Rủi ro nợ công hiện hữu sau đại dịch
Mặc dù nợ công có xu hướng giảm và được quản lý chặt chẽ trong ngưỡng an toàn, song nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, nợ công vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch Covid-19 khiến thâm hụt ngân sách tăng cao.
- 08-01-2021Bội chi ngân sách năm 2020 dưới 4% GDP, nợ công vẫn trong ngưỡng cho phép
- 25-12-2020Năm 2020, nợ công/GDP có xu hướng tăng trở lại
- 17-11-2020Công khai thông tin người nộp thuế được khoanh, xóa nợ để dân biết
Dư địa tài khóa đã được cải thiện
Giai đoạn 2016-2020, nợ công đã có xu hướng giảm. Nếu như năm 2016 tỷ lệ nợ công so với GDP là 63,7%, thì đến năm 2020 đã giảm còn 55,3%, thấp xa so với trần nợ công Quốc hội cho phép (là 65% GDP). Nợ công đã được kiểm soát chặt chẽ trong giới hạn an toàn; hiệu quả quản lý và sử dụng nợ công tăng lên, đáp ứng kịp thời những nhu cầu cấp bách của nền kinh tế.
Theo Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2021, tổng số thu NSNN năm 2021 dự toán là 1.343.330 tỷ đồng. Tổng số chi NSNN là 1.687.000 tỷ đồng. Như vậy, dự toán thu và chi ngân sách năm 2021 đều thấp hơn dự toán năm 2020. Tuy nhiên, dự toán về nợ công và bội chi năm 2021 lại tăng khá nhiều.
Cụ thể, bội chi NSNN năm 2021 được dự kiến là 343.670 tỷ đồng, khoảng 4% GDP điều chỉnh (tương ứng 5% GDP chưa điều chỉnh) và tổng mức vay của NSNN là 608.569 tỷ đồng. Dự kiến nợ công đến hết năm 2021 bằng 46,1% GDP điều chỉnh (tương ứng 58,6% GDP chưa điều chỉnh), nợ Chính phủ 41,9% GDP điều chỉnh (tương ứng 53,2% GDP chưa điều chỉnh).
Lý giải về dự toán chi năm 2021 tăng, bội chi cao, nợ nhiều hơn, ông Nguyễn Minh Tân, Phó Vụ trưởng Vụ NSNN, Bộ Tài chính cho biết, nguyên nhân là do năm 2021 NSNN sẽ phải chi nhiều hơn để tiếp tục phòng dịch, bảo đảm an sinh xã hội và để có nguồn chi cho đầu tư phát triển góp phần kích thích tăng trưởng kinh tế.
"Đây là bước chấp nhận tăng nợ công để phục hồi kinh tế. Nền kinh tế qua cơn đại dịch cần thuốc để trợ lực để phục hồi, vì thế cần đảm bảo chi đầu tư công, chi an sinh xã hội và vẫn phải bảo đảm chi trả nợ", ông Nguyễn Minh Tân cho hay.
Trước những lo ngại về nợ công tăng, nhất là nếu tính theo GDP mới điều chỉnh thì con số tuyệt đối về nợ sẽ ở mức rất lớn và bội chi cũng cao, đại diện Vụ NSNN cho biết, 5 năm qua (2016-2019), chúng ta đã nén được nợ công về ngưỡng 44,7%. Theo lãnh đạo Vụ NSNN, khi đưa ra mức nợ công và tỷ lệ bội chi trong dự toán là đã cân nhắc trên mọi phương diện, kể cả khả năng an toàn kinh tế vĩ mô cũng như khả năng huy động từ nền kinh tế và phải xác định khả năng chúng ta vay ở đâu, vay bằng cách nào và khả năng trả nợ ra sao.
"Dư địa tài khóa của chúng ta đã được cải thiện một cách rất mạnh. Cũng chính nhờ dư địa tài khóa đó, năm 2020 Việt Nam mới có nguồn lực để ứng phó với đại dịch Covid-19", đại diện Vụ NSNN nói.
Đồng tình với quan điểm trên, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, khi dịch Covid-19 bùng phát, nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề, do đó, tăng nợ công là một biện pháp cần thiết để phục hồi kinh tế miễn là trong khả năng trả nợ.
"Nợ công cao không sao cả nếu có danh mục nợ tối ưu, chi phí nợ hợp lý và nợ được sử dụng hiệu quả, nghĩa vụ trả nợ đảm bảo", PGS.TS. Vũ Sỹ Cường, Phó Trưởng Bộ môn Phân tích chính sách tài chính, Học viện Tài chính cho biết.
Theo GS.TS. Andreas Stoffers, Giám đốc Quốc gia Quỹ Friedrich Naumann Foundation (FNF) tại Việt Nam, đại dịch khiến Chính phủ phải chi tiêu nhiều hơn để khắc phục hậu quả tiêu cực và hỗ trợ nền kinh tế. Do đó, con số nợ công sẽ tăng cùng với tốc độ tăng trưởng kinh tế. Song, GS.TS. Andreas Stoffers đánh giá, Việt Nam đã quản lý rất tốt nợ công, đã giảm mạnh tỷ lệ nợ công, đi ngược với xu hướng của thế giới, khi những năm gần đây, ở nhiều nước trên thế giới tỷ lệ nợ công đang tăng rất nhanh.
