RCEP có mở ra cơ hội tăng xuất khẩu rau quả, giảm rủi ro cho doanh nghiệp vào thị trường Trung Quốc?
Trung Quốc là thị trường xuất khẩu rau quả chính của Việt Nam, tuy nhiên theo các doanh nghiệp “làm ăn với thị trường này có rất nhiều rủi ro”. Vì vậy, RCEP được nhiều doanh nghiệp kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội cũng như “an toàn” hơn.
- 17-01-2021Năm 2021, xuất khẩu rau quả có lấy lại đà tăng trưởng?
- 12-01-2021Xuất khẩu rau quả năm 2020 đạt 3,26 tỷ USD
- 18-11-2020Công nghệ chiếu xạ thúc đẩy xuất khẩu rau quả tăng trưởng
Năm 2020, xuất khẩu rau quả ước đạt 3,26 tỷ USD, giảm 12,7% so với năm 2019. Năm 2020, ngành hàng rau quả của Việt Nam đối mặt với nhiều khó khăn, do đại dịch Covid-19 tác động trực tiếp tới đời sống, kinh tế, xã hội, làm đứt gãy các chuỗi cung ứng toàn cầu và gây ảnh hưởng trực tiếp tới sản xuất và hoạt động xuất, nhập khẩu, tiêu thụ tại nhiều thị trường.
Xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc đang có xu hướng giảm
Theo Tổng cục Hải Quan Việt Nam, năm 2020 mặt hàng rau quả xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 1,83 tỷ USD giảm mạnh tới 27% so với 2,5 tỷ USD của năm 2019. Xuất khẩu hàng rau quả sang Trung Quốc giảm mạnh là do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19 và đưa ra những quy định nghiêm ngặt hơn về truy xuất nguồn gốc sản phẩm, vệ sinh an toàn thực phẩm.
Nếu năm 2016 kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam đạt 2,5 tỷ USD, trong đó thị trường Trung Quốc chiếm đến 70,7% thị phần với giá trị là 1,76 tỷ USD.
Năm 2017, kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt 3,514 tỷ USD, tăng 42,5% so với năm 2016, trong đó, thị trường Trung Quốc chiếm 75,6% thị phần, đạt hơn 2,65 tỷ USD.
Năm 2018, xuất khẩu rau quả của cả nước tiếp tục tăng trưởng đạt hơn 3,8 tỷ USD, tăng 8,8% so với 2017, riêng thị trường Trung Quốc chiếm 70,1% thị phần, đạt hơn 2,8 tỷ USD, tăng 7,69% so với năm 2017.
Năm 2019, xuất khẩu rau quả của Việt Nam đạt 3,75 tỷ USD, giảm 1,5% so với năm 2018, riêng thị trường Trung Quốc chiếm 64,8% thị phần, tương đương 2,43 tỷ USD, giảm 12,7% so với năm 2018.
Trong năm 2020, trị giá xuất khẩu hàng rau quả tới thị trường Trung Quốc vẫn chiếm tỷ trọng lớn, nhưng giảm mạnh so với năm 2019, và năm 2021 có thể tiếp tục sụt giảm, bởi theo một doanh nghiệp chuyên xuất khẩu rau quả thị trường Trung Quốc cho biết, trong năm 2021 Trung Quốc siết chặt xuất khẩu chính ngạch bằng việc tiến hành nghiêm việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm bằng mã QR code và cấm xuất khẩu tiểu ngạch.
Với mức sống của người dân Trung Quốc được nâng cao, người tiêu dùng ngày càng đề cao chất lượng, tính an toàn của nông sản, thực phẩm. Trung Quốc vẫn là thị trường có sức mua lớn và là điểm đến lớn nhất đối với hàng rau quả của Việt Nam. Để đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường này, các doanh nghiệp cần phải nâng cao chất lượng sản phẩm hàng rau quả và đáp ứng đúng các tiêu chuẩn mà phía Trung Quốc yêu cầu.
RCEP có "kéo" tăng được kim ngạch xuất khẩu rau quả sang thị trường Trung Quốc?
Hiện nay, quy mộ sản xuất rau quả của Việt Nam tuy lớn nhưng còn rất manh múng, chưa sản xuất tập trung với quy mô lớn nên việc áp dụng truy xuất nguồn gốc đối với từng hộ nông dân là rất khó khăn và tốn kém. Sản xuất rau quả an toàn theo hướng VietGap hay GlobalGap còn khá khiêm tốn tính chỉ chiếm khoảng 10 - 15%/ tổng diện tích trồng trọt nên doanh nghiệp gặp khó khăn trong huy động lượng hàng lớn đạt tiêu chuẩn thực hiện các đơn hợp đồng xuất khẩu.
Đặc biệt, khi tham gia RCEP cả Việt Nam và Trung Quốc điều mở cửa thị trường cho nhau cũng như 13 quốc gia còn lại tham gia hiệp định. RCEP được cho là mở ra cơ hội cho hàng rau quả có thế mạnh của Việt Nam sẽ rộng đường vào thị trường tỷ dân của Trung Quốc. Và theo lộ trình RCEP, Trung Quốc sẽ xóa bỏ 90,7% thuế quan cho Việt Nam, còn Việt Nam sẽ xóa bỏ 85,6% thuế quan cho Trung Quốc. Nhưng trong hiệp định RCEP này cũng có Thái Lan là nước có nhiều mặt hàng rau quả cạnh tranh chính với Việt Nam.
Bizlive