Rủi ro Nhân dân tệ giảm giá
Trong bối cảnh đồng Nhân dân tệ (CNY) tiếp tục giảm mạnh, các doanh nghiệp Việt Nam nên tịnh tiến tới các thị trường khác ngoài Trung Quốc để đa dạng hóa đầu ra của mình.
- 02-05-2022Đồng nhân dân tệ Trung Quốc giảm giá mạnh
- 08-03-2022USD cao nhất 2 năm, đồng nhân dân tệ cao kỷ lục lịch sử, Bitcoin và tài sản châu Âu lao dốc
- 06-03-2022Đồng Nhân dân tệ tăng mạnh và tác động với Việt Nam
CNY đã giảm 3,8% so với USD, đóng cửa ở mức 6,5866 CNY/USD trong tháng vừa qua, khi Trung Quốc vẫn kiên định với chiến lược “zero Covid”, khiến kinh tế nước này suy giảm. IMF vừa hạ dự báo tăng trưởng GDP của Trung Quốc từ 4,8% xuống 4,4%, thấp hơn nhiều mức 5,5% mà Trung Quốc dự kiến.
Đà giảm chưa dừng lại
Ngoài việc kiên định chiến lược “zero Covid”, CNY mất giá mạnh còn do giới đầu tư nước ngoài đẩy mạnh bán ra cổ phiếu và trái phiếu Trung Quốc, khi FED tăng lãi suất, tạo ra sức hấp dẫn lớn hơn đối với các khoản đầu tư vào trái phiếu chính phủ Mỹ. Ngoài ra, chiến sự Nga-Ukraine cũng khiến cho làn sóng này mạnh mẽ hơn.
Thực tế trên đặt ra vấn đề liệu Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) có phá giá CNY so với USD như năm 2015 hay không?
Ông Robin Brooks, Chuyên gia kinh tế trưởng tại Viện Tài chính Quốc tế, cho biết năm 2015, CNY đã rất ổn định nên một số nhà hoạch định chính sách Trung Quốc nhận thức rằng cần có một số “liệu pháp sốc”. Với hiện tại, đó là điều không thể. Tuy nhiên, CNY sẽ giảm thêm từ 2- 3% so với USD.
Ứng phó của Việt Nam
TS. Lê Xuân Nghĩa, Chuyên gia tài chính, cho rằng trong trường hợp CNY suy yếu không dẫn đến thâm hụt thương mại nghiêm trọng của Việt Nam, thì Việt Nam cũng nên hành động một cách cẩn trọng.
“Khi CNY tiếp tục giảm mạnh, các doanh nghiệp nhập khẩu hàng từ Trung Quốc sẽ hưởng lợi, nhưng các doanh nghiệp xuất khẩu hàng sang Trung Quốc sẽ gặp bất lợi. Vì thế, các doanh nghiệp nên tịnh tiến sang các thị trường khác ngoài Trung Quốc để đa dạng hóa đầu ra cho hàng hóa”, TS. Lê Xuân Nghĩa khuyến nghị.
Bên cạnh đó, hàng Trung Quốc cũng sẽ rẻ hơn ở các thị trường khác, nhất là thị trường EU, Nhật Bản... Do đó, hàng hóa Việt Nam sẽ bị giảm lợi thế cạnh tranh, thậm chí mất thị phần vào tay doanh nghiệp Trung Quốc ở các thị trường này.
Ngoài ra, CNY giảm giá sẽ gây sức ép lên tỷ giá USD/VND trong bối cảnh USD đang tăng giá do FED bắt đầu tăng mạnh lãi suất cơ bản.
Đặc biệt, hàng hóa giá rẻ của Trung Quốc có thể tràn vào Việt Nam, khiến hàng hóa trong nước mất lợi thế trên sân nhà.
Nếu CNY giảm mạnh ảnh hưởng tiêu cực hơn tới kinh tế Việt Nam, nhất là dẫn tới thâm hụt thương mại nghiêm trọng, các chuyên gia khuyến nghị NHNN cân nhắc điều chỉnh giảm giá VND so với đồng USD cũng như so với CNY.
Diễn đàn doanh nghiệp