Rời WeWork, cựu CEO Adam Neumann đầu tư 30 triệu USD vào một startup khác
Adam Neumann, đồng sáng lập và cựu CEO WeWork, đầu tư 30 triệu USD vào Alfred, công ty cung cấp dịch vụ dân cư.
- 25-09-2020Khi TikTok dễ dàng kiếm hàng chục tỷ USD trên đất Mỹ, kỳ lân một thời WeWork bán mình ở Trung Quốc lấy 200 triệu USD
- 19-05-2020Masayoshi Son: Tôi đã quá dại dột khi đầu tư vào WeWork!
- 18-05-2020Cú ‘rơi’ để đời của WeWork: Giá trị giảm từ 47 tỷ USD xuống còn 3 tỷ USD sau chưa đầy 1 năm
Adam Neumann đã quay lại khám phá một trong những đam mê của ông từ thời gắn bó với WeWork - đó là tương lai của cuộc sống dân cư.
Neumann, đồng sáng lập WeWork, người phải rời đi sau nỗ lực IPO thất bại vào năm ngoái, đã đầu tư 30 triệu USD vào Công ty Alfred Club, startup chuyên cung cấp dịch vụ hỗ trợ khách hàng và phần mềm quản lý yêu cầu bảo trì và thủ tục giấy tờ khác cho các tòa nhà chung cư.
Theo thông tin từ Alfred và đại diện phát ngôn của Neumann, văn phòng đầu tư của gia đình Neumann, 166 2nd LLC, dẫn đầu vòng gọi vốn 42 triệu USD của startup này. Thương vụ còn có sự góp mặt của các nhà đầu tư trước đó là Spark Capital và New Enterprise Associates, cũng như Greystar Real Estate Partners LLC, một nhà phát triển căn hộ lớn.
Khoản đầu tư vào các căn hộ dân cư của Neumann nhắc lại dự án nhỏ của ông tại WeWork. Tại đây, ông dẫn đầu việc mở rộng dịch vụ cho thuê văn phòng đến các khu dân cư mang tính cộng đồng, còn gọi là WeLive. Dù chưa từng mở rộng quy mô vượt qua 2 tòa nhà, tại Thành phố New York và gần Washington D.C, nhưng WeLive được quảng cáo như một phần tầm nhìn xa hơn cho WeWork, để tiến xa hơn lĩnh vực văn phòng và tiến đến các khía cạnh khác của cuộc sống. Cùng chung tầm nhìn trên, trường tiểu học tư nhân WeGrow cũng đã được thành lập và đóng cửa.
Adam Neumann đầu tư vào startup. Ảnh: Bloomberg.
Đồng sáng lập và CEO của Alfred, Marcela Sapone, cho biết bà đã gặp mặt Neumann trong năm nay và họ cùng chia sẻ tầm nhìn về tái cấu trúc ngành bất động sản, một ngành truyền thống phát triển chậm. Cả hai đều có “quan điểm rằng bất động sản có thể làm được nhiều hơn cho con người, và rằng chúng ta nên đòi hỏi nhiều hơn từ khoản chi phí đắt đỏ nhất của mình”, bà nói. Ngoài việc cung cấp các dịch vụ như dắt chó đi dạo và thủ tục cho thuê, Alfred cũng hoạt động để xây dựng cộng đồng trong khu chung cư, thông qua tổ chức giờ vui vẻ hay sự kiện giáo dục như làm bánh mỳ, Sapone nói.Neumann đã tỏ ra khá yên lặng kể từ sau thời kỳ hỗn loạn của WeWork vào mùa thu năm ngoái, khi công ty rút lại kế hoạch IPO, nhận hàng tỷ USD tiền cứu trợ từ SoftBank và cho thôi việc hàng nghìn nhân viên. Kể từ đó, ông đã bán bớt một số bất động sản của mình. Cùng lúc này, công ty cũ của ông đã công bố ngày 14/10 rằng họ sẽ đổi tên từ We Co trở lại thành WeWork.
Alfred hiện vận hành tại hơn 100.000 căn hộ và đã huy động được tổng 100 triệu USD tiền vốn. Đó là một khoản tiền khá lớn, dù còn xa mới mới bắt kịp con số hàng tỷ USD mà Neumann huy động cho WeWork. Tuy nhiên, Sapone nhắc đến Alfred qua các ẩn dụ tương tự như cách Neumann từng sử dụng tại WeWork. Ông thường gọi chuyên môn quản lý không gian của WeWork là “WeOS”. Còn Sapone nói Alfred “là hệ thống vận hành cho thứ mà chúng tôi nghĩ là những tòa nhà thế hệ tiếp theo, những ngôi nhà đích thực chứ không phải là các tòa nhà chung cư vô trùng”.
NDH