"Nợ công như một đòn bẩy, nếu vận dụng tốt thì sẽ có lợi cho việc thúc đẩy nền kinh tế đất nước", GS.TS. Andreas Stoffers khẳng định.
Tiềm ẩn nhiều rủi ro
Tuy nợ công của Việt Nam được cả chuyên gia trong nước và quốc tế đánh giá là quản lý nợ tốt và nợ trong mức an toàn, nhưng trên thực tế, cũng có những rủi ro đã nhìn thấy. Dễ thấy nhất là nghĩa vụ trả nợ đang tăng lên. Tỷ lệ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với thu NSNN giai đoạn 2016-2020 đã vượt ngưỡng 25% mà Quốc hội cho phép. Tuy nhiên, sự vượt ngưỡng này chưa đáng lo vì nguyên nhân chủ yếu là do các khoản trái phiếu Chính phủ trong nước phát hành trong giai đoạn trước đây đáo hạn ở mức cao vào năm 2021 (187.001 tỷ đồng, chiếm 13,9% thu NSNN).
Bên cạnh đó, đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp khiến kinh tế trong nước tiếp tục gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng tới cân đối ngân sách. Trong bối cảnh dư địa tăng thu ngân sách giai đoạn tới gặp khó khăn thì tỷ lệ trả nợ tăng nhanh, một mặt làm giảm mạnh dư địa cho nhiệm vụ chi đầu tư phát triển và chi thường xuyên của NSNN. Mặt khác, tiềm ẩn rủi ro đối với an ninh tài chính quốc gia, có nguy cơ ảnh hưởng tiêu cực đến hệ số tín nhiệm quốc gia. Áp lực cân đối thanh khoản, bố trí nguồn lực NSNN để trả nợ đến hạn (chủ yếu là nợ trái phiếu Chính phủ) là không nhỏ.
Ngoài ra, danh mục nợ hiện tại vẫn tiềm ẩn rủi ro, kém thuận lợi hơn trước đây. Trong đó, rủi ro thanh khoản trong giai đoạn tới chủ yếu phát sinh từ các khoản nợ trong nước của Chính phủ do nghĩa vụ trả nợ đến hạn tập trung cao vào một số năm và một số thời điểm trong năm, tiềm ẩn nguy cơ rủi ro thanh khoản cho NSNN.
Theo PSG. TS. Vũ Sỹ Cường, nếu có khả năng trả nợ tốt thì trần nợ công không quan trọng, bởi hiện tỷ lệ trả nợ của Việt Nam chưa phải là ngưỡng cao. Tuy nhiên, hiện ông chưa nhìn thấy kế hoạch trả nợ. Do đó, cần có thêm kịch bản cho NSNN trong trường hợp tốc độ tăng trưởng kinh tế và kiểm soát lạm phát không được như dự kiến. Chấp nhận bội chi và nợ công cao nhưng phải đi kèm các biện pháp bảo đảm an toàn nợ công và lường trước các rủi ro về nợ, rủi ro lãi suất.
"Chúng ta thường nhìn sự an toàn của tài chính quốc gia và nợ công theo tỷ lệ tính trên GDP, nhưng tỷ lệ trả nợ trên thu ngân sách cũng là một con số rất quan trọng để đánh giá mức an toàn của nợ công", PGS.TS. Vũ Sỹ Cường nói.
Để bảo đảm an ninh tài chính quốc gia, quan điểm chỉ đạo của Chính phủ và quan điểm điều hành của Bộ Tài chính là sẽ tiếp tục cơ cấu lại NSNN, nợ công, cải thiện dư địa chính sách tài khóa, tăng cường sức chống chịu của nền tài chính, đảm bảo an toàn, an ninh tài chính. Để giảm áp lực trả nợ thì sẽ giảm dần tỷ lệ bội chi NSNN, hướng tới cân bằng thu - chi NSNN, giảm áp lực huy động vốn vay. Các mục tiêu về tăng trưởng, bội chi, đầu tư công cần đảm bảo đồng bộ, thống nhất với mục tiêu an toàn nợ (bao gồm cả chỉ tiêu trần dư nợ cũng như chỉ tiêu trả nợ của Chính phủ/thu NSNN).
Song song với đó, cần tích cực triển khai nghiệp vụ quản lý nợ chủ động đối với danh mục nợ trong nước và nước ngoài của Chính phủ (như hoán đổi, mua lại công cụ nợ trước hạn…) phù hợp với điều kiện thị trường, góp phần giãn nghĩa vụ trả nợ gốc qua các năm, giảm áp lực thanh khoản cho NSNN. Đối với các khoản vay mới, cần tính toán sử dụng công cụ nợ với kỳ hạn phù hợp để giãn lịch trả nợ gốc đều qua các năm, tránh tình trạng nghĩa vụ trả nợ gốc tập trung cao vào một số thời điểm./.
VOV