MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Robot “siêu khủng” gần 4 triệu USD đã xuyên thủng 781m dưới lòng đất cho nhà ga Metro Sài Gòn

31-10-2017 - 16:21 PM | Xã hội

Qua hơn 5 tháng thi công, siêu “quái vật” đào hầm TBM đã khoan hoàn tất 781m dưới lòng đất, lắp ghép 3.900 tấm vỏ hầm của tuyến hầm phía Đông (đoạn từ Tôn Đức Thắng đến Nhà hát thành phố).

Sáng 31/10, Ban quản lý Đường sắt đô thị TP. HCM và Liên danh nhà thầu Shimizu – Maeda (Nhật Bản) tổ chức lễ đón máy khoan hầm TBM (robot 300 tấn) về nhà ga Nhà hát Thành phố, sau khi hoàn tất công tác khoan hầm phía Đông của đoạn ngầm Ba Son (tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên).

Thông tin với báo chí, Ban quản lý Đường sắt đô thị TP HCM cho biết, qua hơn 5 tháng thi công, siêu "quái vật" đào hầm TBM đã khoan hoàn tất 781m dưới lòng đất, lắp ghép 3.900 tấm vỏ hầm của tuyến hầm phía Đông (đoạn từ Tôn Đức Thắng đến Nhà hát thành phố).

Ông Trần Vĩnh Tuyến (thứ 3 từ trái sang) cùng lãnh đạo Ban quản lý đường sắt đô thị TP và đại diện Văn phòng Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản đến dự lễ đón máy khoan.

Ông Dương Hữu Hòa, Giám đốc dự án xây dựng đường sắt Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) thuộc Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM cho biết, hiện gói thầu 1b gồm có 3 nhà ga ngầm là ga Ba Son, Nhà hát TP và Bến Thành. Nếu 3 nhà ga hoàn thành đúng tiến độ thì mới đảm bảo thông suốt tuyến từ trên cao đi vào tầng ngầm.

Theo ông Hoà, trước đó công tác đào hầm bắt đầu từ ngày 26/5 gặp nhiều trở ngại khi xuất hiện nhiều trận mưa lớn khiến nước thấm vào hầm. Tuy nhiên nhờ chuyên gia tư vấn Nhật Bản và các chuyên gia của TP đã góp ý và khắc phục.

Ông hào cho biết thêm, điều kiện địa chất TP. HCM yếu, có xảy ra hiện tượng nứt hầm cục bộ nên đã mời chuyên gia của Pháp sang khắc phục và đến nay đã đạt tiêu chuẩn và chất lượng.

Tuyến hầm phía đông này đi từ ga Ba Son băng qua các đường Tôn Đức Thắng, Ngô Văn Năm, khu vực 3a Tôn Đức Thắng, Nguyễn Siêu, Hai Bà Trưng, đi giữa Nhà hát thành phố và khách sạn Caravelle, băng qua đường Đồng Khởi đến ga Nhà hát thành phố.

781m dưới lòng đất được robot hoàn thành.

Robot đào hầm

Theo ông Akito Takahashi - Phó đại diện Văn phòng Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam, đây là lần đầu tiên công nghệ khiên đào tiên tiến của Nhật Bản được ứng dụng trong thi công công trình đô thị ở Việt Nam. Việc sử dụng công nghệ máy khoan ngầm TBM ít ảnh hưởng đến giao thông cũng như sinh hoạt của người dân trong thành phố.

Phó chủ tịch UBND TP. HCM Trần Vĩnh Tuyến, tham dự buổi lễ cho biết rất vui mừng vì sự nỗ lực của các chuyên gia Nhật Bản cũng như kỹ sư Việt Nam đã xuất sắc hoàn thành tiến độ trước 1 tháng. Ông Tuyến bày tỏ sự tin tưởng tuyến Metro số 1 sẽ hoạt động vào cuối năm 2020.

Việc đào hầm trước đó gặp nhiều trở ngại do mưa lớn, đất bị thấm nước.

Đã lắp ghép 3.900 tấm vỏ hầm.

Bắt đầu từ hôm nay, robot TBM sẽ được đơn vị thi công tháo rời và chuyển trở lại ga Ba Son (tháo lắp 3 tháng) tiếp tục đào đường hầm thứ 2 song song với tuyến vừa hoàn thành, cách mặt đất 10m dẫn về ga Nhà hát Thành phố. Tuyến metro số 1 có chiều sâu gần 30 m.

Trước đó, sáng 24/10, Ban quản lý Đường sắt đô thị TP HCM triển khai việc lắp đường ray, đoạn đi trên cao của tuyến metro số 1. Việc lắp đặt 17 km đường ray (đoạn đi trên cao) của tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên sẽ hoàn thành vào cuối năm 2018.

Theo Tứ Quý

Trí thức trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên