ROS đã tăng vốn ‘khống’ thế nào?
FLC đã nâng "khống" vốn điều lệ ROS giai đoạn 2014-2016. Ảnh: ROS.
Trong giai đoạn ROS tăng vốn “khủng” lên 4.300 tỷ đồng, các đơn vị kiểm toán đã từng nhiều lần có ý kiến nhấn mạnh và lưu ý về những con số bất thường trên BCTC kiểm toán của doanh nghiệp này.
Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Bộ Công an vào ngày 25/8 đã thi hành các quyết định bổ sung quyết định khởi tố vụ án hình sự, quyết định bổ sung quyết định khởi tố bị can đối với Trịnh Văn Quyết và các cá nhân có liên quan về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" xảy ra tại CTCP Xây dựng FLC Faros và các công ty có liên quan.
Theo Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT), ông Trịnh Văn Quyết đã làm thủ tục tăng vốn điều lệ khống của FLC Faros (HoSE: ROS) giai đoạn 2014-2016 từ 1,5 tỷ đồng lên 4.300 tỷ đồng, tương ứng với 430 triệu cổ phần. Sau đó, cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC chỉ đạo em gái bán toàn bộ cổ phiếu ROS thu được hơn 6.400 tỷ đồng và rút tiền mặt để chiếm đoạt.
Thực tế, các đơn vị kiểm toán từng nhiều lần có ý kiến nhấn mạnh và lưu ý về những con số bất thường trên BCTC kiểm toán của ROS ở giai đoạn này.
Tại BCTC kiểm toán bán niên năm 2016, Công ty TNHH Kiểm toán ASC nhấn mạnh, "đợt tăng vốn điều lệ trong quý I/2016 do 3 cổ đông góp vốn với số tiền 463,5 tỷ đồng, tương ứng với mỗi lệnh chuyển tiền đến có một lệnh chuyển tiền đi liên tục 18 lần, các lệnh chuyển tiền đến và đi cho các bên nhận uỷ thác được thực hiện trong cùng ngày 8/1/2016".
Có thể hiểu rằng, 3 cổ đông này chuyển tiền góp vốn từng phần vào tài khoản của ROS, nhưng sau đó tiền lại được chuyển ra ngay, và quy trình này lặp đi lặp lại 18 lần chỉ trong ngày 8/1/2016. Điều này đồng nghĩa, với mỗi vòng chuyển tiền, 3 cá nhân trên chỉ cần hơn 25 tỷ đồng để hoàn tất đợt tăng vốn.
Cùng với đó, Kiểm toán ASC cũng nhấn mạnh tính đến ngày 30/6/2016, ROS ủy thác đầu tư cá nhân là 1.417,2 tỷ đồng, ủy thác đầu tư tổ chức 2.149,2 tỷ đồng.
Trước đó, trong năm 2015, Công ty TNHH Kiểm toán và Kế toán Hà Nội cũng lưu ý ROS ủy thác tổng cộng 3.332,6 tỷ đồng cho các tổ chức và cá nhân. Các khoản ủy thác này có kỳ hạn 36 tháng, lãi suất chỉ từ 4-6%.
Đáng chú ý, nhiều khoản đầu tư kể trên có liên quan đến chính lãnh đạo, cổ đông lớn ROS. BCTC bán niên 2016 cho thấy, ROS đã ủy thác cho 2 cổ đông lớn là ông Trần Văn Toản và Nguyễn Quang Trung lần lượt 400 tỷ đồng và 99,4 tỷ đồng.
Có thể thấy, dù là một doanh nghiệp xây dựng, song chiếm đến 56,6% cơ cấu tài sản ROS lại là các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn/dài hạn tại ngày 30/6/2022 là 4.411 tỷ đồng.
Ngoài ra, báo cáo lưu chuyển tiền tệ cũng cho thấy dòng tiền ra vào liên tục trên BCTC ROS trong năm 2015 và 2016 – thời điểm trước trước thềm ROS niêm yết lên sàn HoSE.
Năm 2015, công ty này thu hơn 2.800 tỷ đồng từ tăng vốn, nhưng chi ra gần hơn 2.300 tỷ đồng để đầu tư góp vốn vào đơn vị khác. Năm 2016, tiền thu từ cổ đông góp vốn 462 tỷ đồng thì chi ra cho đầu tư 829 tỷ đồng.
Sau khi niêm yết lên sàn HoSE phiên 1/9/2016, ROS gây chú ý khi tăng trần 12 phiên liên tục. Cổ phiếu này sau đó đạt đỉnh gần 209.700 đồng/CP (giá điều chỉnh là 174.740 đồng/CP) trong phiên 30/10/2017 và trở thành mã có thị giá cao nhất thị trường chứng khoán khi đó.
Tháng 7/2017, cổ phiếu ROS chính thức lọt rổ VN30 - nhóm 30 cổ phiếu bluechip của HoSE. Điều này cũng đồng nghĩa ROS lọt vào danh mục của nhiều quỹ đầu tư ETF mô phỏng chỉ số.
Sang năm 2018, ROS bước vào chu kỳ giảm mạnh. Chốt phiên 28/12/2018, thị giá ROS là 38.700 đồng/CP, giảm 81,5% so với mức đỉnh. Đến cuối năm 2020, giá ROS chỉ còn mức giá “trà đá” 2.530 đồng/CP. Dù giá giảm mạnh, song ROS vẫn nằm trong nhóm VN30 giai đoạn 2017-2020. Phải đến tháng 1/2021, mã này mới bị loại khỏi VN30.
Ngày 25/8/2022, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) đã ra quyết định về việc hủy niêm yết gần 567,6 triệu cổ phiếu ROS, với lý do FLC Faros đã vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin và các trường hợp khác mà HoSE hoặc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xét thấy cần thiết phải hủy niêm yết nhằm bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư. Ngày hủy niêm yết có hiệu lực là 5/9/2022.
Trước đó vào ngày 24/8, HoSE đã ra công văn cảnh báo FLC Faros về khả năng hủy niêm yết cổ phiếu ROS. Dựa vào báo cáo giải trình của FLC Faros, HoSE cho rằng có khả năng doanh nghiệp này không công bố đúng hạn báo cáo tài chính soát xét 6 tháng đầu năm.
Bên cạnh đó, đến thời điểm này, FLC Faros vẫn chưa nộp nhiều tài liệu khác như báo cáo tài chính quý I và II/2022, báo cáo tài chính kiểm toán và báo cáo thường niên 2021. Công ty cũng chưa họp đại hội đồng cổ đông thường niên, chưa đủ số lượng thành viên Hội đồng quản trị tối thiểu và chưa có người đại diện pháp luật.
Nhà Đầu Tư