Rục rịch tái khởi động, du lịch Việt "sống chung" với COVID-19
Từ tháng 10 sẽ bắt đầu thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Phú Quốc. Nhiều địa phương cũng bắt đầu rục rich khởi động các tour du lịch nội địa tại các điểm đến an toàn.
- 22-09-2021Chuyển 14,62 nghìn tỷ đồng vào dự phòng ngân sách Trung ương để chi cho phòng, chống dịch
- 22-09-2021Nhà đầu tư tỷ phú Howard Marks: 'Đừng nên cược quá nhiều vào dự báo vĩ mô'
- 20-09-2021Quy định mới về du lịch ở TPHCM: Du khách tiêm đủ vắc xin, là F0 khỏi bệnh...
Qua 4 đợt dịch, du lịch là ngành chịu tác động mạnh mẽ nhất. Các doanh nghiệp du lịch đã rơi vào tình trạng kiệt quệ, không còn nguồn lực để duy trì các điều kiện hoạt động tối thiểu.
8 tháng đầu năm, khách du lịch nội địa đạt hơn 30 triệu lượt, giảm 5,5% so với cùng kỳ năm 2020. Tổng thu từ khách du lịch giảm gần 40% so với cùng kỳ. Trong bối cảnh đó, vài ngày qua việc các địa phương kiểm soát tốt dịch đã bắt đầu khởi động lại du lịch.
Ngày 18/9, sân bay Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa) đã đón chuyến bay quốc tế đầu tiên kể từ đợt dịch cuối tháng 4 năm nay. Chuyến bay từ Hàn Quốc, chở 37 hành khách là các chuyên gia quốc tế. Sự kiện đánh dấu việc tái khởi động lại ngành du lịch tỉnh Khánh Hòa
Ngày 19/9, Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh tổ chức thí điểm tour du lịch tại vùng xanh Củ Chi, Cần Giờ, dành cho gần 120 người làm nhiệm vụ trên tuyến đầu chống dịch. Tour tham quan được thiết kế khép kín đảm bảo phòng dịch, cũng là tour du lịch đầu tiên sau thời gian dài TPHCM thực hiện giãn cách xã hội.
TP Hồ Chí Minh tái khởi động thị trường du lịch bằng tour về nguồn
Trong khi đó, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vừa cho phép thực hiện thí điểm mô hình "bong bóng du lịch"... cho phép đón khách du lịch lưu trú tại 4 cơ sở được tỉnh lựa chọn. Khách phải tiêm đủ 2 mũi vaccine, không được ra khỏi khuôn viên cơ sở du lịch và phải thực hiện nghiêm các quy định phòng dịch.
Còn sau hơn 80 ngày giữ được địa bàn an toàn, tỉnh Quảng Ninh cho phép mở lại các hoạt động du lịch nội tỉnh từ hôm qua 21/9. Mục tiêu trong quý IV sẽ đón được 1,9 - 2 triệu lượt khách du lịch.
"Hiện hộ chiếc vaccine hiện nay đang được áp dụng rất nhiều các quốc gia cũng như khu vực trên thế giới. Tại Việt Nam, theo thông báo của Văn phòng Chính phủ đã giao cho Bộ Y tế nghiên cứu việc triển khai thí điểm hộ chiếc vaccine phục vụ cho khách du lịch đến một số địa phương, ví dụ như Phú Quốc. Bộ Thông tin và Truyền thông đang xây dựng một app chung để thống nhất về form mẫu liên quan đến công nhận tiêm chủng, tạo điều kiện thuận lợi cho đi lại", ông Nguyễn Trùng Khánh - Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết thông tin sự chuẩn bị của hộ chiếu vaccine trong quá trình mở cửa lại du lịch.
"Hộp cát Phuket"
Không chỉ Việt Nam, nhiều quốc gia cũng đã và đang bắt đầu tái khởi động ngành du lịch. Một số mô hình đã mang lại thành công bước đầu.
