Rót 18 tỷ USD sau 30 năm hợp tác, một tổ chức quốc tế cam kết sẽ cấp thêm 3 tỷ USD hỗ trợ Việt Nam
Mới đây, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã phối hợp với Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tổ chức lễ kỷ niệm 30 năm quan hệ đối tác Việt Nam-ADB.
- 07-03-2024Trước khi nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện, Australia đã rót hơn 2 tỷ USD vào Việt Nam, địa phương nào được đầu tư nhiều nhất?
- 07-03-2024Được mệnh danh là "đất học", địa phương hơn 760 tuổi sẽ thoát khỏi vùng trũng về hạ tầng giao thông nhờ dự án cao tốc gần 20 nghìn tỷ đồng
Theo đó, Buổi lễ được tổ chức với sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; ông Masatsugu Asakawa, Chủ tịch ADB; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng, lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan, một số cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế tại Hà Nội.
Phát biểu tại cuộc tiếp Chủ tịch ADB và lễ kỷ niệm, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Chính phủ Việt Nam luôn coi ADB là một trong những đối tác phát triển quan trọng, thân thiết, tin cậy, hiệu quả; đánh giá cao sự có mặt của Chủ tịch ADB tại Việt Nam nhân dịp kỷ niệm 30 năm hợp tác, cho thấy thông điệp mạnh mẽ về hướng tới tương lai với tầm nhìn xa hơn, hợp tác hiệu quả hơn.
Thủ tướng khẳng định, Việt Nam trân trọng, biết ơn và đánh giá cao ADB là một trong những đối tác rất nhiệt tình với sự hỗ trợ hiệu quả trên các lĩnh vực. Sự hỗ trợ của ADB còn tạo động lực, truyền cảm hứng cho các đối tác giúp đỡ Việt Nam, góp phần quan trọng vào những thành tựu mà Việt Nam đã đạt được trên con đường đổi mới, hội nhập quốc tế và phát triển bền vững.
Theo Thủ tướng, sau 30 năm, hợp tác giữa Việt Nam và ADB đã có nhiều kinh nghiệm hơn và đang ở trong giai đoạn trưởng thành, chín chắn nhất; mặt khác, Việt Nam và Nhật Bản đã trở thành Đối tác Chiến lược toàn diện, hợp tác giữa hai bên là không có giới hạn như phát biểu của Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio, nhất là về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Trên tinh thần cùng thắng, lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ, Thủ tướng mong ADB tiếp tục hỗ trợ Việt Nam về nguồn vốn, công nghệ, xây dựng thể chế, nâng cao năng lực quản trị, đào tạo nhân lực, tư vấn chính sách, tạo động lực, truyền cảm hứng cho các đối tác phát triển khác, triển khai các chương trình, chính sách nhằm thúc đẩy tăng trưởng bền vững, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, thực hiện các mục tiêu phát triển đất nước tới năm 2030, 2045.
Thủ tướng đề nghị hợp tác giữa hai bên tập trung vào một số lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm như ứng phó biến đổi khí hậu, các công trình hạ tầng chiến lược, nhất là tại ĐBSCL, các lĩnh vực mới nổi như chíp bán dẫn, kinh tế số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, phát triển khu vực tư nhân.
Ngoài ra, Thủ tướng cũng đề nghị ADB tiếp tục tư vấn chính sách, nhất là chính sách kinh tế vĩ mô, chính sách tiền tệ, tài khóa phù hợp tình hình biến đổi rất nhanh hiện nay, cả trước mắt và lâu dài, nhất là trước những vấn đề khủng hoảng không được dự báo trước.
Về phía ngân hàng ADB, Chủ tịch ADB ông Masatsugu Asakawa chia sẻ đã tới Việt Nam nhiều lần nhưng đây là chuyến thăm đầu tiên trên cương vị Chủ tịch ADB. Lãnh đạo ADB cho biết, quan hệ Việt Nam-ADB 30 năm qua phát triển nhanh chóng, đạt nhiều thành tựu.
"Việt Nam là là một trong những đối tác tích cực nhất của ADB", ông Masatsugu Asakawa nhấn mạnh.
Trong 30 năm qua, hỗ trợ lũy kế của ADB dành cho Việt Nam đã lên tới khoảng 18 tỷ USD, cải thiện kết nối khu vực; tăng cường quản lý môi trường và đầu tư xanh; thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang phát triển thích ứng với khí hậu; tăng cường tiếp cận giáo dục, y tế và các dịch vụ xã hội; cũng như hỗ trợ phát triển cộng đồng các dân tộc thiểu số.
Trong các cuộc hội kiến, ông Asakawa tái khẳng định cam kết của ADB cung cấp 3 tỷ USD hỗ trợ Việt Nam trong giai đoạn 2024-2026 và nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường hiệu quả chuẩn bị dự án để đẩy nhanh tiến độ thực hiện.
Ngoài ra, ADB đã cam kết huy động 2,1 tỷ USD theo Kế hoạch huy động nguồn lực để hỗ trợ các dự án trong khuôn khổ Đối tác Chuyển đổi Năng lượng Công bằng của Việt Nam.