MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Rơi vào tình cảnh chưa kịp giàu đã già, hàng triệu người lớn tuổi Trung Quốc vẫn loay hoay tìm kế sinh nhai sau nhiều thập kỷ mưu sinh nơi đất khách quê người

08-05-2024 - 19:35 PM | Tài chính quốc tế

Với rất nhiều lao động nhập cư hàng chục năm kiếm sống nơi các thành thị sầm uất của Trung Quốc, nghỉ hưu dường như là điều gì đó vô cùng xa xỉ.

Rơi vào tình cảnh chưa kịp giàu đã già, hàng triệu người lớn tuổi Trung Quốc vẫn loay hoay tìm kế sinh nhai sau nhiều thập kỷ mưu sinh nơi đất khách quê người- Ảnh 1.

Sau 3 thập kỷ bán những chiếc bánh tự làm trên đường phố thành phố Tây An, Trung Quốc, ông Hu Dexi, 67 tuổi, muốn sống chậm lại. Thế nhưng, ông không thể làm điều đó. Thay vì nghỉ hưu và an hưởng tuổi già, ông cùng vợ chuyển đến vùng ngoại ô Bắc Kinh, nơi họ thức dậy từ 4h sáng để nấu bữa trưa mang đi làm trước khi vượt qua hơn một giờ đi lại để đến trung tâm mua sắm ở trung tâm thành phố. Tại đây, mỗi người trong số 2 vợ chồng già kiếm được 4.000 tệ (552 USD)/tháng nhờ công việc dọn dẹp kéo dài 13 tiếng.

Giải pháp thay thế cho họ và rất nhiều trong số 100 triệu người di cư từ nông thôn tới các thành phố lớn đã đến tuổi nghỉ hưu ở Trung Quốc trong 10 năm tới là về quê nhà, sống với mảnh vườn nhỏ cùng khoản lương hưu 123 tệ (17 USD) mỗi tháng.

“Chẳng ai có thể chăm sóc chúng tôi. Tôi không muốn trở thành gánh nặng cho 2 đứa con”, ông Hu nói khi tay vẫn lau sàn nhà.

Có một thế hệ người Trung Quốc đã đổ xô từ các làng quê tới các thành phố vào cuối thế kỷ trước. Họ là lực lượng lao động chính giúp xây dựng cơ sở hạ tầng, làm việc trong các nhà máy và đưa Trung Quốc trở thành công xưởng của thế giới. Thế nhưng, thế hệ này đang đối diện nguy cơ sụt giảm mức sống: Chưa kịp giàu đã già.

Rơi vào tình cảnh chưa kịp giàu đã già, hàng triệu người lớn tuổi Trung Quốc vẫn loay hoay tìm kế sinh nhai sau nhiều thập kỷ mưu sinh nơi đất khách quê người- Ảnh 2.

Thực hiện phỏng vấn với hơn chục người, từ người lao động nhập cư, các nhà nhân khẩu học, nhà kinh tế và cố vấn chính sách, Reuters nhận thấy điểm chung là sự đồng tình của họ khi mô tả hệ thống an sinh xã hội đã không còn phù hợp với những biến đổi nhân khẩu học mà Trung Quốc đang phải đối mặt. Bên cạnh đó, các nhu cầu về dịch vụ xã hội cũng tăng mạnh khi dân số Trung Quốc già đi.

Theo thống kê mới nhất, 94 triệu người lao động, tương đương 12,8% trong tổng số 734 triệu lao động của Trung Quốc, ngoài 60 tuổi vào năm 2022, tăng từ mức 8,8% của năm 2020. Tỷ lệ này, dù vẫn thấp hơn so với ở Nhật Bản và Hàn Quốc nhưng nhiều khả năng sẽ tăng vọt khi có thêm 300 triệu người Trung Quốc bước sang tuổi 60 trong thập kỷ tới. Một phần 3 trong nhóm này là những lao động nhập cư tới từ các vùng nông thôn.

Lương hưu ở Trung Quốc được phân chia theo thành thị, nông thôn. Điều này tạo ra khoảng cách lớn về khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội của người hưởng lương hưu. Lương hưu hàng tháng của người ở thành thị dao động trong khoảng 3.000 tệ ở các địa phương kém phát triển tới khoảng 6.000 tệ ở Bắc Kinh hay Thượng Hải. Tuy nhiên, lương hưu ở nông thôn thấp hơn. Kể cả việc tăng lương trong tháng 3 vừa qua, người dân ở nông thôn chỉ được nhận lương hưu tối thiểu từ 123 tệ/tháng.

Trung Quốc đang xem xét thay đổi các chính sách liên quan tới phúc lợi xã hội. Tuy nhiên, chưa có lộ trình nào cụ thể cho những thay đổi đó. Cho tới khi có gì đổi khác, những lao động như ông bà Hu vẫn phải tiếp tục làm việc để mưu sinh. Họ có thể sẽ phải làm việc tới khi nào còn có thể.

Tham khảo: Reuters

Linh Anh

markettimes.vn

Trở lên trên