Chương trình du lịch " Hộp cát Phuket " của Thái Lan được đánh giá đã thành công, sau hơn 2 tháng thí điểm mở của cho khách du lịch nước ngoài có chứng chỉ tiêm đủ 2 mũi vắc xin ngừa COVID-19, có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 và được tự do di chuyển trên hòn đảo mà không cần cách ly. Đến nay, Hòn đảo nghỉ dưỡng Phuket đã nhanh chóng đón hơn 32.000 lượt du khách và chỉ 91 người trong số đó (0,28%) có kết quả dương tính với COVID-19.
Từ thành công của Phuket, Thái Lan tiếp tục thực hiện giai đoạn hai mở cửa đất nước tại 5 tỉnh nữa, gồm cả thủ đô Bangkok vào đầu tháng 10 tới, khi dự kiến có 70% cư dân được tiêm đầy đủ vaccine.
Chương trình du lịch "Hộp cát Phuket" của Thái Lan được đánh giá đã thành công (Ảnh: AP)
Trong khi đó, hòn đảo Langkawi đã trở thành địa điểm du lịch đầu tiên của Malaisia thí điểm mở cửa trở lại từ ngày 16/9 đối với các du khách đã tiêm đủ vaccine ngừa COVID-19 và phải tiến hành xét nghiệm trước khi tới địa điểm này, trong chương trình "bong bóng du lịch" nội địa. Ngay trong ngày đầu tiên hòn đảo này đã đón được 3.000 lượt khách, mang lại những tín hiệu tích cực cho ngành du lịch.
Còn Chính phủ Ấn Độ vừa quyết định cấp miễn phí thị thực cho 500.000 du khách đầu tiên đến nước này, nhằm hồi sinh ngành du lịch. Kế hoạch cụ thể sẽ công bố trong vài ngày tới. Tuy nhiên sẽ đưa ra các yêu cầu chống dịch nghiêm ngặt như du khách phải có chứng nhận tiêm đủ vắc xin phòng COVID-19, giới hạn nhập cảnh đối với khách du lịch đến từ một số nước. Thủ tướng Narendra Modi sẽ ưu tiên đẩy mạnh chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19 tại những bang trọng điểm du lịch.
"Một số kinh nghiệm mà chúng ta có thể học hỏi, thứ nhất là tiêm vaccine cho người dân tại các điểm đến đón khách. Thứ hai cần xây dưng quy trình cụ thể để đón, phục vụ khách từ lúc nhập cảnh cho đến xuất cảnh. Thứ 3 là ứng dụng công nghệ thông tin trong việc xử lý những tình huống và có cơ sở vật chất để xử lý tình huống phát sinh", Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch đưa ra một số kinh nghiệm trong việc mở cửa lại du lịch tại một số quốc gia.
Trong tháng 10 dự kiến sẽ có khoảng 30 triệu liều vaccine về Việt Nam, tạo cơ sở quan trọng để thúc đẩy các hoạt động kinh doanh sản xuất trở lại bình thường. Chúng ta buộc phải sống chung với COVID-19, nếu cứ "bật rồi tắt" đồng loạt cả nước, cả vùng theo mỗi trận dịch, doanh nghiệp du lịch cũng không thể tính toán được kế hoạch gì cho tương lai.
Việc khởi động từng bước, tại những vùng an toàn trước là bước đi đúng đắn, hợp lý. Bên cạnh quyết tâm của ngành du lịch thì sự đồng hành chặt chẽ của Bộ Y tế hay Bộ Giao thông vận tải cũng là không thể thiếu để thúc đẩy du lịch an toàn.
Để hiểu rõ hơn quá trình tái khởi động ngành du lịch với quan điểm sống chung với COVID-19, quý vị khán giả có thể theo dõi trong chương trình Vấn đề hôm nay ngày 22/9.
VTV.VN