Rau quả Việt ‘đổ bộ’ Trung Quốc, kỳ vọng đạt 4 tỷ USD
Sau hơn 3 năm liên tục sụt giảm do ảnh hưởng COVID-19, xuất khẩu rau quả năm 2023 kỳ vọng bứt phá khi hàng loạt nghị định thư bắt đầu phát huy tác dụng. Ngành rau quả dự báo đạt khoảng 4 tỷ USD.
- 22-01-2023Những cánh cửa được mở cho trái cây Việt
- 22-01-2023Trung Đông 'thắng lớn' trong cuộc chiến năng lượng Nga - EU
- 22-01-2023Chocolate tăng giá trước thềm Valentine tại Nhật Bản
Trao đổi với Tiền Phong, ông Nguyễn Đình Tùng - Tổng giám đốc Công ty Vina T&T Group - đánh giá, xuất khẩu rau quả năm 2023 đang có nhiều cửa sáng khi Việt Nam vừa ký được hàng loạt nghị định thư xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc như chanh leo, chuối, sầu riêng; đồng thời mở cửa thêm hàng loạt thị trường mới cho rau quả (trái bưởi sang Mỹ, New Zealand, nhãn sang Nhật, Úc…).
Theo ông Tùng, sau khi mở cửa, hàng loạt trái cây, sản phẩm đã tăng trưởng rất mạnh. Điển hình như sầu riêng, xuất khẩu sang Trung Quốc đã tăng đột biến, hơn 4.000% chỉ sau 1 tháng xuất khẩu chính ngạch. Trong khi thị trường Trung Quốc tiêu thụ mặt này mỗi năm khoảng 4,5 tỷ USD.
Sầu riêng dự kiến gia nhập "câu lạc bộ" những mặt hàng xuất khẩu tỷ USD trong năm 2023
“Đặc biệt, sầu riêng của Việt Nam có lợi thế nhất định về vận chuyển sang Trung Quốc so với đối thủ cạnh tranh là Thái Lan; mùa vụ rải rác quanh năm nên cạnh tranh cao; có thể trở thành mặt hàng xuất khẩu tỷ USD trong năm 2023”, ông Tùng nhận định.
Ngoài ra, cũng theo ông Tùng, xuất khẩu bưởi cũng kỳ vọng tỏa sáng trong năm 2023. Hiện, bưởi Việt Nam được đánh giá có chất lượng vượt trội so với các đối thủ cạnh tranh, công nghệ bảo quản đã lên tới 90 ngày. Dù nguồn cung trên thế giới nhiều nhưng bưởi Việt Nam vẫn có nhiều lợi thế để chiếm lĩnh thị trường Mỹ, tạo cơ hội cho các sản phẩm chế biến từ bưởi phát triển.
Ông Trần Ngọc Hiệp - Giám đốc Công ty TNHH Thanh long Hoàng Hậu - cho biết, từ đầu tháng 1/2023, Trung Quốc mở cửa trở lại giúp thanh long xuất khẩu sang thị trường này thuận lợi hơn rất nhiều. Lượng hàng của doanh nghiệp sang đây cũng tăng mạnh từ 25-30%, kỳ vọng xuất khẩu thanh long của Việt Nam (sang thị trường này) sớm vượt mốc 1 tỷ USD.
Dự báo xuất khẩu rau quả của Việt Nam có thể đạt 4 tỷ USD trong năm 2023
Ngoài ra, xuất khẩu rau quả sang các thị trường khác như Mỹ, Úc, châu Âu… hiện cũng thuận lợi hơn do giá cước vận chuyển đã hạ nhiệt. Trong những ngày Tết Nguyên đán, giá thanh long bắt đầu tăng dần, báo hiệu một năm khởi sắc.
Ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam - cũng cho rằng, Trung Quốc là một thị trường lớn có tới 1,5 tỷ dân và nhập khẩu 15 tỷ USD rau quả mỗi năm. Việt Nam hiện mới xuất khẩu 2 tỷ USD, chiếm thị phần rất nhỏ tại thị trường này. Do vậy, việc Trung Quốc mở cửa trở lại, giúp xuất khẩu rau quả Việt Nam sang có thể bùng nổ trong thời gian tới.
“Dự báo xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc có thể đạt kim ngạch ít nhất 2,5 tỷ USD, thậm chí có thể cán mốc 3 tỷ USD. Cả năm 2023, kim ngạch xuất khẩu toàn ngành rau quả tăng 20-30%, đạt khoảng 4 tỷ USD”, ông Nguyên chia sẻ.
Cục Bảo vệ thực vật cho biết, Việt Nam hiện đã có 5 loại rau quả xuất khẩu sang Trung Quốc theo hình thức ký kết nghị định thư là: măng cụt, sầu riêng, chuối và khoai lang và 7 loại trái cây xuất khẩu theo dạng truyền thống (xoài, thanh long, nhãn, vải, dưa hấu, chôm chôm, mít).
Năm 2023 dự kiến, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sẽ tiếp tục đàm phán ký nghị định thư với Trung Quốc các loại trái cây còn lại, đồng thời đàm phán mở cửa thêm cho các sản phẩm như bưởi, mãng cầu, dừa, mận (roi), chanh ta…
Tiền Phong