Rèn được thói quen đơn giản này, 1 ngày của bạn sẽ không trôi qua lãng phí
"Tôi sẽ dành ưu tiên và sự tập trung chú ý cũng như năng lượng vào những việc sẽ đem lại cho mình sự đền đáp cao nhất", tác giả của hàng loạt cuốn sách nổi tiếng về quản trị John C. Maxwell từng nói. Thế nhưng để tạo được thói quen ưu tiên cũng cần phải kiên nhẫn luyện tập.
- 04-01-2018Những thói quen hàng ngày bạn không nhận ra có thể rút ngắn cuộc sống của bạn
- 04-01-2018Kỷ luật hay là chết: thói quen tuy khó nhưng lại là dễ nhất để đi đến thành công
- 01-01-2018Nếu muốn có một năm 2018 thành công trong sự nghiệp, bạn nhất định phải từ bỏ những thói quen này
Lấy lại ngày hôm nay
Đã bao giờ bạn nhận thấy rằng những người không có gì để làm thường muốn dành nhiều thời gian của họ cùng bạn? Nhà thơ Carl Sandburg từng nói: "Thời gian là đồng xu giá trị nhất trong cuộc đời bạn. Bạn và chỉ mình bạn quyết định tiêu xài nó thế nào. Hãy cẩn thận, đừng để người khác xài nó hộ bạn."
Bạn có tài sản lớn nhất là 24 giờ phía trước. Bạn sẽ sử dụng nó thế nào? Bạn sẽ để các áp lực chiếm hết khoảng thời gian đó hay tập trung vào những điều ưu tiên? Bạn sẽ để những email vô nghĩa, những công việc không quan trọng, nhân viên quảng cáo qua điện thoại, những việc gián đoạn, những phiền nhiễu khác tiêu phí hết thời gian trong ngày của bạn?
Hay bạn sẽ sử dụng nó một cách có trách nhiệm, kiểm soát những điều bạn có thể và để ngày hôm nay là của bạn? Nếu bạn không quyết định sẽ sử dụng ngày hôm nay của mình thế nào, một người nào đó sẽ sử dụng nó.
Tự hỏi bản thân 3 câu hỏi
Trong một ngày có rất nhiều sự kiện, công việc cùng xuất hiện, làm cách nào để xác định ra ưu tiên của cuộc đời bạn. Theo John C. Maxwell, bạn cần phải thay đổi cách tiếp cận với cuộc đời và sự nghiệp của mình và bắt đầu bằng cách tự hỏi mình 3 câu hỏi cốt yếu:
1. Điều gì là bắt buộc đối với tôi?
Bất kỳ đánh giá thực tế nào về những việc ưu tiên trong bất kỳ lĩnh vực nào của cuộc sống cũng phải bắt đầu từ một đánh giá thực tế về những việc mà một người phải làm. Để trở thành một người bạn đời tốt hay cha mẹ tốt, bạn phải đáp ứng những đòi hỏi gì? Để người chủ của bạn hài lòng, bạn phải làm gì? (Nếu bạn là người dẫn dắt mọi người, thì câu hỏi là: Việc gì bạn phải tự làm mà không thể giao phó cho người khác?) Khi sắp xếp những việc ưu tiên, bạn hãy luôn luôn bắt đầu với câu hỏi về các yêu cầu và suy nghĩ cẩn thận trước khi chuyển qua câu hỏi kế tiếp.
2. Điều gì mang đến cho tôi lợi ích cao nhất?
Khi tiến lên trong sự nghiệp của mình, bạn bắt đầu nhận thấy có nhiều hoạt động mang lại hiệu quả hơn hẳn so với các hoạt động khác (Bất kì ai không khám phá ra điều này thì đều không có tiến triển gì trong sự nghiệp cả!). Điều tiếp theo là cần tập trung sự chú ý của bạn vào những hoạt động mang lại lợi ích cao này.
