MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Rong nho Khánh Hòa: Nhiều tiềm năng phát triển

01-05-2022 - 09:36 AM | Thị trường

Đến nay, rong nho Khánh Hòa đã mang lại hiệu quả kinh tế bền vững cho người dân so với đối tượng nuôi trồng thủy sản khác, bình quân mỗi ha rong nho cho thu hoạch đến 700 triệu đồng/năm.

Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn nhằm gia tăng giá trị và hiệu quả là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, trong Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 28/1/2022 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Phát triển diện tích nuôi trồng rong biển , chế biến sâu để có nhiều sản phẩm có giá trị gia tăng là hướng đi hợp lý đối với vùng biển tỉnh Khánh Hòa.

18 năm trước, khi nuôi tôm trong những ao đìa tại phường Ninh Hải, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa gặp nhiều khó khăn vì thời tiết, dịch bệnh, ông Lê Bền đã mạnh dạn đưa rong nho về nuôi trồng. Từ 200gr rong nho giống được đối tác Nhật mang sang, rong nho sinh trưởng và phát triển tốt, phù hợp điều kiện với môi trường tại địa phương.

Đến nay, phường Ninh Hải, thị xã Ninh Hòa có khoảng hơn 40 ha trồng rong nho. Năm ngoái, ngoài rong nuôi trồng trong ao, đìa, ông Lê Bền còn kết hợp thu mua các hộ xung quanh, đạt tổng sản lượng hơn 120 tấn, giá trị xuất khẩu hơn 15 tỷ đồng. Ông Lê Bền cho biết, bình quân mỗi ha rong nho cho thu hoạch đến 700 triệu đồng/năm.

“Chúng tôi rất thận trọng trong kiểm soát việc mở rộng diện tích rong nho. Đây là bài toán khó vì phải thực hiện đa canh tổng hợp, kết hợp nuôi trồng rong biển với các loài nhuyễn thể để mang tính bổ trợ. Con hàu, con ngao treo xen kẽ với rong nho làm sạch nước, giúp cho rong nho quang hợp tốt hơn”, ông Bền chia sẻ.

Đến nay, rong nho đã mang lại hiệu quả kinh tế bền vững cho người dân so với đối tượng nuôi trồng thủy sản khác. Chi phí nuôi trồng mỗi ha rong nho khoảng 50 triệu đồng, song người nuôi chỉ đầu tư giống 1 lần, không tốn chi phí thức ăn vì thế ít rủi ro so với tôm, ốc hương. Rong nho cho thu hoạch hàng tháng trong năm nên tạo được thu nhập ổn định cho người trồng.

Ông Nguyễn Quang Duy, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Xuất nhập khẩu D&T cho biết, vùng Nam Trung bộ với nhiều vũng, vịnh và gần 3.000 giờ nắng/năm là điều kiện lý tưởng giúp thực vật này phát triển thuận lợi. Công ty đang liên kết với khoảng 100 hộ dân nuôi trồng khoảng 90 ha rong nho tại 2 tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa. Đồng thời, phối hợp với các nhà khoa học, người trồng nghiên cứu, sản xuất sản phẩm rong nho tách nước, rong nho sấy khô… để bảo quản lâu dài.

“Nông dân phải chỉnh chu trong nuôi trồng. Các nhà khoa học, các cơ quan chức năng liên quan đến ngành nông nghiệp phải tương tác, hỗ trợ tìm ra những giải pháp chuyển giao, hướng dẫn cho nông dân. Rong biển nên chế biến thành các sản phẩm organic và phải coi đây là đối tượng phát triển bền vững. Nuôi trồng 1 ha rong nho sau khi trừ hết chi phí nông dân kiếm được 25 triệu đồng/thành nhưng họ thu được nhiều lần, còn ốc hương, tôm hùm lại thu theo lứa nhưng cũng có rủi ro”, ông Duy cho biết.

Vừa qua, chương trình hành động của Tỉnh ủy Khánh Hòa thực hiện Nghị quyết số 09/2022 của Bộ Chính trị về việc xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định phương hướng, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, đổi mới sáng tạo theo hướng đa dạng hóa, gia tăng hiệu quả giá trị, kinh tế xanh, tuần hoàn.

Ông Võ Khắc Én, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Khánh Hòa cho biết, sắp đến, toàn tỉnh chỉ quy hoạch còn hơn 800 ha nuôi biển gần bờ, rong biển là loài nuôi trồng phù hợp vì có chi phí đầu tư thấp, hệ số lợi nhuận cao, lại thuận lợi trong việc kết hợp bảo vệ môi trường, sinh thái. Tháng 12/2021, sản phẩm rong nho được chương trình OCOP tỉnh Khánh Hòa đánh giá đạt 4 sao. Để rong biển nói chung, rong nho phát triển lâu dài, tỉnh Khánh Hòa định hướng sẽ thực hiện nuôi trên các vùng biển xa bờ.

“Rong nho Khánh Hòa cần phải tiến ra biển, không thể nuôi trong ao đìa, vừa phù hợp với địa lý thổ nhưỡng lại thích hợp cho rong nho phát triển. Việc đầu tư cho cơ sở hạ tầng nuôi xa bờ rất là cao, phải đào tạo nhân lực chịu đựng được sóng gió, có kỹ thuật nuôi”, ông Én diễn giải.

Ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) cho biết, Tổng cục đang phối hợp với các tổ chức quốc tế nghiên cứu, phát triển rong biển thành sản phẩm hàng hóa có giá trị cao. Hiện, việc nuôi trồng, chế biến rong biển còn thô sơ cần phải kéo dài chuỗi liên kết để chế biến sâu, đưa rong biển vào các lĩnh vực dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng. Nếu tổ chức sản xuất tốt, đây là hướng đi để cải thiện đời sống của người dân ven biển.

“Thông qua Hợp tác xã và các Tổ hợp tác gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm rong biển sẽ đảm bảo được 2 mục tiêu: Bảo vệ, bảo tồn nguồn lợi ven biển và nâng cao sinh kế của người dân. Khi địa phương phát triển được sản phẩm gắn với du lịch nông thôn, làng nghề sẽ khai thác được tiềm năng, lợi thế với chi phí thấp nhất và hiệu quả kinh tế cao nhất. Cùng với đó, nuôi trồng rong biển còn bảo vệ được hệ sinh thái, đa dạng sinh học gắn với định hướng giảm phát thải tốt nhất”, ông Trần Đình Luân khẳng định./.

Theo Thái Bình

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên