Rơi máy bay tại Indonesia: Hãng Boeing đối mặt với vụ kiện mới
Gia đình của một trong hai viên phi công người Indonesia trên chuyến bay xấu số của hãng hàng không Lion Air gặp nạn hồi tháng 10 vừa qua đã đệ đơn kiện hãng chế tạo máy bay Boeing của Mỹ.
- 04-12-2018Đánh lạc hướng dư luận, đổ tội cho Lion Air trong vụ rơi máy bay làm 189 người thiệt mạng, Boeing có nguy cơ mất hợp đồng 22 tỷ USD
- 17-11-2018Cổ phiếu Boeing lao dốc sau vụ rơi máy bay Lion Air
Ngày 28/12, gia đình của một trong hai viên phi công người Indonesia trên chuyến bay xấu số của hãng hàng không Lion Air gặp nạn hồi tháng 10 vừa qua đã đệ đơn kiện hãng chế tạo máy bay Boeing của Mỹ.
Đây là vụ kiện mới nhất chống lại hãng chế tạo máy bay của Mỹ ngay tại quê nhà.
Đơn kiện được trình lên tòa án ở hạt Cook, bang Illinois, Mỹ, trong đó cáo buộc rằng một máy bay Boeing 737 MAX 8 do hãng hàng không Lion Air sử dụng đã gặp nguy hiểm một cách vô lý, chỉ vì các bộ phận cảm ứng của máy bay cung cấp thông tin mâu thuẫn cho phi công và máy bay.
Đơn kiện trên do vợ góa của phi công Harvino và ba con nhỏ của ông đứng tên, khởi kiện từ Jakarta.
Bên nguyên đơn cũng cáo buộc rằng phần hướng dẫn điều khiển bằng tay do hãng Boeing cung cấp cho máy bay mới sử dụng được hai tháng nói trên không đầy đủ, dẫn tới cái chết của cả hai phi công, toàn bộ phi hành đoàn và tất cả hành khách trên máy bay.
Trong một tuyên bố, công ty luật Gardiner Koch Weisberg & Wrona cho biết ông Harvino và cơ trưởng của chuyến bay số 610, Bhayve Suneja, đều là những phi công dày dạn kinh nghiệm, với hơn 5.000 và 6.000 giờ bay trước khi xảy ra thảm họa trên.
Hãng Boeing hiện chưa bình luận gì về vụ kiện mới này.
Trước đó, Boeing đã phải đối mặt với hai vụ kiện khác với nguyên đơn là gia đình các nạn nhân của Lion Air.
Một báo cáo điều tra sơ bộ của Indonesia đã tập trung vào hoạt động bảo trì và huấn luyện của hãng Lion Air, cũng như phản ứng của hệ thống chống xóc của Boeing đối với một máy cảm ứng mới, song không nêu nguyên nhân vụ tai nạn trên.
Phát biểu với báo giới, một trong các điều tra viên, ông Nurcahyo Utomo cho biết còn quá sớm để xác định liệu có phải phiên bản mới của hệ thống chống xóc, không được giải thích hướng dẫn rõ cho các phi công điều khiển bằng tay, là một trong số tác nhân gây tai nạn hay không.
Ngày 29/10 vừa qua, chuyến bay mang số hiệu 610 của Lion Air đã rơi xuống biển Java sau khi cất cánh từ Jakarta, làm toàn bộ 189 người trên máy bay thiệt mạng.
Hiện thi thể của 64 nạn nhân chưa được tìm thấy. Ngày 17/12, do sức ép của gia đình các nạn nhân, Lion Air đã phải chi thêm 2,6 triệu USD để nối lại chiến dịch tìm kiếm hộp đen thứ hai và các nạn nhân.
Lion Air thuê công ty tàu lặn MPV Everest của Hà Lan, có gắn thiết bị điều khiển từ xa hiện đại nhất, cho chiến dịch tìm kiếm mới này.
TTXVN