3. Điều gì mang đến cho tôi phần thưởng tuyệt vời nhất?
Nếu bạn chỉ làm những việc phải làm và những gì hiệu quả, bạn sẽ có năng suất cao, nhưng có thể bạn sẽ không có được sự toại nguyện. Ông cho rằng việc suy nghĩ về những điều khiến cá nhân bạn cảm thấy hài lòng cũng rất quan trọng. Tuy nhiên nhiều người muốn bắt đầu ngay với câu hỏi về giải thưởng và không tiến xa hơn nữa. Không một ai có thể thành công mà không có kỷ luật để thực hiện hai lĩnh vực đầu tiên trước khi thêm vào lĩnh vực thứ ba.
Triết gia William James nói: "Nghệ thuật của sự thông thái là nghệ thuật biết phải bỏ qua điều gì". Nếu bạn đưa những điều ưu tiên vào trọng tâm bằng cách trả lời 3 câu hỏi trên, bạn sẽ có nhiều gợi ý cho việc cần phải bỏ qua điều gì.
Luôn ở trong vùng mà bạn có thế mạnh
Người ta không chi tiền cho sự bình thường. Người ta không đi tìm kiếm một cửa hàng tầm thường, một bộ phim hạng hai khi đi chơi vào buổi tối. Người chủ không thuê một người bán hàng được biết đến với cái tên ngài Trung bình. Không ai nói: "Hãy ký hợp đồng với công ty mà sẽ chỉ đơn thuần làm đầy đủ công việc."
Nhưng để tìm thấy vùng sức mạnh của mình cần có thời gian và sự tìm hiểu kỹ lưỡng. Nếu bạn chưa thực sự có một nhận thức tốt về những thế mạnh của mình, thì bạn có thể muốn khám phá một vài gợi ý bên dưới. Những điều này đều dựa trên những việc tôi đã làm để tìm ra vùng thế mạnh của mình.
Thử và sai: Không gì dạy bạn nhiều bằng những thành công và thất bại của chính bạn. Bất cứ khi nào có việc gì dường như chỉ toàn là "thử nghiệm" và bạn mắc rất nhiều sai sót, đó có lẽ là lúc để chuyển qua việc khác. Nhưng bạn chấp nhận rủi ro thất bại để tìm được thành công của chính mình.
Nhận góp ý từ người khác: Việc yêu cầu người khác đánh giá tính hiệu quả của bạn quả thật không phải lúc nào cũng vui vẻ, nhưng nó luôn luôn hữu ích. Hãy chắc chắn rằng bạn chọn được người sẵn sàng giúp bạn mà không có ý gì khác.
Trắc nghiệm tính cách: Các đánh giá, như là DISC, hồ sơ tính cách của Florence Littauer, và phương pháp Myers Briggs, có thể rất hữu ích. Chúng sẽ giúp lọc ra một số khuynh hướng tự nhiên của bạn và giúp bộc lộ các ưu, khuyết điểm mà bạn không tự nhận thức được.
Kinh nghiệm cá nhân: Thường bạn sẽ cảm nhận được mình làm việc gì đó tốt đến đâu khi làm đi làm lại nhiều lần. Nhưng cần nhớ rằng: Kinh nghiệm không phải lúc nào cũng là một giáo viên giỏi – nhưng kinh nghiệm đã qua đánh giá thì có!
Thủ tướng Anh William Gladstone nói: "Người khôn ngoan là người không dành sức lực để theo đuổi những điều không phù hợp; còn người khôn ngoan hơn là người từ trong những việc có khả năng làm tốt, lựa chọn ra và quyết tâm theo đuổi những việc tốt nhất." Bạn càng ở lại trong khu vực mình có ưu thế nhiều bao nhiêu, hiệu quả làm việc của bạn càng tốt, và khả năng đạt được những tiềm năng của bạn càng cao bấy nhiêu.
Trí thức trẻ