 2016; sang EU đạt 85,92 triệu USD, tăng 12%.

Thiếu nguyên liệu chế biến rau quả

Theo Cục Trồng trọt, cả nước hiện có 145 cơ sở chế biến rau quả quy mô công nghiệp, với tổng công suất thiết kế trên 800 ngàn tấn sản phẩm/năm. Bên cạnh đó là hàng ngàn cơ sở chế biến quy mô nhỏ.

Đa số các nhà máy chế biến có quy mô vừa và nhỏ, chưa có vùng nguyên liệu. Việc liên kết giữa sản xuất, bảo quản và chế biến còn nhiều hạn chế. Khả năng đầu tư, đổi mới công nghệ chế biến còn chậm.

Hiện các nhà máy chế biến rau quả đang thiếu nguyên liệu, khi sản lượng chế biến chỉ đạt khoảng 440 ngàn tấn sản phẩm/năm (hơn 50%). Trái cây nguyên liệu cho chế biến còn hạn chế cả về chủng loại và sản lượng. Các sản phẩm trái cây chế biến chủ lực hiện nay là đồ hộp (dứa, nước trái cây…); đông lạnh (dứa, vải…); nghiền, cô đặc (dứa, vải…); chiên, sấy, muối…

Hiện nay, 80% sản lượng trái cây Việt Nam đang được tiêu thụ trong nước, chủ yếu ở dạng quả tươi. Trong đó, 90% được tiêu thụ ở các chợ truyền thống. Các kênh phân phối hiện đại như siêu thị, cửa hàng tiện ích, cửa hàng trái cây cao cấp, mới chỉ chiếm 10% lượng trái cây tiêu thụ nội địa.

Theo Đăng Huy

Nông nghiệp Việt Nam

Trở lên trên