Rời phố về quê khởi nghiệp chỉ với 3 triệu đồng: Người đàn ông 'chạy ăn từng bữa' thành tỷ phú nhờ trồng rau, nuôi gà
Ông Liu Yonghao tại một nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi của New Hope vào năm 1995.
Từng nghèo đến mức "không có một đôi giày vừa với chân", vị doanh nhân này đã trở thành tỷ phú và được mệnh danh là "người nuôi gà giàu nhất Trung Quốc".
Ăn vận giản dị, thích áo phông hơn những bộ com-lê chỉn chu và không phải là người có vẻ bề ngoài hào nhoáng, Liu Yonghao không giống với bất kỳ tỷ phú hay doanh nhân nào thường thấy ở Trung Quốc. Ông có giọng nói nhỏ nhẹ, thường đến những tiệm cắt tóc quen, nhiều năm chỉ lái đúng một chiếc ô tô và hay mua vé máy bay hạng phổ thông vì giá rẻ.
Liu tự hào rằng ông sở hữu một vườn rau ở cả 2 ngôi nhà của mình tại Bắc Kinh và Thành Đô, ông còn tự trồng ớt và dưa chuột. Ông là một người thuần thục với việc đồng áng và cũng nổi tiếng với biệt danh "người nuôi gà giàu nhất Trung Quốc". Theo Forbes, ông Liu hiện sở hữu khối tài sản hơn 9 tỷ USD.
Liu là nhà sáng lập và chủ tịch của New Hope Group, công ty kinh doanh thức ăn chăn nuôi được thành lập vào năm 1982 và niêm yết vào năm 1998. Tập đoàn của ông có khoảng 70.000 nhân viên và 600 công ty con tại 30 quốc gia trên thế giới. Tập đoàn thức ăn chăn nuôi lần đầu tiên mở rộng ra nước ngoài vào năm 1999 và lựa chọn thị trường Việt Nam làm nơi "tiên phong". Trong những năm gần đây, Liu cũng đầu tư vào các quốc gia có trong Sáng kiến Vành đai và Con đường của Bắc Kinh.
Tỷ phú "nuôi gà" Liu Yonghao.
Vị tỷ phú này hiện đang kiểm soát 3 công ty niêm yết, bao gồm New Hope Liuhe, New Hope Dairy và Xingyuan Environment Technology, tất cả đều được niêm yết trên các sàn giao dịch đại lục. Ông cũng là nhà đầu tư ban đầu vào ngân hàng tư nhân đầu tiên của Trung Quốc, Ngân hàng Minsheng Trung Quốc, và là phó chủ tịch hội đồng quản trị của ngân hàng này.
Dẫu vậy, xuất phát điểm của Liu lại là những tháng ngày khó khăn. Khi còn nhỏ, gia đình ông cực kỳ nghèo khó, phải "chạy ăn từng bữa" nhưng cha mẹ luôn cho các anh em được hưởng nền giáo dục tốt nhất. Sau khi tốt nghiệp, ông Liu làm giáo viên nhưng mức lương cũng chỉ đủ sống qua ngày.
Trong cuộc Đại cách mạng văn hóa ở Trung Quốc, Liu là một trong số những thanh niên thành thị được điều về các vùng nông thôn để tham gia sản xuất. Chia sẻ với Financial Times về khoảng thời gian đó, ông cho biết: "Trong suốt 4 năm 9 tháng, khi còn là một thanh niên từ thành phố về quê, tôi đã trồng lúa và rau, còn gánh cả phân. Tôi làm tất cả những công việc của một người nông dân. Tôi có thể vác một cái sào 75kg trên vai, dù khi ấy chỉ nặng có 55kg."
Ông Liu Yonghao và con gái Liu Chang - người kế nhiệm lãnh đạo tập đoàn New Hope.
Sau đó, với vỏn vẹn 3 triệu đồng từ việc bán những tài sản quý giá nhất của mình là một chiếc đồng hồ và một chiếc xe đạp, Liu và 3 anh trai trong gia đình đã mua và nuôi chim cút. Họ bán trứng và nuôi thêm chim cút, gà cho đến khi nảy ra ý tưởng kinh doanh thức ăn chăn nuôi.
Kể từ năm 1995, Liu và các anh của mình đã tách ra để thành lập 4 công ty riêng và đều dùng chữ "Hope" để đặt tên: Continental Hope Group, East Hope Group, West Hope Group và New Hope Group. New Hope đến nay vẫn là một trong những nhà cung cấp thịt lợn, trứng và thực phẩm từ sữa lớn nhất của Trung Quốc.
Theo Nikkei, công ty thành công nhất, xét về khối tài sản cá nhân đó là New Hope và East Hope - kinh doanh lĩnh vực nông nghiệp và mở rộng sang cả nhôm, hóa chất, năng lượng và bất động sản, được điều hành bởi người anh thứ hai là ông Liu Yongxing. Liu Yongyan là con cả, điều hành Continental Hope, trong khi Liu Yongmei sở hữu West Hope.
Ông cũng không ngại kể về khoảng thời gian nghèo khó của mình: "Tôi chưa từng có một đôi giày vừa với mình trước năm 20 tuổi và gần như lúc nào cũng đói. Vì rất nghèo nên tôi chăm chỉ làm việc. Điều đó đã tạo nên những thành quả ngày hôm nay. Vì thế, tôi có phong thái làm việc rất ổn định, với tâm thế rất bình tĩnh khi nhìn vào sự nghiệp của mình."
Một điểm khác biệt của ông với những vị doanh nhân giàu có đó là chi tiêu hàng ngày không vượt quá 100 NDT (khoảng 340.000 đồng). Ở công ty, ông ăn cơm tại căng-tin để nhân viên thấy gần gũi với sếp hơn. Hơn nữa, ông cũng không phải là người thích tiệc tùng, chỉ muốn có bầu không khí ấm cúng khi dùng bữa tại nhà hoặc căng-tin của công ty. Thậm chí ông chỉ đi một đôi giàu giá hơn 100 NDT suốt nhiều năm, không biết đến đồ hiệu.
Liu chia sẻ, hình mẫu doanh nhân của ông là tỷ phú Li Ka-shing, một trong những người thành công và giàu nhất châu Á. Trong cuốn tiểu sử xuất bản năm 2009, tỷ phú "nuôi gà" cho biết ông đã nghiên cứu kỹ lưỡng cách nhà tài phiệt Hồng Kông phát triển sự nghiệp từ 2 bàn tay trắng và tạo nên một đế chế đa quốc gia bằng mở rộng kinh doanh từ lĩnh vực hoa giả.
Đến tháng tháng 5/2013, ông Liu từ chức chủ tịch New Hope Group và để con gái lên nắm quyền lãnh đạo.
Tham khảo SCMP, Nikkei
Nhịp sống thị trường