MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Rục rịch vào "mùa" cao điểm sốt xuất huyết ở Hà Nội, nhiều người nhập viện vì chủ quan

04-09-2018 - 17:06 PM | Sống

Nếu như trong tháng 7-2018, Hà Nội chỉ ghi nhận 15-20 ca sốt xuất huyết (SXH) mỗi tuần, thì từ những tuần cuối tháng 8-2018 đến nay, số ca mắc đã tăng lên từ 50-60 ca/ tuần. Quy luật cũng cho thấy, đỉnh dịch SXH ở Hà Nội thường rơi vào tháng 9 đến tháng 11 hàng năm.

So với thời điểm này năm ngoái – khi dịch SXH ở Hà Nội đang rơi vào giai đoạn cao điểm với số mắc tăng chóng mặt - thì hiện tại, số mắc SXH trên địa bàn thành phố giảm mạnh đến 97%. Tuy vậy, khi nhiều người dân ở những vùng từng xuất hiện ổ dịch năm trước đang có dấu hiệu chủ quan thì khoảng 3 tuần gần đây, lượng bệnh nhân SXH nhập viện đang gia tăng.

Thông tin từ Trung tâm Y tế dự phòng (TTYTDP) Hà Nội cho biết, trong tuần cuối tháng 8 vừa qua, toàn thành phố ghi nhận 64 ca mắc SXH, tăng 6 trường hợp so với tuần 33 (58 ca). Trước đó vào tháng 7, số mắc SXH trên địa bàn Hà Nội chỉ giao động ở mức 15-20 ca/ tuần. Số mắc SXH trong tuần qua phân bố tại 17 quận huyện, 41 xã phường và vẫn tập trung nhiều ở các quận Nam Từ Liêm (14); Hoàng Mai (10); Cầu Giấy (8), Đống Đa (4)…

Theo bác sĩ Phạm Thị Ngọc Mai - Bệnh viện Thanh Nhàn, số mắc SXH nhập viện này điều trị không nhiều nhưng trong số những ca mắc năm nay ghi nhận nhiều ca bệnh nặng, giảm tiểu cầu. Điều đó cho thấy, người dân ít nhiều có dấu hiệu chủ quan, khi có biểu hiện không nghĩ ngay tới SXH mà chỉ khi bệnh chuyển nặng mới nhập viện.

PGS.TS Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc TTYTDP Hà Nội cũng cảnh báo, không ít người dân vì thấy số ca mắc SXH năm nay giảm mạnh nên chủ quan, từ đó lơ là việc phòng dịch ngay trong chính gia đình mình. Thậm chí, qua kiểm tra vẫn phát hiện nhiều nơi còn tồn đọng các ổ bọ gậy.

Đáng chú ý, thời tiết hiện nay ở Hà Nội và các tỉnh phía Bắc có nhiều trận mưa kéo dài nên nguy cơ dịch bệnh SXH gia tăng luôn hiện hữu, nhất là các vũng nước đọng, vật dụng đọng nước sau mưa nếu không được vệ sinh sẽ trở thành môi trường rất thuận lợi để muỗi truyền bệnh SXH sinh sôi, phát triển.

Hiện tại, Hà Nội có khoảng 28.000 lượt hộ gia đình và nhiều khu vực công cộng đã được phun hóa chất chủ động phòng, chống dịch bệnh SXH. Sở Y tế Hà Nội kêu gọi mỗi cá nhân, mỗi gia đình cần nâng cao ý thức tự phòng bệnh SXH cho bản thân mình và cộng đồng, nhất là trong mùa mưa hiện nay.

Xem link bài gốc tại đây.

Theo Duy Tiến

An ninh thủ đô

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên