Renault và Fiat bàn kế hoạch sáp nhập, tạo ra nhà sản xuất ôtô lớn thứ 3 thế giới
Renault đang xem xét việc sáp nhập với Fiat Chrysler, một thỏa thuận sẽ định hình lại ngành công nghiệp xe hơi toàn cầu và giúp các nhà sản xuất cạnh tranh trong cuộc đua về xe điện và xe tự lái.
Hôm 27/5, nhà sản xuất ôtô Pháp Renault cho biết, họ sẽ nghiên cứu đề xuất từ Fiat Chrysler. Theo đó, Fiat sẽ cấp cho các cổ đông của Renault quyền sở hữu 50% nếu hai bên liên kết.
Doanh nghiệp liên kết mới sẽ đạt doanh số hàng năm là 8,7 triệu xe. Và cả 2 bên đều có lợi nếu đạt được thỏa thuận liên minh. Các cơ quan quản lý có thể sẽ xem xét kỹ lưỡng bất kỳ thỏa thuận nào giữa Fiat Chrysler và Renault. Tuy nhiên, chính phủ Pháp, sở hữu 15% của Renault, cho biết họ sẽ hỗ trợ cho việc sáp nhập.
Nếu hoàn thành, việc sáp nhập sẽ tạo ra nhà sản xuất ôtô lớn thứ ba thế giới sau Volkswagen (VLKAF) và Toyota (TM). General Motors (GM) rơi xuống vị trí thứ tư trên bảng xếp hạng toàn cầu.
Cổ phiếu của Renault (RNLSY) tăng hơn 15% tại Paris vào thứ Hai, trong khi cổ phiếu Fiat Chrysler tăng vọt, khoảng 11% tại Milan.
Ảnh: Phys.
Các công ty đã thảo luận cách hợp tác về các sản phẩm và công nghệ mới. Tuy nhiên, trong một tuyên bố, Fiat Chrysler nêu rõ đề xuất của mình để có thể thu được nhiều hơn từ việc sáp nhập. "Các cuộc thảo luận cho thấy lợi ích rõ ràng từ việc sáp nhập. Theo đó, hiệu quả về vốn và tốc độ phát triển sản phẩm sẽ được cải thiện đáng kể". Theo Fiat Chrysler, việc sáp nhập với Renault sẽ giúp tiết kiệm chi phí hàng năm hơn 5 tỷ euro (5,6 tỷ USD) và không có nhà máy nào bị đóng cửa.
Fiat Chrysler sở hữu các thương hiệu gồm Jeep, Dodge, Alfa Romeo và Maserati. Một trong những thị trường hàng đầu của công ty là Bắc Mỹ, nơi Renault không có nhiều thị phần. Trong khi đó, Renault là thành viên trong liên minh ôtô lớn nhất thế giới với các nhà sản xuất Nhật Bản Nissan (NSANF) và Mitsubishi Motors.
Các nhà sản xuất ôtô đang tìm kiếm sự hợp tác để chia sẻ chi phí phát triển các công nghệ mới bao gồm xe điện và hệ thống lái tự động.
Hai hãng ôtô Đức BMW (BMWYY) và Daimler (DDAIF) đã thành lập một liên doanh để phát triển dịch vụ chia sẻ đi xe và tính phí. Ford (F) và Volkswagen bắt tay để phát triển một số loại xe mới.
Xu hướng hợp tác đã tăng mạnh trong những tháng gần đây khi các nhà sản xuất ôtô chịu nhiều áp lực hơn từ những thương hiệu xe điện mới nổi như Tesla (TSLA) và các công ty công nghệ trong đó có Uber (UBER) .
Theo CNN
Người đồng hành