Rơi máy bay Indonesia: Chiếc Boeing tông phải "bom mưa"?
Chiếc Boeing 787 MAX 8 của hãng Lion Air (Indonesia) chỉ mới được đưa vào sử dụng trong 2 tháng và có 800 giờ bay nên các chuyên gia đang rất đau đầu để tìm ra nguyên nhân gây tai nạn chính xác.
- 31-10-2018"Tìm thấy xác máy bay Boeing 737 của Lion Air dưới đáy biển"
- 31-10-2018Toàn cảnh rơi máy bay Lion Air JT610 chở 189 người và công tác cứu hộ
- 31-10-2018Giả thuyết nguyên nhân tai nạn máy bay Indonesia: Do máy bay quá mới?
- 30-10-2018Đội cứu hộ Indonesia mang 24 túi đựng thi thể nạn nhân vụ máy bay Lion Air rơi về nơi nhận dạng
- 30-10-2018Vì sao vụ tai nạn máy bay thảm khốc ở Indonesia lại là cú tát đau đớn vào Boeing?
Trong khi vẫn chưa có thông tin gì được đưa ra về lý do chiếc máy bay mới tinh đâm xuống biển 13 phút sau khi cất cánh, trang FlightRadar24 đã công bố dữ liệu cho thấy chiếc 787 MAX 8 hoạt động không bình thường trong lúc cất cánh khi liên tục rớt độ cao.
Cả độ cao và tốc độ đều bất thường
Thông thường, máy bay tăng độ cao trong vài phút đầu của hành trình, còn chiếc máy bay xấu số rơi hơn 220 m trong vòng 21 giây.
Chuyên gia hàng không Philip Butterworth-Hayes chia sẻ với đài CNN rằng dữ liệu nói trên là bất thường, đặc biệt là khi quá trình cất cánh thường được điều khiển bởi hệ thống lái tự động của máy bay.
Máy bay Boeing 787 MAX 8 liên tục rớt độ cao trong chuyến bay hôm 29-10. Điều này rất khác thường so với chuyến bay hôm 26-9. Ảnh: CNN
Tương tự, có sự khác biệt bất thường giữa dữ liệu vận tốc của 2 chuyến bay. Ảnh: FlightRadar24
"Dữ liệu này là rất bất thường so với một chuyến bay được thực hiện bởi hệ thống lái tự động, trừ khi máy bay tự sửa lỗi vào thời điểm cất cánh vì nhiều lí do khác nhau…Cụ thể là vào thời điểm máy bay tăng tốc nhưng độ cao lại bị giảm. Điều này cho thấy dường như đã xảy ra sự mất kiểm soát" – ông Butterworth-Hayes cho hay.
Chiếc Boeing 787 MAX 8 nói trên, chỉ mới hoạt động từ ngày 15-8, rớt xuống biển Java vào ngày 29-10 trong lúc chở 189 người, bao gồm 7 thành viên phi hành đoàn, đi từ Jakarta đến đảo Bangka – Indonesia.
13 phút sau khi cất cánh, máy bay Boeing 787 MAX 8 rơi. Ảnh: Indonesia's National Search and Rescue Agency
Cựu điều tra viên của Cơ quan An toàn Giao thông Quốc gia Mỹ Peter Goelz cũng khẳng định dữ liệu độ cao và tốc độ của chiếc Boeing 787 MAX 8 nói trên cho thấy điều bất thường.
"Rõ ràng là dữ liệu độ cao và vận tốc cho thấy điều bất thường xảy ra với hệ thống điều khiển bay. Đây là những hệ thống điều khiển điện tử - tự động hóa rất cao. Phi công nhiều khả năng không thể giải quyết vấn đề kịp thời" – ông Goelz nhận định.
Tông phải "bom mưa"?
Trong khi đó, chuyên gia hàng không Butterworth-Hayes cho rằng nguyên nhân vụ tai nạn nhiều khả năng không phải xuất phát từ lỗi kỹ thuật, đặc biệt là khi chiếc Boeing 787 MAX 8 nói trên chỉ mới hoạt động được 2 tháng.
Thợ lặn hoạt động tại hiện trường vụ việc. Ảnh: Reuters
"Máy bay không tự nhiên rơi từ trên trời xuống. Tôi không thể nghĩ ra được sự cố kỹ thuật nào ngoài sự cố động cơ mất năng lượng đột ngột, không thể giải thích hoặc mất điện hoàn toàn. Nhiều khả năng là máy bay gặp nạn do yếu tố bên ngoài" – ông Butterworth-Hayes nhận định.
Chuyên gia này nói rằng nguyên nhân có thể xuất phát từ một sự kiện thời tiết cực đoan nào đó, chẳng hạn như microburst (bom mưa), hoặc cũng có thể là máy bay tông vào một đàn chim.
"Rất khó để phát hiện bom mưa – chúng là một dạng gió giáng đột ngột, giống như nước xoáy vậy và bạn không thể thấy nó. Bạn tông vào nó, máy bay đột nhiên hoạt động bất thường. Bạn bắt đầu làm mọi cách để khắc phục nhưng đã quá trễ" – ông Butterworth-Hayes nói thêm.
Binh sĩ Indonesia cũng hỗ trợ quá trình tìm kiếm các nạn nhân. Ảnh: Reuters
Trước khi gặp nạn, chiếc Boeing 737 MAX 8 nói trên đã yêu cầu trạm kiểm soát không lưu cho phép quay về sân bay khi chỉ mới đi được 19 km. Tuy nhiên, phi công không đề cập đến sự cố khẩn cấp. Theo dữ liệu radar, máy bay không quay lại và trạm kiểm soát không lưu mất liên lạc với nó không lâu sau đó.
Ông Butterworth-Hayes khẳng định việc phi công không đề cập đến sự cố khẩn cấp cho thấy vào thời điểm đó, họ đang khắc phục một trục trặc nho nhỏ trên máy bay và họ cho rằng họ làm chủ được tình hình nên không yêu cầu hỗ trợ.
Tổng thống Indonesia Joko Widodo kiểm tra một mảnh vỡ của chiếc Boeing 787 MAX 8. Ảnh: Reuters
Trước đó, cựu thanh tra an toàn bay của Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) David Soucie nhận định với CNN rằng có điều gì đó đã xảy ra "đột ngột" và "rất nhanh chóng" khiến máy bay mất kiểm soát. Theo ông Soucie, thời tiết không phải là nguyên nhân gây tai nạn.
Trước khi gặp nạn vào sáng 29-10, chiếc Boeing 787 MAX 8 nói trên thực chuyến bay nội địa đi từ Denpasar đến Jakarta vào đêm 28-10. Các phi công trên chuyến bay này đã báo cáo một số vấn đề kỹ thuật khi hạ cánh. Ngay sau đó, theo Giám đốc điều hành Lion Air Edward Sirait, các kỹ sư đã kiểm tra, khắc phục sự cố và khẳng định máy bay đã sẵn sàng.
Người thân của một nạn nhân trên chuyến bay JT 610 của hãng Lion Air không kìm được nước mắt. Ảnh: Reuters
Theo CNN
Người Lao động